Nhiều nước bơm tiền 'giải cứu' nền kinh tế

Malaysia ngày 27/3 đã công bố 'gói kích cầu kinh tế lấy con người làm trung tâm', trị giá 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD). Đây là gói cứu trợ thứ hai được chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đưa ra trong vòng 1 tháng nhằm hạn chế tác động về kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi mua hàng tại một siêu thị ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi mua hàng tại một siêu thị ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 16/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong bài phát biểu phát trên truyền hình, Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin khẳng định tình hình hiện nay là "chưa từng có tiền lệ", đòi hỏi các biện pháp chưa từng có. Ông cho biết gói kích cầu này đảm bảo bao phủ toàn bộ các thành phần trong xã hội.

Theo đó, trong số 250 tỷ ringgit, chính phủ sẽ dành 128 tỷ ringgit cho các khoản phúc lợi xã hội, 100 tỷ ringgit để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa vào nhỏ, cùng 2 tỷ ringgit để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Nhóm thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu được hỗ trợ tổng cộng 10 tỷ ringgit.

Gói kích cầu kinh tế, được chính quyền của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad xây dựng và công bố hôm 27/2, với trị giá ban đầu chỉ ở mức 20 tỷ ringgit. Sau cuộc họp nội các đầu tiên vào ngày 11/3, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã quyết định điều chỉnh lại chính sách này nhằm đảm bảo các phân khúc mục tiêu được ưu tiên và lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.

Thống kê cho thấy số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã tăng gấp đôi trong tuần này, lên 2.161, với 26 ca tử vong.

Malaysia là nước có số người mắc COVID-19 cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Chính phủ nước này đã kéo dài lệnh cấm đi lại cho đến ngày 14/4 nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma đã lên tiếng bảo vệ quyết định của chính phủ, hỗ trợ hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo ông, gói cứu trợ này sẽ không "phá nát" nền kinh tế. Tác động về kinh tế do COVID-19 gây ra là vấn đề toàn cầu, đang gây ảnh hưởng đến tất cả các nước trên thế giới.

Trong khi đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng tuyên bố sẵn sàng tăng hỗ trợ kinh tế. Theo ông, người dân cần hiểu rõ chính phủ đang nỗ lực hết sức để có thể ổn định kinh tế, giúp người dân giữ được việc làm và các công ty duy trì hoạt động.

Trước những tác động của dịch COVID-19, giới chức Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ sớm đưa ra gói kích thích kinh tế, có thể lên tới 515 tỷ USD, chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dự kiến, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ yêu cầu Nội các công bố gói kích thích này trong tháng 4. Nếu được công bố, gói cứu trợ này còn cao hơn số tiền Nhật Bản đã chi trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Mạnh Tuân - Ngọc Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-nuoc-bom-tien-giai-cuu-nen-kinh-te-20200327170659160.htm