Nhiều nước chạy đua đối phó siêu bão

Khi bờ biển phía đông của nước Mỹ đang cố gắng để chống chọi với cơn bão Florence chuẩn bị ập vào, hơn 10 triệu người đang sống trên đường đi của siêu bão Mangkhut khi nó đang gầm gừ ở vùng Đông và Đông Nam Á. Đây được cho là 2 cơn bão mạnh nhất trong số 9 cơn bão mạnh đang xuất hiện cùng lúc trên toàn thế giới.

Khi bờ biển phía đông của nước Mỹ đang cố gắng để chống chọi với cơn bão Florence chuẩn bị ập vào, hơn 10 triệu người đang sống trên đường đi của siêu bão Mangkhut khi nó đang gầm gừ ở vùng Đông và Đông Nam Á. Đây được cho là 2 cơn bão mạnh nhất trong số 9 cơn bão mạnh đang xuất hiện cùng lúc trên toàn thế giới.

Các quốc gia trên khắp Đông và Đông Nam Á đã ban hành các cảnh báo khẩn cấp và ra lệnh sơ tán dân khi hai cơn bão mạnh chuẩn bị tấn công khu vực. Khoảng 12.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực thấp của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và các hoạt động vận chuyển trên biển tạm dừng trước sự xuất hiện của bão Barijat. Nhưng mối quan tâm thực sự lớn hơn là siêu bão Mangkhut, vốn vẫn đang tập hợp sức mạnh khi nó tiến đến gần phía bắc Philippines.

Lực lượng cứu hộ Philippines chuẩn bị đối phó với siêu bão Mangkhut. Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ Philippines chuẩn bị đối phó với siêu bão Mangkhut. Ảnh: AFP

Siêu bão Mangkhut hoành hành ở Đông Nam Á

Trong ngày 13-9, hàng triệu người ở Philippines đang đối mặt nhiều nguy cơ lớn khi siêu bão này tấn công phía Bắc Philippines vào cuối tuần này.

Chưa kể đến sức gió mạnh khủng khiếp khi nó đi qua, hậu quả sau đó là gây lũ lụt, lở đất và những cột sóng cao cho quốc gia thường xuyên hứng chịu bão lớn này. Các lực lượng cứu hộ khẩn cấp đã được triển khai ở mũi phía bắc của đảo Luzon chính của Philippines, nơi Mangkhut dự kiến đổ bộ vào ngày 15-9. Siêu bão này hiện đang nạo vét trên khắp Thái Bình Dương với sức gió 255km/h.

Mangkhut đã xuyên qua Guam và quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, gây lũ lụt và mất điện trên diện rộng, trong đó một phần của đảo Guam vẫn không có điện vào sáng 13-9. 16 tỉnh trên khắp quần đảo Luzon và Visayas đã ban hành cảnh báo về siêu bão Mangkhut – có tên gọi là Ompong tại địa phương - với mức độ đe dọa dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng, theo Cục Khí quyển, Địa vật lý và Thiên văn học Philippines. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tổ chức cuộc họp khẩn trong ngày 13-9 cùng với Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia khi chính phủ xem xét các thủ tục ban bố tình trạng khẩn cấp.

Mangkhut hiện đang trên đà siêu mạnh như siêu bão Haiyan, vốn khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở Philippines năm 2013. Miền Bắc Luzon cũng bị tàn phá trong năm 2016 bởi siêu bão Haima - được gọi là Lawin tại địa phương - với hơn 14.000 ngôi nhà bị phá hủy và 50.000 ngôi nhà bị hư hại. Hội Chữ thập đỏ nước này đặt ra mức cảnh báo cao nhất trên đảo, cảnh báo, gió và mưa lớn có thể gây thiệt hại cho quần đảo và khu vực ven biển Luzon. “Chúng tôi lo lắng cho 10 triệu người Philippines đang sống trên đường đi của cơn bão khủng khiếp này, gồm cả những người đã từng di dời nhiều lần do mưa gió mùa tháng 7 và tháng 8”, CNN dẫn lời ông Richard Gordon, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Philippines cho biết.

Đây có thể là cơn bão tồi tệ nhất sẽ mà Hồng Kông và Ma Cao (Trung Quốc) phải gánh chịu trong hơn 60 năm qua. Nhiều hãng hàng không Hồng Kông, bao gồm Cathay Pacific, đã thông báo sẽ miễn phí cho việc đổi vé hoặc đổi tuyến các chuyến bay đến hoặc rời thành phố trong thời gian này.

Mọi người xếp hàng để vào một nơi cư trú bão ở Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: AFP

Mỹ chờ “đón” siêu bão Florence

Với tốc độ gió lên đến 250km/h, tương đương với bão cấp 5, Mangkhut mạnh hơn siêu bão Florence hiện đang hoành hành bờ Đông nước Mỹ và dự kiến sẽ đổ bộ vào ngày 14-9.

Tại Mỹ, hơn 1,7 triệu người sống dọc khu vực bờ biển đông như: Bắc Carolina, Nam Carolina và Virginia đã được lệnh sơ tán khẩn cấp khi Florence - cơn bão mạnh nhất trong hơn 30 năm qua - sắp đổ bộ vào khu vực Carolina. Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 12-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, ưu tiên bảo vệ mạng sống con người trước “một trong những cơn bão mạnh nhất tiến vào đất nước chúng ta”. Thống đốc bang Bắc Carolina, Roy Cooper yêu cầu người dân sống ở ven bờ biển sơ tán ngay lập tức. “Hãy rời đi ngay. Ở lại là đặt bản thân vào nguy hiểm. Đừng chờ đến khi mưa lớn và gió mạnh”, ông tuyên bố. Ngay cả các nhóm cứu hộ cũng không được phép ở lại. Tâm bão Florence, được dự báo sẽ tiến sát bờ biển Bắc Carolina vào chiều 14-9, theo Trung tâm Bão nhiệt đới Quốc gia Mỹ (NHC) ở Miami. Sức gió tối đa của cơn bão được đo là hơn 210km/h.

Florence và Mangkhut là 2 cơn bão mạnh nhất trong số 9 cơn bão mạnh đang xuất hiện cùng lúc trên toàn thế giới. “Mangkhut là mạnh hơn và nguy hiểm hơn so với Florence”, nhà khí tượng học CNN Brandon Miller cho biết. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, mức độ phá hủy gây ra bởi một cơn bão phụ thuộc vào những gì xảy ra trên bộ. Theo ông, bờ biển phía đông Mỹ “đông dân hơn với cơ sở hạ tầng đáng kể hơn, vì vậy, Florence gần như chắc chắn sẽ là một cơn bão gây thiệt hại nặng hơn”. Nhưng Mangkhut lại là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với sinh mạng con người vì nó sẽ tấn công với những cơn gió mạnh khủng khiếp trên một khu vực rộng lớn hơn.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_195271_nhieu-nuoc-chay-dua-doi-pho-sieu-bao.aspx