Nhiều phát hiện mới tại khảo cổ học Điện Kính Thiên

Hội thảo khoa học 'Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2017' được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) sáng 17/4.

GS Phan Huy Lê và các nhà khoa học xem di vật khảo cổ. Ảnh: Mạnh Thắng.

Cuộc hội thảo thật đặc biệt khi tất cả các đại biểu và khách mời, phóng viên báo chí đều ra thực địa hố khảo cổ để tận mắt thấy và nghe các nhà khoa học trình bày trước khi trở lại phòng hội thảo. Những di vật khảo cổ cũng được trưng bày trang trọng để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Qua hố khảo cổ 960m2 lần này đã đem đến nhiều phát hiện mới.

Khác các cuộc hội thảo thường thấy là các vị đại biểu đều găm sẵn trong túi một bản tham luận rồi đọc thì tại hội thảo này, không ai chuẩn bị sẵn tham luận, ngoại trừ người thuyết minh về kết quả khảo cổ - PGS. Tống Trung Tín. Hội thảo kéo dài từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 45.

Khu vực khảo cổ với diện tích 960m2 tại vị trí phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên. Công việc được bắt đầu từ tháng 10 năm 2017. Đây là một trong những công việc cần thiết theo khuyến nghị của Unesco khi di sản văn hóa Hoàng Thành Thăng Long được vinh danh.

Hố khảo cổ đã xác định được 3 dấu tích kiến trúc thời Lý, 3 dấu tích kiến trúc thời Trần, một số dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ, thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn.

PGS Tống Trung Tín người trực tiếp khảo cổ đánh giá chung: Cuộc khai quật năm 2017 này đã đóng góp thêm nhiều tư liệu mới góp phần tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử tại khu vực Đông Bắc Điện Kính Thiên và góp thêm tư liệu mới để phục vụ cho dự án nghiên cứu, khôi phục Chính Điện Kính Thiên.

Kết quả khảo cổ cho thấy, qua quá trình phát triển của lịch sử, các triều đại kế tiếp nhau vừa tạo ra giá trị văn hóa mới nhưng đồng thời lại phá hủy đi các kiến trúc văn hóa cũ. Có nơi đào sâu tới 4,5m đã làm mất về cơ bản lớp văn hóa Đại La và thế kỷ 10. Chỉ những vị trí các vách Đông, Tây hố khai quật mới còn tương đối đủ các lớp văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn.

Kiến trúc nổi bật tại hố khảo cổ lần này là dấu tích kiến trúc thời Trần (thế kỷ 13). Đó là dải nền hoa chanh có kích thước rất lớn phần còn lại dài 1,15m. Đây là dải nền hoa chanh lớn nhất (trừ kiểu hoa chanh dạng vòm cuốn thời Trần ở 18 Hoàng Diệu) trong hầu hết các dải nền hoa chanh ở các vị trí khác ở Thăng Long và các di tích khác của Đại Việt thời Trần. Vật liệu xây dựng đường hoa chanh này là ngói phẳng, dẹt được xếp đặt rất công phu, quy chỉnh. Các nhà khao học đặt giả thiết đây là một kiến trúc chiếm vị trí quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần.

Về di vật, đáng chú ý là gạch và ngói. Nhiều mảnh ngói thời Lê Sơ tráng men xanh, men vàng cùng với các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm. Về số lượng có lẽ đây là hố đào có số lượng nhiều nhất loại hình di vật này với đặc điểm là nhiều viên ngói kết nối với nhau tạo thành một con rồng cho nên có ý kiến gọi đây là loại “ngói rồng”, đầu ngói cũng được trang trí hình rồng. PGS Tống Trung Tín cho rằng: Có lẽ loại ngói này để lợp một di tích kiến trúc đặc biệt nào đó trong hoàng cung thời Lê Sơ. Có ý kiến gợi ý đây có thể là loại ngói sử dụng để lợp chính điện Kính Thiên. Về gốm sứ, tìm thấy khá nhiều mảnh gốm men thời Lê Sơ, Mạc và Lê Trung hưng. Có khá nhiều mảnh gốm sứ có trang trí hình rồng thuộc thời Lê Sơ và thời Mạc. Đây là loại tư liệu rất tốt để nghiên cứu tính chất và đời sống hoàng cung Thăng Long thời Lê.

Gây chú ý cho người khảo cổ và cả người xem là dấu tích thành giếng bằng đá được chạm trổ công phu xuất lộ ở khu vực góc Đông Nam hố khai quật. Dấu tích trong phạm vi 1,5m2, bao gồm 2 mảnh miệng giếng hình tròn và 3 mảnh thân thành giếng hình lục giác. Dấu tích gồm phần miệng giếng hình tròn có độ cao 40cm, mép miệng phẳng, dày 12cm, phía trong lòng còn lưu lại nhiều vết lõm do dây thừng kéo, phía ngoài trang trí hoa sen 2 lớp cánh. Phần thành giếng hình lục giác có 2 cấp với kích thước cao 15cm và 12cm. Phía ngoài trang trí họa tiết cánh sen nhiều lớp cánh, hoa cúc, vân mây, hoa văn xoắn... Di tích nằm trong lớp đất sét xám, nâu xám là lớp vật liệu san lấp có niên đại cuối thế kỷ 18-19.

Những đồ gốm thời Mạc được tìm thấy nhiều, nhưng các nhà khảo cổ lại không tìm thấy dấu hiệu kiến trúc nào thời Mạc. Điều này trùng với chính sử khi ghi là nhà mạc chỉ tu sửa hoàng thành chứ không xây dựng.

Các nhà khoa học tham quan tại hố khảo cổ. Ảnh: Mạnh Thắng.

Các nhà khoa học như PGS Tống Trung Tín, TS. Nguyễn Văn Sơn, TS. Bùi Minh Trí, TS. Nguyễn Văn Quân… đều chưa có sự thống nhất về các kiến trúc được xây dựng tại khu vực hố khảo cổ này. Điểm chung của các nhà khoa học là cần đề nghị UBND TP. Hà Nội, Bộ VHTTDL cho phép được tiến hành khảo cổ với quy mô rộng hơn và mở rộng ra các phía, như thế mới tránh được việc “đoán mò”. Việc khảo cổ với quy mô lớn hơn mới cho phép hình dung ra tổng thể các công trình kiến trúc kinh thành Thăng Long xưa. Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị của Unesco.

TS. Nguyễn Viết Chức và TS. Nguyễn Thế Hùng – Cục trưởng Cục di sản văn hóa đều cho rằng: Các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm về các dấu tích qua các thời kỳ lịch sử kết hợp với những di vật tìm được để tạo ra những câu chuyện truyền tải lại cho du khách tham quan.

GS. Phan Huy Lê kết luận hội thảo: Ngoài việc đồng tình kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng chính phủ để mở rộng khảo cổ các khu vực khác quanh Điện Kính Thiên, còn cần xác định hai việc quan trọng khác. Đó là khai quật để nghiên cứu chứ không phải tìm ra những thứ vụn vặt. Cần thiết liên kết các nhà khoa học từng tham gia khảo cổ ở khu vực hoàng thành trong suốt 20 năm qua để có thể sơ kết và trao đổi khoa học. Nên công bố khảo cổ ở khu vực “Vườn Hồng” (sát tòa nhà Quốc hội). Và điều quan trọng nữa là xác định việc khảo cổ là để bảo tồn, chứ không phải giải phóng mặt bằng nên cần bình tĩnh. Làm đến đâu kỹ đến đó, để về sau còn phục vụ tham quan và phục dựng Điện Kính Thiên.

Đầu rồng men xanh thời Lê Sơ. Ảnh: Mạnh Thắng.

Ngói đầu rồng men xanh thời Lê Sơ. Ảnh: Mạnh Thắng.

Đường gạch hoa chanh thời Trần. Ảnh: Mạnh Thắng.

Di vật thời Lê Sơ. Ảnh: Mạnh Thắng.

Di vật thời Mạc. Ảnh: Mạnh Thắng.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nhieu-phat-hien-moi-tai-khao-co-hoc-dien-kinh-thien-tintuc401223