Nhiều quốc gia bảo vệ nghiêm ngặt loài cá mập bị xẻ thịt ở Thanh Hóa

Tại nhiều quốc gia, những khu bảo tồn cá nhám voi được xây dựng vừa để bảo tồn loài cá quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng này, vừa kết hợp với du lịch sinh thái để phát triển kinh tế địa phương.

Cá nhám voi có thể gặp tại các khu vực biển của Việt Nam, Thái Lan, Maldives, Hồng Hải, tây Úc (dải đá ngầm Ningaloo), khu bảo tồn hải dương Gladden Spit ở Belize và tại quần đảo Galapagos. Những thợ lặn may mắn cũng có thể gặp chúng tại Seychelles, Puerto Rico và Philipines (Donsol).

Do nằm trong nhóm nguy cấp của sách đỏ quốc tế nên cá nhám voi được nhiều quốc gia bảo vệ nghiêm ngặt. Theo chuyên gia Đặng Đỗ Hùng Việt, nghiên cứu sinh về sinh vật biển tại Đài Loan (Trung Quốc), ở Thái Lan và nhiều nước, nơi nào có loài cá này sinh sống, các khu bảo tồn thường được thiết lập nhằm mục đích bảo vệ loài cá này. Nhiều nơi kết hợp với du lịch sinh thái khi tổ chức các tour tham quan loài cá như lặn cùng cá hay ngắm cá từ trên thuyền.

Cá nhám voi được biết đến là một thành viên đặc biệt trong phân lớp Elasmobranchii (cá mập, cá đuối) của lớp Cá sụn (Chondrichthyes). Nó là loài cá mập lớn nhất và cũng là một trong những loài cá hiện còn sống có kích thước lớn nhất.

Các nhám voi ăn các loại sinh vật phù du, tảo lớn, nhuyễn thể hay các loại mực và động vật có xương sống nhỏ. Các răng nhỏ li ti không giúp ích gì cho quá trình ăn uống của nó, thay vì thế nó hút nước chứa các sinh vật phù du vào qua miệng và đi qua mang lược (có chức năng giữ lại thức ăn) và sau đó bị tống ra khỏi bằng mang cung. Đây là loài cá không gây nguy hiểm cho con người. Những người thợ lặn có thể bơi xung quanh loài cá khổng lồ này mà không gặp vấn đề gì.

Loài này bị suy giảm nghiêm trọng trong thế kỷ qua. Sách đỏ Việt Nam năm 2010 ghi nhận tình trạng loài này chỉ còn dưới 250 cá thể tại Việt Nam và sẽ ngày càng giảm do tình trạng đánh bắt. Trong khi trên thế giới, chỉ có 100 cá thể được nghiên cứu.

Hình ảnh cá nhám voi tại một thủy cung

Chiều qua, hình ảnh một cá thể cá nhám voi nặng hơn một tấn bị cắt khúc ngay trên bãi biển Sầm Sơn tràn ngập mạng xã hội Facebook, gây nhiều phản ứng từ giới bảo tồn. Các các chuyên gia bảo tồn khẳng định, loài cá này có tên trong sách đỏ đồng thời nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Loài cá này cũng có trong danh mục Công ước CITES, kiểm soát nghiêm ngặt mọi hành vi khai thác, buôn bán.

Theo chuyên gia Hùng Việt, để bảo tồn loài cá quý hiếm này, Việt Nam nên tiến hành khảo sát, đánh giá, điều tra về số lượng, tập tính và khu vực sống. Trước mắt nên tập trung vào tuyền truyền để ngư dân không đánh bắt loài cá này. Nếu phát hiện ra loài cá nên báo với cơ quan chức năng như lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng. Trường hợp cá mắc lưới thì nên thả ra. Trường hợp không may cá chết nên liên hệ với cơ quan chức năng để đưa về cơ quan khoa học nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, giảng dạy.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/nhieu-quoc-gia-bao-ve-nghiem-ngat-loai-ca-map-bi-xe-thit-o-thanh-hoa-1412181.tpo