Nhiều nhà thầu Trung Quốc khốn đốn vì bị khất nợ

Theo một số nguồn tin, không ít doanh nghiệp nhà nước cố tình trì hoãn việc thanh toán và lợi dụng vị thế để từ chối tiến hành nghiệm thu.

Doanh nghiệp tư nhân chật vật tìm cách tồn tại

Theo South China Morning Post, anh Richard Zhang cứ vài tháng lại đến Thâm Quyến một lần với một nhiệm vụ duy nhất là để… đòi nợ. Bất ngờ thay, đối tượng bị anh “gõ cửa” trong suốt 2 năm qua lại là một công ty xây dựng được hậu thuẫn bởi nhà nước.

Nhiều nhà thầu phụ đang bị dồn đến bờ vực phá sản. Ảnh: Pexels

Công ty của anh Zhang làm nhà thầu phụ cho một trường trung học cơ sở ở quận Bảo An (Thâm Quyến). Đây là dự án được chính phủ ưu tiên và hoàn thành xây dựng vào năm 2019. Chỉ 3 năm sau đó, trường đã bắt đầu triển khai công tác tuyển sinh.

“Tuy nhiên, sau từng ấy thời gian, chúng tôi vẫn chưa nhận được khoản thanh toán cuối cùng. Tôi đã ứng trước từ vốn của công ty để trả lương cho công nhân viên và các chi phí khác”, anh Zhang than thở.

Sự chậm trễ trong việc thanh toán nợ đã gây tổn hại nghiêm trọng tới các đơn vị thầu phụ như của anh Zhang. Nếu mọi thứ không tiến triển, anh sẽ buộc phải đệ đơn kiện chủ đầu tư vào năm tới. Đây là quyết định cực chẳng đã để giúp công ty thoát khỏi bờ vực phá sản.

“Hơn 10 nhà thầu phụ cho dự án này đã không nhận được tiền thanh toán, bao gồm cả những người lắp đặt điều hòa không khí, xây dựng nền móng và đặt gạch. Bên phía chủ đầu tư nói họ đang xử lý theo quy trình nội bộ, quá trình này có thể mất vài năm”, anh Zhang chia sẻ thêm.

Theo anh Jay Wang, một nhà thầu phụ tư nhân, trước đây, các doanh nghiệp tư nhân lớn có thể đấu thầu những dự án do nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể nhận được dự án thông qua nhiều lớp nhà thầu phụ và đây đều là các doanh nghiệp nhà nước.

Điều này khiến nhiều doanh thu của nhiều công ty tư nhân sụt giảm mạnh. Các khoản đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cũng vì vậy mà bị hạn chế đáng kể.

Xét trong 11 tháng của năm 2023, các khoản đầu tư vào tài sản cố định của khu vực kinh tế tư nhân đã giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tổng đầu tư bất động sản cũng giảm tới 9,4% so với cùng kỳ.

Tại một diễn đàn ở Quảng Châu vào đầu tháng 12, phía chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã đưa ra 131 biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong suốt 18 năm qua.

Dẫu vậy, theo ông Li Mingbo, Phó hiệu trưởng Viện nghiên cứu vùng Vịnh Lớn Quảng Châu, các doanh nghiệp tư nhân vẫn cảm thấy thiếu tự tin khi các chính sách hiện tại vẫn chưa giải quyết được những vấn đề mà doanh nghiệp tư nhân quan tâm nhất.

Những món nợ khổng lồ

Trong thực tế, các cơ quan quản lý kinh tế Trung Quốc luôn thúc giục những doanh nghiệp nhà nước (SOE) thanh toán đúng hạn cho các đơn vị cung ứng mà phần lớn đều là công ty tư nhân.

Các khó khăn trên thị trường địa ốc cũng là một lý do khiến nhiều chủ đầu tư chậm thanh toán nợ. Ảnh: Pexels

Bất chấp những yêu cầu nghiêm khắc từ phía chính quyền, anh Zhang và nhiều nhà thầu phụ khác ở thành phố Châu Hải (tỉnh Quảng Đông) vẫn cảm thấy thất vọng khi các nhà phát triển bất động sản luôn tìm cách né tránh nghĩa vụ trả nợ.

Theo nguồn tin từ South China Morning Post, nhiều quan chức Trung Quốc thừa nhận một số công ty lớn đang “cố tình trì hoãn việc thanh toán” và “lợi dụng vị thế đứng đầu thị trường để từ chối ký hợp đồng hoặc từ chối tiến hành nghiệm thu công trình xây dựng”.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng việc nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng khiến nhiều SOE chìm đắm trong khó khăn tài chính.

Tại tỉnh Hà Nam, ước tính chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước đang nợ các công ty tư nhân vừa và nhỏ khoảng 9,56 tỷ nhân dân tệ (tương ứng 1,3 tỷ USD).

Trong khi đó, tại tỉnh Giang Tô, văn phòng kiểm toán địa phương cho biết 12 thành phố tại đây vẫn đang nợ các công ty tư nhân 1,62 tỷ nhân dân tệ (khoảng 229 triệu USD). Số tiền này đến từ 62 dự án xây dựng và các chi phí mua sắm khác của chính quyền địa phương.

Tại khu tự trị Nội Mông Cổ, nơi đây cũng đang gồng gánh một khoản nợ khổng lồ. Hiện chính quyền địa phương đã phải phát hành 66,32 tỷ nhân dân tệ (khoảng 9,3 tỷ USD) dưới dạng trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để giải quyết quyết các khoản nợ doanh nghiệp.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-nha-thau-trung-quoc-khon-don-vi-bi-khat-no-d206122.html