Nhiều nhà máy xử lý nước thải đồng loạt nâng công suất

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung (NMXLNTTT) trong khu công nghiệp (KCN) vừa hoàn thành việc cải tạo nâng công suất. 3 nhà máy khác đang trong quá trình thi công hạ tầng, lắp đặt thiết bị nâng công suất xử lý nước thải lên 30-60% so với hiện tại.

Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Agtex Long Bình đang trong quá trình cải tạo, nâng công suất. Ảnh minh họa

Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Agtex Long Bình đang trong quá trình cải tạo, nâng công suất. Ảnh minh họa

Việc các nhà máy xử lý nước thải đồng loạt nâng công suất tiếp nhận, xử lý nước thải không chỉ đáp ứng tối đa nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa sự cố nước thải khu vực sản xuất công nghiệp.

* Nâng công suất tiếp nhận, xử lý lên đến 300%

Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ, từ ngày 1-1-2020, các dự án đầu tư thứ cấp mới phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Do đó, nhiều NMXLNTTT đã chủ động xây dựng hạ tầng, đầu tư thiết bị đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở hiện tại và tương lai.

Báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, 31/31 KCN đang hoạt động đều đã hoàn thành xây dựng NMXLNTTT với tổng công suất thiết kế hơn 181m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư hơn 2,1 ngàn tỷ đồng. Tổng lượng nước thải phát sinh tại 31 KCN đang hoạt động khoảng 127 ngàn m3/ngày đêm, hơn 78% lượng nước thải về các NMXLNTTT, còn lại doanh nghiệp tự xử lý hoặc được cấp phép xả trực tiếp. Về cơ bản, 31 NMXLNTTT đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp trong KCN.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Lê Văn Danh cho biết, trong năm 2020, có 3 KCN đã hoàn thành việc nâng công suất NMXLNTTT bao gồm: Giang Điền nâng công suất từ 3 ngàn m3/ngày đêm lên 7,5 ngàn m3/ngày đêm; Nhơn Trạch 1 nâng công suất từ 6 ngàn m3/ngày đêm lên 10 ngàn m3/ngày đêm; Tân Phú nâng công suất từ 600m3/ngày đêm lên 1,8 ngàn m3/ngày đêm. Hiện tại, 3 KCN đang thực hiện cải tạo, nâng công suất NMXLNTTT lên 30-60% so với hiện tại là: Agtex Long Bình, Hố Nai, Long Thành. Cả 3 công trình này đều dự kiến hoàn thành trong năm 2021.

Đại diện Công ty CP Sonadezi Long Thành (chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Thành) chia sẻ, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, ngay từ khi triển khai xây dựng hạ tầng, KCN Long Thành đã đầu tư xây dựng NMXLNTTT công suất 5 ngàn m3/ngày đêm. Sau đó, đơn vị tiếp tục triển khai giai đoạn 2, giai đoạn 3 nâng công suất lên gấp 3 lần ban đầu. Cuối năm 2020, công ty triển khai giai đoạn 4 nâng công suất xử lý từ 15 ngàn lên 25 ngàn m3/ ngày đêm nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho các khách hàng hiện tại và tương lai. Bên cạnh đó, KCN Long Thành đầu tư hệ thống thoát nước mưa tách riêng nước thải, trạm quan trắc tự động nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải.

* Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng xử lý nước thải

Theo quy định của pháp luật, tất cả các KCN đều phải có NMXLNTTT được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về thiết kế, quy mô, công nghệ xử lý. Quá trình xây dựng NMXLNTTT phải song song với quá trình xây dựng hạ tầng KCN. Chủ đầu tư có thể hoàn thành công trình theo công suất được duyệt ngay từ đầu, có thể chia làm các giai đoạn theo lượng nước thải phát sinh thực tế trong KCN. Ban Quản lý các KCN, Sở TN-MT, UBND cấp huyện có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng, vận hành các NMXLNTTT.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, mặc dù 31/31 KCN đều có NMXLNTTT, thực hiện thu gom và xử lý nước thải theo quy định, tuy nhiên do vốn đầu tư nặng, thời gian thực hiện kéo dài nên nhiều nhà máy chưa đảm bảo công suất theo thiết kế; vẫn có KCN có chất lượng nước thải chưa được xử lý ổn định do không kiểm soát được chất lượng đầu vào. Quá trình giám sát các doanh nghiệp trong KCN ghi nhận tình trạng nước thải của các KCN phát sinh những thông số có khả năng nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người như: florua, hoạt độ phóng xạ α, β… nhưng chưa có phương pháp xử lý hiệu quả do đây là những thông số không phổ biến, ít đơn vị có đủ điều kiện để phân tích.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hằng năm đơn vị đều phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc đấu nối nước thải của các doanh nghiệp, giám sát vận hành các NMXLNTTT. Đối với các NMXLNTTT chưa đạt công suất thiết kế được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, ban quản lý yêu cầu chủ đầu tư có kế hoạch nâng cấp, cải tạo và đầu tư công nghệ xử lý hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, những năm gần đây, các sự cố về môi trường liên quan đến nước công nghiệp giảm đáng kể. Nguyên nhân là do tất cả các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có quan trắc tự động giám sát 24/24 giờ. Bên cạnh đó, Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận hành của các NMXLNTTT theo kế hoạch và đột xuất khi có phản ánh của người dân. Theo chỉ đạo của tỉnh, ngành chức năng đang yêu cầu các NMXLNTTT, nhà đầu tư thứ cấp trong KCN thực hiện công trình phòng ngừa sự cố nước thải để hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường.

Lê An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202103/nhieu-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-dong-loat-nang-cong-suat-3046209/