Nhiều 'ông lớn' ngành công thương thua lỗ bất ngờ có lãi

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sửa thuế suất đối với xăng sinh học.

Chiều 21-9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành công thương đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo.

Cuộc họp nhằm đánh giá việc thực hiện kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo thực hiện Đề án xử lý những yếu kém của 12 dự án, nhà máy giai đoạn 2017-2020, tổng hợp các thông tin mới nhất để báo cáo tới Quốc hội trong tháng tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực xử lý về cơ chế, chính sách để giải quyết khó khăn ở các dự án, doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính đã xử lý giãn mức trích khấu hao từ năm 2017-2019 đối với bốn dự án của Vinachem, góp phần giảm áp lực tài chính từ 180-310 tỉ đồng/năm.

Trong số sáu nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có hai nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy thép Việt - Trung), bốn dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn.

Xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án đang là vấn đề khó khăn với các đại dự án thua lỗ của ngành công thương.

Xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án đang là vấn đề khó khăn với các đại dự án thua lỗ của ngành công thương.

Trong số ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) vận hành trở lại ba dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20-4-2018.

Hai dự án còn lại đã chuẩn bị xong phương án khởi động lại nhà máy, hiện đang chọn thời điểm giá nguyên liệu thuận lợi (dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước).

Đối với ba dự án xây dựng dở dang, đến nay dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không muốn tiếp tục triển khai dự án; dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, hiện có ba nhóm vấn đề đang vướng mắc đối với các dự án này gồm: Xử lý dứt điểm vướng mắc để quyết toán hợp đồng EPC và quyết toán toàn bộ dự án, đây là khó khăn lớn nhất. Thứ hai, cơ cấu lại các khoản vay nợ, trích giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay và cuối cùng là xây dựng phương án thoái vốn.

"Đây cũng là những khó khăn, vướng mắc chung trong xử lý, khắc phục những hạn chế trong tiếp tục triển khai dự án và các hoạt động sản xuất kinh doanh" - ông Vượng chia sẻ.

“Khi các nhà máy này “lên được mặt đất”, có hoạt động, có sản phẩm, có lợi nhuận thì Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa hoặc bán, chứ không ôm lấy mà tái cơ cấu nữa" - Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, sản xuất kinh doanh để tạo ra những chuyến biến tích cực như hiện nay.

“Cách đây hơn một năm khi Ban chỉ đạo bắt đầu nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ, đi kiểm tra 9/12 dự án thì tình hình rất ảm đạm, vô cùng khó khăn nhưng tới nay nhiều dự án đã có những bước chuyển biến tốt, sáng sủa” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã thực hiện chuyển đổi dùng xăng E5 thay cho xăng A92 từ đầu năm 2018 đã góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học. Phó Thủ tướng cho biết sắp tới Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội sửa thuế suất đối với xăng sinh học, bảo vệ môi trường, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học, hỗ trợ cho tiến trình hợp tác đầu tư, đưa hai nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước đi vào hoạt động.

Xác định nhiệm vụ sắp tới, Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp trong quý IV-2018 chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, cùng lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tổng hợp, rà soát các vướng mắc về pháp lý để tư vấn cho Ban chỉ đạo, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền khác định hướng xử lý các vướng mắc.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính rà soát các kiến nghị vượt thẩm quyền của các tập đoàn, tổng công ty về bán tài sản khấu hao; giải quyết theo thẩm quyền cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ở một số dự án yếu kém, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đánh giá thuế xuất khẩu phân bón, thuế nhập khẩu thạch cao,…

Với các tập đoàn, tổng công ty, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp theo đề án được phê duyệt, chú ý đẩy mạnh một bước xử lý các vướng mắc của hợp đồng EPC trong quý IV; tăng cường quản trị cả về sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành, nhân lực, tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc phát sinh khi cơ cấu lại các dự án này.

“Khi các nhà máy này “lên được mặt đất”, có hoạt động, có sản phẩm, có lợi nhuận thì Nhà nước sẽ tiến hành cổ phần hóa hoặc bán, chứ không ôm lấy mà tái cơ cấu nữa" - Phó Thủ tướng kết luận.

TR.PHƯƠNG - T.CHUNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/nhieu-ong-lon-nganh-cong-thuong-thua-lo-bat-ngo-co-lai-793335.html