Nhiều nhà tuyển dụng hỏi 'Sinh viên 5 tốt' là như thế nào?

Các sinh viên, cựu sinh viên cho biết khi tham gia tuyển dụng, nếu ghi vào hồ sơ đạt 'Sinh viên 5 tốt' thì đều bị hỏi 'là như thế nào', vì chưa nhiều người biết giá trị của danh hiệu này.

Bạn Đỗ Thị Bích Phượng, Hội SV Trường đại học Ngoại Thương, nêu ý kiến tại hội nghị - Ảnh Hoàng Hải

Sáng 9.6, T.Ư Hội Sinh viên (SV) Việt Nam tổ chức hội nghị chuyên đề phong trào SV 5 tốt khu vực phía Bắc, nhằm đánh giá lại việc thực hiện phong trào này trong 5 năm qua, với sự chủ trì của anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SV Việt Nam. Hội nghị có sự tham gia của nhiều thầy cô giáo ở các trường đại học, các cựu SV 5 tốt, doanh nghiệp đã tuyển dụng SV 5 tốt, cùng nhiều SV đang học tại các trường đại học.

Nhà tuyển dụng chưa quan tâm

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để đạt được danh hiệu này thì phải là “siêu” SV, vì không chỉ học giỏi mà còn phải đạt rất nhiều tiêu chí khác, nhưng khi tham gia tuyển dụng thì nhiều doanh nghiệp lại không quan tâm đến danh hiệu này. Bạn Vũ Phương Thảo, người từng đạt SV 5 tốt, chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, tôi thấy tiêu chí của SV 5 tốt rất phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng họ chỉ sử dụng tôi như một lao động tốt, chứ không phải là sản phẩm của SV 5 tốt. Khi đưa danh hiệu này vào hồ sơ xin việc thì tôi đã phải giải thích rất nhiều”.

Bạn Hoàng Văn Mạnh, SV Học viện Tài chính từng đạt SV 5 tốt, cũng cho biết, kỹ năng của SV 5 tốt đã giúp bạn rất nhiều khi tham gia tuyển dụng. “Trong hồ sơ tôi có ghi đạt SV 5 tốt Học viện tài chính. Tôi được hỏi danh hiệu đó là gì. Sau khi tôi nói 5 tiêu chí, thì đã lọt vào vòng phỏng vấn và là 1 trong 2 người được chọn đi thực tập sinh tại doanh nghiệp”, Mạnh chia sẻ. Mạnh cũng cho biết trong thời gian vào làm việc tại doanh nghiệp, bạn đã tiếp tục được công nhận SV 5 tốt cấp T.Ư và lúc đó mọi người mới biết đến phong trào SV 5 tốt.

Anh Trần Ngọc Khánh, Trưởng phòng Công tác SV, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội cũng chia sẻ: “Thực trạng thông tin truyền thông về phong trào SV 5 tốt còn hạn chế. Khi chúng tôi làm việc với nhà trường, phòng khoa, thầy cô chưa nắm bắt được; SV còn ngại ngùng đề đạt nguyện vọng. Các nhà tuyên dụng chưa hiểu rõ, khi nói về phong trào này họ chỉ cười, không quan tâm lắm”.

Theo các đại biểu, đó cũng là lý do mà nhiều SV không chủ động tham gia phong trào này. Bạn Đỗ Thị Bích Phượng, Hội SV Trường đại học Ngoại Thương, cho biết: “Danh hiệu SV 5 tốt là danh hiệu cao quý. Tuy nhiên, SV quan tâm tới việc nhà tuyển dụng có “cần” nó không. Có thể danh hiệu này được nhà tuyển dụng biết đến nhưng chưa đánh giá cao. Vì vậy, SV chưa nhận ra tương lai họ sau khi đạt danh hiệu là gì”.

Hội nghị đánh giá về phong trào SV 5 tốt trong 5 năm qua - Ảnh Hoàng Hải

Nên đưa vào chuẩn đầu ra ở các trường

Đánh giá về phong trào SV 5 tốt, bà Ngô Minh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: 5 tiêu chí của phong trào sát với chuẩn SV cần đạt khi học tại các trường đại học. “Đây cũng chính là bản chất hoạt động nhà trường để chọn ra những gương mặt tiêu biểu. Tuy nhiên, Chứng nhận SV 5 tốt được dùng như thế nào, các doanh nghiệp không quan tâm lắm. Vì vậy, giấy chứng nhận cũng cần viết như thế nào để được công nhận, khi SV tham gia tuyển dụng”, bà Thủy đề xuất.

Nhiều đại biểu cùng đồng tình với các đề xuất này. “Danh hiệu cần tập trung vào các yếu tố chuyên môn nhiều hơn để doanh nghiệp biết đến và sẽ đánh giá đúng khi tuyền dụng, bởi SV 5 tốt phải hơn cả SV tài năng vì có tính toàn diện”, đại biểu đến từ Trường đại học Phương Đông nói.

Nhiều đại biểu đã thống nhất đề xuất các tiêu chí mới để giá trị của danh hiệu SV 5 tốt đạt độ sâu và được doanh nghiệp quan tâm hơn như: tiêu chí khởi nghiệp tốt, nghiên cứu tốt, khả năng tin học và ngoại ngữ tốt…

Anh Tạ Đăng Quang, Chủ tịch Hội SV Trường đại học Y Hà Nội, đề xuất: “Việc đạt được bằng giỏi chỉ là tiêu chí nhỏ của SV 5 tốt. Thủ khoa chưa chắc là SV 5 tốt. Vì vậy, để mọi người biết đến nhiều hơn, thì cần đưa ra tiêu chí SV giỏi phải là SV 5 tốt”.

Ông Chu Văn Hùng, đại diện Trường đại học Luật Hà Nội, cho rằng các tiêu chí của phòng trào này cơ bản cũng là tiêu chí mà các trường đào tạo SV, nên có thể xem xét đưa vào chuẩn đầu ra của các trường. “Phong trào SV 5 tốt có tiêu chí phù hợp với chuẩn đầu ra của các trường đang hướng tới. Nên chăng, các trường cần xây dựng chuẩn đầu ra phải có tiêu chí là SV 5 tốt. Bộ Giáo dục - Đào tạo không quy định cứng về chương trình, các trường tự xây dựng chỉnh sửa, thì hoàn toàn có thể thực hiện”, ông Hùng nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SV Việt Nam, cho biết các ý kiến đóng góp rất thiết thực, T.Ư Hội sẽ ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Hội SV Việt Nam khóa 10 và hướng dẫn triển khai phong trào tại nhiệm kỳ này.

Anh Lê Quốc Phong cho rằng, phong trào SV 5 tốt phù hợp chủ trương của Đảng, Nhà nước, các trường học và các doanh nghiệp, nhưng cách hiểu, cách tiếp cận cần xem lại khi triển khai vì chưa có sự đồng nhất, hiệu quả.

“Chúng ta chưa làm tốt vai trò của Hội SV khi thực hiện phong trào, mà mới chỉ quan tâm đến tiêu chí. Cần tạo môi trường khi triển khai vì nhận thức cán bộ Hội các cấp, các trường khác nhau, nên có trường chủ động, có trường chưa, mà chỉ trông chờ vào hướng dẫn của T.Ư. Tổ chức Hội cần triển khai để giúp việc kết nối với doanh nghiệp và giới thiệu với xã hội nhiều hơn, để mọi người biết đến phong trào này. Hội cũng cần tích cực nhiều hơn để giúp SV thấy giá trị như thế nào của danh hiệu và doanh nghiệp tin tưởng hơn”, anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Vũ Thơ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nhieu-nha-tuyen-dung-hoi-sinh-vien-5-tot-la-nhu-the-nao-971712.html