Nhiều nước tăng mua vàng: Xu thế rời bỏ USD thành hình?

Rời bỏ USD không chỉ là giảm sử dụng USD trong thanh toán, mà còn là giảm tỷ lệ USD trong dự trữ, xây dựng cơ chế độc lập với USD...

Nhiều nước trên thế giới tăng cường mua vàng dự trữ mạnh nhất kể từ năm 2015 đến nay

Ngày 2/11, CNBC dẫn báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay quý III/2018, Ngân hàng Trung ương nhiều quốc gia đã tăng cường mua vàng mạnh nhất kể từ năm 2015.

Trong quý I và quý II, nhu cầu vàng của các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới đã tăng tới 42% và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, các Ngân hàng Trung ương đã bổ sung thêm 193,3 tấn vàng, tăng 8% so với mức 178,6 tấn cùng kỳ năm 2017.

Báo cáo của WGC cho biết, chỉ trong nửa đầu năm 2018, các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới đã tăng dự trữ vàng lên 1,36 nghìn tỷ USD, tương đương 10% dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Xu thế dự trữ vàng trên thế giới đã hình thành

Xu thế dự trữ vàng trên thế giới đã hình thành

Giới chuyên gia tài chính nhận định lý do dẫn tới động thái tăng cường mua vàng của Ngân hàng Trung ương các quốc gia là nhằm đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoài đồng USD và đề phòng sự bất ổn về tình hình địa chính trị.

Vậy mà trong quý III/2018, tình hình mua vàng của các quốc gia còn mạnh mẽ hơn nữa, khi chỉ trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2018, các Ngân hàng Trung ương đã mua ròng 148 tấn vàng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu của WGC cho thấy mua nhiều vàng nhất trong quý III/2018 là Ngân hàng Trung ương Nga, với mức mua ròng 92 tấn. Đây cũng là quý mà Moscow mua ròng vàng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu này được ghi nhận vào năm 1993.

Và với lượng bổ sung mới nhất này thì đến hết tháng 9/2018, tổng khối lượng vàng dự trữ của Nga đã vượt quá 2.000 tấn - chính xác là 2001,8 tấn vàng ròng, gần mức kỷ lục của Liên Xô là 2.800 tấn vào năm 1941 - chiếm xấp xỉ 19% dự trữ ngoại hối.

Trong 6 năm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã mua vào nhiều vàng nhất thế giới. Năm 2017, Nga mua vào 224 tấn vàng, năm 2018 Nga đã vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí thứ 5 trong danh sách các nước gia dự trữ vàng nhiều nhất thế giới.

Nga tăng cường mua vàng nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối - giảm tỷ lệ USD - trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với các quốc gia phương Tây xấu đi sau sự kiện tái sát nhập bán đảo Crimea.

Hồi tháng 5/2018, Phó thống đốc thứ nhất Ngân hàng Trung ương Nga Dmitry Tulin phát biểu trước Duma Quốc gia Nga rằng "vàng là sự đảm bảo 100% khỏi những rủi ro pháp lý và chính trị".

Còn theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina thì việc Nga tăng dự trữ vàng là dựa trên nhận định, đánh giá về tình hình tài chính, kinh tế và địa chính trị của nước Nga và của thế giới tác động tới Nga.

Tổng thống Putin đã quyết định nắm giữ vàng thay vì trái phiếu Mỹ

Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới, những Ngân hàng Trung ương mua nhiều vàng trong quý III/2018 còn có Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua 18,5 tấn, Ngân hàng Trung ướng Kazakhstan mua 13,4 tấn.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng mua 13,7 tấn. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương một số nước châu Âu như Ba Lan và Hungary cũng đẩy mạnh mua vàng dự trữ, từ đó khiến cho nhu cầu mua vàng dự trữ của thế giới tăng cao.

Lịch sử khủng hoảng tiền tệ đã chứng minh việc dự trữ kim loại quý - đặc biệt là dự trữ vàng - đã tạo ra một hàng rào hiệu quả nhất trong việc chống lại những cú sốc tài chính, thậm chí còn giúp nhiều quốc gia vượt qua khủng hoảng tài chính.

Xu thế rời bỏ USD khởi phát từ chính sách của Tổng thống Putin đã thành hình?

Có thể thấy, xu thế dự trữ vàng hình thành đồng thời với việc các quốc gia giảm tỷ lệ dự trữ bằng USD và đến nay - sau 9 tháng liên tiếp các Ngân hàng Trung ương tăng mua vàng - dường như xu thế rời bỏ USD đã thành hình - ít nhất là trong dự trữ.

Trong số các đồng tiền quốc gia được phát hành và lưu thông trên thế giới, đồng đô la Mỹ được xem là đồng tiền thể hiện đẩy đủ nhất 5 chức năng của tiền tệ, trong đó nổi bật nhất là chức năng thanh toán và dự trữ.

Kể từ năm 1944, vị thế độc tôn của đồng USD và cơ tài chính xoay quanh đồng bạc xanh đã được xác lập bởi Hệ thống Bretton Woods, nhờ quy mô nền sản xuất Mỹ và lượng vàng mà nước này nắm giữ.

Ở thời điểm đó, nước Mỹ chiếm hơn một nửa tiềm năng sản xuất và nắm giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới, vì vậy giới lãnh đạo các quốc gia quyết định gắn các đồng tiền thế giới với đồng USD, sau đó được quy ra vàng ở mức 35 USD/ounce.

Dưới hệ thống Bretton Woods, đồng USD và hàng hóa của nước Mỹ đã chi phối cả hệ thống tiền tệ lẫn hoạt động thương mại thế giới và lợi ích của nước Mỹ cũng được tối đa hóa nhờ sự độc tôn này.

Vàng đã góp phần làm mất vị thế độc tôn của USD

Tuy nhiên, từ khi WTO ra đời thì tính quyết định nhờ vai trò độc tôn của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu và trao đổi thương mại của Mỹ với hoạt động thương mại thế giới đã bắt đầu có những đổi thay.

Trước thực tế đó, Washington đã có những chính sách và hành động bị cho là mang tính áp đặt nhằm giữ thế độc tôn của USD và cơ chế tài chính Mỹ, nhất là dưới thời chính quyền Donald Trump.

“Washington sử dụng đồng USD nhằm gây sức ép với các đối thủ cạnh tranh. Điều này đã gây ra tâm lý giận dữ trong cộng đồng quốc tế. Và bây giờ cuộc chiến chống lại đồng USD đã lan sang châu Âu.

Nga đã đẩy mạnh mua vàng dự trữ khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và có khả năng tách khỏi hệ thống tài chính xoay quanh đồng USD”, Chủ tịch Văn phòng Castle Family Singapore Eldiyar Muratov, nhận định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nhieu-nuoc-tang-mua-vang-xu-the-roi-bo-usd-thanh-hinh-3368439/