Nhiều nguy cơ sạt lở nhà ở trong mùa mưa

Đối với người dân miền núi, vùng cao như ở Bắc Kạn thì việc làm nhà, sinh sống trên sườn đồi hay dưới ta luy không phải là chuyện hiếm. Vì vậy, giải pháp để đảm bảo an toàn cho người dân vẫn luôn là bài toán khó, nhất là trong mùa mưa lũ.

Khoảng 14h ngày 30-7, tại khu vực tổ 4, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, hàng nghìn khối đất đá đã sạt trượt xuống ngay phía sau nhà ở của gần 10 hộ dân khiến người dân không khỏi hoang mang, lo sợ.

Theo người dân cho biết, vào thời điểm nói trên, khu vực đồi phía sau nhà xuất hiện những vết nứt, đất đá bắt đầu lở xuống. Đến khoảng 15h, đất đá liên tục sạt xuống khiến nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp tài sản đến nơi an toàn.

Gia đình bà Tống Thị Mai Hương, 1 trong 5 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp do đất đá tràn xuống phía sau nhà, đã nhờ cậy sự giúp đỡ của hàng xóm để di chuyển hầu hết tài sản đi nơi khác. Được biết, đây là khu vực được cảnh báo về nguy cơ sạt lở cao. Để hạn chế sạt lở, các hộ dân đã bỏ mỗi hộ hàng chục triệu đồng để xây dựng kè phía chân ta luy, tuy nhiên toàn bộ phần kè đã bị hư hỏng.

Một trong những vị trí có nguy cơ sạt lở cao nữa là khu vực Tiểu khu 2, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể. Mùa mưa năm 2017, do nhiều vết nứt kéo dài có khả năng sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống của 7 hộ dân và trung tâm y tế huyện Ba Bể, nên huyện đã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để khắc phục.

Tuy nhiên, do thiếu vốn, việc xử lý sạt trượt ở đây chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, đến thời điểm này lượng đất đá phía ta luy dương tiếp tục sạt trượt, các hộ dân hết sức lo lắng trong những ngày có mưa lớn.

Xe tải gặp nạn do đất đá sạt lở trên quốc lộ 3B, đoạn qua đèo Áng Toòng, huyện Na Rì.

Với địa hình có độ dốc cao, nguy cơ sạt trượt là nỗi lo với nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, trong khi đó nhiều hộ dân xây dựng nhà và sinh sống bên sườn núi hay dưới ta luy, chính vì vậy khi sạt trượt xảy ra, thiệt hại sẽ không chỉ là tài sản vật chất mà có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của con người.

Bên cạnh nguy hiểm cho người dân sinh sống bên cạnh những sườn núi thì tình trạng sạt trượt trên các tuyến giao thông cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến tài sản và tính mạng của người dân.

Gần đây nhất, trên QL3B, đoạn qua khu vực đèo Áng Toòng, thuộc địa phận huyện Na Rì, dù mưa không lớn nhưng do đất đá sạt lở đã làm một xe ôtô tải qua đây bị nạn. Rất may không gây thiệt hại về người, nhưng ôtô đã bị hư hỏng nặng.

Theo người dân cho biết, năm nào QL3B cũng bị sạt trượt, ngoài việc gây tắc đường, sạt lở cũng luôn đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 điểm có nguy cơ sạt lở và có trên 2.300 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai cao.

Trong đó số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất là trên 1.400 hộ, hơn 200 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, gần 600 hộ có thể bị ảnh hưởng bởi ngập úng.

Thực tế cho thấy, thiên tai, sạt trượt luôn bất ngờ, tuy nhiên nếu người dân và chính quyền các cấp cẩn trọng, đề phòng sẽ hạn chế rất lớn hậu quả xảy ra.

Mưa lũ là hiện tượng tự nhiên, không dễ đối phó, đặc biệt với một tỉnh còn nhiều khó khăn về ngân sách như Bắc Kạn chưa có đủ nguồn kinh phí để di dời tất cả các hộ dân đến những nơi an toàn.

Chính vì vậy, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, người dân trong những khu vực nguy hiểm cũng cần hết sức chủ động đề phòng, kịp thời di chuyển khỏi những vị trí có nguy cơ sạt lở cao khi có mưa lũ xảy ra.

Ngọc Ánh - Đức Thuần

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nhieu-nguy-co-sat-lo-nha-o-trong-mua-mua-505740/