Nhiều nước đã cấm hạt vi nhựa trong mỹ phẩm, khi nào đến Việt Nam?

Từ ngày 1-1-2020, Bộ Y tế Thái Lan thông báo sẽ cấm nhập khẩu, sản xuất và bán các mặt hàng mỹ phẩm chứa hạt vi nhựa.

Hạt vi nhựa được tìm thấy trong các sản phẩm làm sạch như tẩy da chết và trong sữa rửa mặt, sữa tắm, kem đánh răng…Đây là động thái nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hạt vi nhựa đối với môi trường.

Trước đó, Anh cũng đã cấm việc sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân do quan ngại tác động của nó đến hệ sinh thái biển.

Với kích thước siêu nhỏ (dưới 5mm), hạt vi nhựa dễ dàng theo nước thải ra sông ngòi, kênh rạch, cống rãnh và thấm vào mạch nước ngầm, hạt vi nhựa không thể phân hủy trong môi trường trong một thời gian dài.

Không chỉ có trong mỹ phẩm, nguy cơ ô nhiễm hạt vi nhựa được các nhà khoa học cảnh báo từ ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương, sông rạch.

Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa thải ra đại dương nhiều thứ 4 trên thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines) với lượng thải từ 0,23 – 0,73 triệu tấn ra đại dương mỗi năm. Ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương, sông rạch đang được cảnh báo khắp nơi vì đe dọa hệ sinh thái, ảnh hưởng tính mạng của các loài thủy sản, hải sản, gây mất mỹ quan. Đặc biệt, rác thải nhựa nằm trên đại dương, sông rạch lâu dài sẽ phân hủy thành hạt vi nhựa, thâm nhập vào các chuỗi thức ăn (thủy, hải sản, vật nuôi…) và đi vào cơ thể người. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cần phải nghiên cứu thêm về tác hại của hạt vi nhựa lên sức khỏe con người.

Năm 2018, nhóm nghiên cứu của TS Emilie Strady (chuyên gia nghiên cứu của iện nghiên cứu vì sự phát triển Cộng hòa Pháp) tại Việt Nam đã cùng cộng sự thực hiện dự án Compose, nghiên cứu về rác thải nhựa trong môi trường nước ở Việt Nam. Nhiều sông, hồ tại các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, TP HCM, Đồng Nai được nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu thường xuyên, đánh giá. Kết quả nghiên cứu công bố năm 2018 cho thấy, có sự ô nhiễm nhiều về nhựa mảnh lớn và vi nhựa trong hệ thống kênh sông Sài Gòn.

Thu Hồng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nhieu-nuoc-da-cam-hat-vi-nhua-trong-my-pham-khi-nao-den-viet-nam-20191226120053053.htm