Nhiều nông sản xuất xứ Việt Nam sẽ không được hưởng thuế suất ưu đãi

'Hiện Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 60% nguyên liệu hạt điều từ các nước để chế biến và đóng gói xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, sắp tới những sản phẩm sản xuất theo kiểu này sẽ không được công nhận xuất xứ Việt Nam, đồng nghĩa không được hưởng thuế suất ưu đãi' - Chuyên gia Eurocham thông tin.

Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 60% nguyên liệu hạt điều từ các nước (Ảnh TL)

Số lần cảnh báo về an toàn thực phẩm không hề nhỏ

Cùng với thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU là một trong 4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hiện thị trường EU chiếm 19% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, sau Hoa Kỳ (21%) và vượt xa các thị trường khác. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi các dòng thuế quan dần dần về 0% sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số liệu thống kê được các chuyên gia đưa ra cho thấy Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các nước có số trường hợp nhận cảnh báo và bị trả hàng từ châu Âu nhiều nhất. Tính riêng ngành thực phẩm, năm 2017 có 90 trường hợp. Và từ đầu năm đến nay là hơn 40 trường hợp bị cảnh báo từ thị trường này.

Ông Nguyễn Huy, Giám đốc khối thực phẩm Công ty Bureau Veritas, dẫn số liệu thống kê cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chiếm hơn 1/3 số trường hợp nhận cảnh báo từ thị trường châu Âu. Nếu từ năm 2015 về trước, các mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam bị rất nhiều vấn đề về dư lượng kháng sinh, thì gần đây, nông sản lại nổi lên khi vướng các vụ việc bị cảnh báo liên quan đến an toàn thực phẩm.

Bà Marieke Van Der Pijl, chuyên gia của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho hay, năm 2017 EU có 77 cảnh báo đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 23 lô hàng bị từ chối. Trong những tháng đầu năm 2018, EU tiếp tục từ chối 11 lô hàng trong tổng số 33 lô hàng bị cảnh báo.

“Các mặt hàng của Việt Nam liên tục bị từ chối nhập khẩu vào châu Âu và một vài thị trường khác, do liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Nguyên nhân chủ yếu khiến các lô hàng bị nhận cảnh báo, từ chối nhập đóng gói chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, vượt mức dư lượng kháng sinh theo tiêu chuẩn quy định” - Bà Marieke Van Der Pijl cho biết.

Ngoài ra, Chuyên gia Eurocharm cũng cảnh báo: “Sự cố đáng tiếc xảy ra chính là việc EU áp thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nếu không nhanh chóng điều chỉnh để EU rút thẻ vàng thì nguy cơ thành thẻ đỏ. Điều này đồng nghĩa với việc EU cấm tiếp nhận một số mặt hàng thủy sản. Đến lúc đó Việt Nam sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để chấn chỉnh hơn, đồng thời ảnh hưởng đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU do ảnh hưởng đến lòng tin”.

Tại châu Âu, vấn đề an toàn thực phẩm được quản lý rất khắt khe do ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Đồng thời, khi hàng hóa bị nhận cảnh báo từ thị trường nhập khẩu, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, mất thị trường mà còn ảnh hưởng đến uy tín và lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Khẩn trương khắc phục những sự cố đáng tiếc

Với hiệp định tự do thương mại Việt Nam EU (EVFTA), sắp tới sẽ có nhiều rào cản buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có những giải pháp khắc phục để tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường EU. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo hàng hóa chất lượng còn cần chú trọng các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ…

Theo đó, phải có dây chuyền lạnh, đóng gói đảm bảo vi khuẩn không xâm nhập được, quá trình vận chuyển hàng hóa phải chuyên môn hóa cao. Đặc biệt, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc để khi có vấn đề xảy ra thì có thể xác định được nguyên nhân và có biện pháp giải quyết nhanh nhất.

Một yêu cầu không kém phần quan trọng của EVFTA chính là quy định xuất xứ sản phẩm sẽ được áp dụng và siết chặt hơn. Chỉ những sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Chuyên gia Eurocharm nêu ví dụ, hiện Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 60% nguyên liệu hạt điều từ các nước để chế biến và đóng gói xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, sắp tới những sản phẩm sản xuất theo kiểu này sẽ không được công nhận xuất xứ Việt Nam, đồng nghĩa không được hưởng thuế suất ưu đãi.

Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm (RASFF) và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến nhất tại thị trường này là BRC. Cụ thể, tiêu chuẩn BRC sẽ làm rõ các yêu cầu để kiểm soát hàng nhái, hàng giả; khuyến khích minh bạch hơn và truy tìm nguồn gốc trong chuỗi cung cấp; thêm yêu cầu về kiểm soát nhãn và quá trình bao gói dán nhãn… Ngoài ra, thị trường châu Âu còn ưa chuộng tiêu chuẩn Global GAP nên nếu doanh nghiệp Việt áp dụng cùng tiêu chuẩn này sẽ có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn.

Đức Minh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/nhieu-nong-san-xuat-xu-viet-nam-se-khong-duoc-huong-thue-suat-uu-dai-42255