Nhiều nơi mưa to, ngập lụt sau bão số 3

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đêm 18-9, tâm bão số 3 (Sơn Tinh) đã đổ bộ vào Bắc Trung bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục gây mưa lớn ở nhiều khu vực tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ trong ngày 19-7.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp người dân ở xã Xuân Phổ lợp lại mái nhà

Riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa rất to, có nơi vượt mức 130mm. Đến chiều và tối 19-7, tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La thuộc thượng nguồn sông Đà, vẫn có mưa rất lớn, cảnh báo nguy cơ lũ quét.

Tuy nhiên, tâm điểm mưa lớn là 2 huyện Ba Chẽ và Tiên Yên, Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, gây ngập lụt nặng. Từ sáng đến chiều 19-7, nước lũ tại huyện Ba Chẽ dâng cao, làm 3 tuyến tỉnh lộ (330, 330B, 329 dẫn vào trung tâm huyện) bị chia cắt hoàn toàn. Trên tỉnh lộ 330 có 10 điểm ngập; cầu Khe Cát, xã Thanh Sơn ngập sâu hơn 1m.

Riêng khu vực trung tâm thị trấn Ba Chẽ, nước lũ tràn vào nhiều hộ dân. Sáng 19-7, cột điện đường dây 372E - 56 đoạn qua xã Nam Sơn (Ba Chẽ) bị đổ, gây mất điện toàn bộ địa bàn huyện Ba Chẽ. Ngay khi nước lũ dâng cao, các lực lượng chức năng của huyện Ba Chẽ đã huy động 100 người hỗ trợ di dời khẩn cấp 800 người dân ở 300 hộ đến nơi an toàn là các nhà văn hóa, trường học.

Đồng thời, điện lực huyện Ba Chẽ đã bố trí 20 công nhân khắc phục sự cố. Các địa phương trên địa bàn huyện đã bố trí máy phát điện để đảm bảo việc thông tin liên lạc giữa huyện với xã, thị trấn không bị gián đoạn. Huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, chủ động các phương án phòng, chống bão, lũ; cử lực lượng canh gác các điểm ngập, lụt, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Tại huyện Tiên Yên, mưa lũ gây ngập sâu hơn 1m tại tổ 1, phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên. Quốc lộ 18A, đoạn qua địa bàn xã Hải Lạng ngập gần 50cm, hàng trăm phương tiện lưu thông trên tuyến chỉ có thể nhích dần từng mét. Tại khu phố Long Châu (thị trấn Tiên Yên), thôn Xó Nương, thôn Cống To (xã Tiên Lãng), xã Đồng Rui, nước từ hồ Cây Trám đã tràn vào một số nhà dân.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt huy động 20 cán bộ chiến sĩ tuần tra dọc tuyến quốc lộ khu vực miền Đông để đảm bảo an toàn giao thông. Chiều 19-7, các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà phải dừng toàn bộ cuộc họp và những việc chưa cấp thiết để dồn toàn lực phòng, chống mưa lũ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, sau khi áp thấp nhiệt đới suy yếu, dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Trung bộ lại hoạt động mạnh. Vì vậy, tình trạng mưa lũ sẽ kéo dài thêm nhiều ngày tới ở Đông Bắc, khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và có thể lan ra các khu vực khác ở Trung bộ.

Khu vực Tây Nguyên và Nam bộ chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam đang hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm); trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tại cuộc họp ngày 19-7, cơn bão số 3 không gây thiệt hại về người khi đổ bộ vào đất liền nhưng gây mưa lớn ở nhiều nơi do hoàn lưu bão.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, cho biết mưa rất lớn đã gây ngập lụt vùng ven biển tại các tỉnh từ Nam Định đến Hà Tĩnh do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão).
Ngày 19-7, tại nhiều huyện, thị thuộc tỉnh Nghệ An, mưa lớn tiếp tục xảy ra khiến tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp.

Anh Hà Văn Huy, cán bộ xã miền núi - biên giới Hạnh Dịch (huyện Quế Phong), cho biết mưa lũ đã cô lập xã này với bên ngoài. Ngay trên địa bàn xã, nước lũ đã chia cắt hoàn toàn giữa trung tâm xã với các bản như: Pỏm Om, Mường Đán, Hủa Mương… Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, mưa lớn cũng đã gây ngập úng nhiều nơi, sạt lở nhiều tuyến đường. Tại xã Châu Cường, cây đổ cùng với sạt lở đường khiến giao thông đi lại vô cùng khó khăn, nguy hiểm.

Chiều 19-7, ông Lang Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Châu Bính (huyện Quỳ Châu), cho biết vẫn chưa liên lạc được với 35 người đi hái măng trong rừng. Trước đó, một nhóm 41 người của xã này đi vào rừng hái măng. Khi bão số 3 đổ bộ vào, người thân của những người này chỉ liên lạc được qua điện thoại với 6 người, còn 35 người vẫn chưa liên lạc được. Hiện xã đã báo cáo lên huyện, đồng thời tìm cách liên lạc, cử người có kinh nghiệm đi tìm.

Thông thường, người dân Châu Bính vào rừng hái và làm măng khô nên mỗi lần đi khoảng 1 tháng. Có khả năng điện thoại của những người này hết pin.
Theo Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An, mưa lớn đã khiến 2 nhà bị sập, 4 nhà bị hư hỏng; hơn 12.250ha lúa, hơn 6.700ha ngô và hoa màu các loại bị ngập… Mưa lũ đã chia cắt các quốc lộ như quốc lộ 48 tại điểm xã Châu Bình, Châu Thắng (huyện Quỳ Châu); quốc lộ 16 tại điểm xã Đồng Văn (huyện Quế Phong), xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương)…

Tại Thanh Hóa, mưa lớn trên diện rộng đã khiến hơn 13.292ha lúa bị ngập, trong đó diện tích lúa ngập trắng là 4.233ha, tại các huyện Tĩnh Gia, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Triệu Sơn... Mưa lũ cũng đã làm 470 ngôi nhà và 16 điểm dân cư bị ngập. Cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi như: Thường Xuân, Quan Hóa, Như Xuân, Như Thanh, Bá Thước, Cẩm Thủy…

Sau khi bão số 3 tan, hơn 300 người gồm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Hải đội 102 - Cảnh sát biển vùng 1 và các đoàn thể, chính quyền ở huyện Nghi Xuân đã có mặt tại địa bàn xã Xuân Phổ để giúp đỡ khắc phục thiệt hại, lợp lại mái nhà, mái che cho 13 hộ dân bị thiệt hại nặng do trận lốc xoáy gây ra vào tối 18-7.

Các lực lượng chức năng cũng tập trung dọn dẹp bùn đất, xử lý vệ sinh môi trường do ngập lụt cục bộ; chặt phát, dọn dẹp cây cối bị đổ, gãy, giúp đỡ nhân dân trên địa bàn sớm ổn định lại cuộc sống sau ảnh hưởng của bão và lốc xoáy. Tình trạng sạt lở trên tuyến quốc lộ 8A lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã được khắc phục, các phương tiện đảm bảo lưu thông qua lại bình thường. Nhà máy thủy điện Hố Hô hiện đã đóng cửa xả tràn sau khi mực nước thượng lưu hồ giảm, chỉ còn Nhà máy thủy điện Hương Sơn vẫn tiếp tục xả lũ.

NHÓM PV

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/nhieu-noi-mua-to-ngap-lut-sau-bao-so-3-59875.html