Nhiều quốc gia mong muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế mức 30% trong 3 năm qua của Việt Nam là con số rất nhiều quốc gia mong muốn. Việt Nam cũng xếp thứ 6 trong 10 điểm đến phát triển nhanh nhất thế giới.

Chia sẻ tại phiên 1 của Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 (Travel & Tourism Submit 2018) chiều ngày 5/12, bà Tuyết Vũ, Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho biết, nhiều quốc gia thèm muốn tốc độ tăng trưởng 30% của du lịch Việt Nam.

Bà Tuyết Vũ, Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho biết, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017.

Tốc độ tăng trưởng có thể vượt Thái Lan

Cụ thể, ngành du lịch Việt Nam đã đạt sự tăng trưởng ấn tượng và đạt nhiều thành tựu tự hào. Đơn cử, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm qua - con số rất nhiều quốc gia mong muốn.

Cùng với đó, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017. Đồng thời thu hút 15 tỷ USD dòng FDI đầu tư vào du lịch tại thời điểm cuối năm 2017, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người.

"Có thể nói, Việt Nam đã rất thành công, ít nhất trong thập kỷ vừa qua. Mặt khác, ngành Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển mà quốc gia này vẫn chưa khai thác hết”, bà Tuyết Vũ nói.

Có cùng quan điểm, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam cho biết, Thái Lan mất hơn 20 năm để tăng trưởng đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại. Do đó, việc Việt Nam tăng trưởng từ 12,6 triệu lượt năm 2017 lên 16 triệu lượt năm 2018 là tín hiệu khả quan.

Do đó, ông Kenneth Atkinson cho rằng, nếu có sự phối hợp tốt để đầu tư vào hạ tầng du lịch, Việt Nam có khả năng tăng nhiều hơn và có thể chỉ mất 7 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại.

"Năm 2017, lượng cầu của khách sạn tăng nhanh hơn lượng cung. Đây là tin tốt với các nhà vận hành. Trong tương lai, lượng cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng do lượng khách quốc tế tăng trưởng lớn hơn so với mục tiêu đề ra năm 2018", ông nói tiếp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Điều hành Grant Thornton Việt Nam cũng thẳng thắn nêu một số bất cập khi nói về tính bền vững trong du lịch, như vịnh Hạ Long bị ô nhiễm từ các cửa xả và tàu thuyền hay Sapa gặp một số vấn đề về xây dựng ảnh hưởng đến cảnh quan.

Xu hướng du lịch thấu hiểu khách hàng thời đại số

Ông Kenneth nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề đó là chọn đúng phân khúc, đa dạng hóa thị trường hay nguồn khách, xây dựng cụm, tổ hợp, hướng tới tương lai theo hướng chân thực hơn, số hóa hơn.

Cùng với đó, tập trung vào chất lượng chứ không chỉ tập trung vào số lượng. Đặc biệt, tận dụng cơ hội từ những nền kinh tế mới, kênh phân phối mới.

Trong khi đó, bà Tuyết Vũ nhận định, có một khoảng trống thiếu hụt cần khỏa lấp giữa tăng trưởng của ngành và nhu cầu của khách hàng. Theo đó, xu hướng số hóa trong du lịch đang thay đổi ngành này rất mạnh mẽ nhu cầu của khách du lịch. Điều này đòi hỏi các nhà kinh doanh cà cơ quan chức năng nhanh chóng thay đổi.

Cụ thể, khách du lịch hiện tại sử dụng công nghệ kỹ thuật số rất nhiều. Trước khi đi du lịch, du khách lên Google để tìm kiếm thông tin qua các nền tảng. Sau đó, sử dụng di động để đặt vé máy bay, khách sạn, kết nối với bạn bè qua mạng xã hội.

“Theo đó, cách du lịch của người dân đã thay đổi. 58% sử dụng tìm kiếm qua giọng nói để tìm hiểu về chuyến đi, 81% đọc bình luận, các bài viết quảng bá trước khi quyết định du lịch hay không...”, bà Tuyết Vũ phân tích.

Trong 10 quốc gia du lịch đến Việt Nam, nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn khách du lịch sử dụng di động để trải nghiệm hành trình. Chính vì vậy, điều này đòi hỏi ngành du lịch cần biết dịch chuyển các hoạt động quảng cáo, bán hàng, tiếp thị lên nền tảng số.

“Việc thay đổi giao diện các nền tảng, ảnh, video, quản trị bình luận về các điểm đến cũng như tận dụng người nổi tiếng để quảng bá du lịch cũng cần những chiến lược mới, cách làm và tư duy mới. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng Internet, quản trị hình ảnh du lịch trên mạng cũng như thiết kế các sản phẩm du lịch trực tuyến để nâng cao sự hiện diện trên các nền tảng số. là vô cùng quan trọng”, bà Tuyết khẳng định.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nhieu-quoc-gia-them-muon-toc-do-tang-truong-30-phan-tram-cua-du-lich-viet-nam-141286.html