Nhiều quốc gia tiêm mũi thứ 3, thế giới có nguy cơ trở lại thời dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm

Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia áp đặt lệnh cấm tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho đến khi 10% người dân ở mỗi quốc gia được tiêm chủng.

Bất bình đẳng cung cấp vaccine ngừa COVID-19 có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm

Lời đề nghị của ông Ghebreyesus được đưa ra trong bối cảnh gia tăng lo ngại về tiến độ chậm chạp trong việc cung cấp vaccine COVID-19 cho người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp, tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể nguy hiểm mới.

Khoảng trống hiểm nguy

Hiện có đến 58% người dân trên thế giới chưa được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Tại các quốc gia như Tanzania, Chad và Haiti, ít hơn 1% người dân được chủng ngừa. Trong khi đó, ở các quốc gia giàu có, hầu hết công dân đều được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, như 79% dân ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, 76% ở Tây Ban Nha, 65% ở Anh và 53% ở Mỹ. Theo dữ liệu Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) từng công bố, cứ hai người dân tại các nước thu nhập cao thì có một người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp là 1/47 người.

Mới đây, liên minh COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hậu thuẫn, được thành lập để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp hơn, buộc phải cắt giảm các lô vaccine dự kiến chuyển đến châu Phi trong năm nay vì tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Châu Phi hiện dự kiến chỉ có thể tiêm chủng cho 17% dân số vào cuối năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% mà WHO đặt ra vào đầu năm nay.

"Hơn 5,7 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng 73% tổng số liều được chỉ định ở 10 quốc gia. Các nước thu nhập cao đã tiêm liều lượng cho mỗi người dân nhiều hơn 61 lần so với các nước thu nhập thấp. Sự bất bình đẳng về vaccine càng kéo dài, virus sẽ tiếp tục lưu hành và phát triển, và sự gián đoạn kinh tế và xã hội sẽ tiếp tục kéo dài " – ông Ghebreyesus cảnh báo.

Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO tại khu vực châu Phi bình luận: "Sự bất bình đẳng đáng kinh ngạc và sự chậm trễ nghiêm trọng trong các lô hàng vaccine phân phối đi các quốc gia có thu nhập thấp có thể khiến cả thế giới quay trở lại thời kỳ COVID-19 nguy hiểm".

Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden chính thức xác nhận cho phép tiêm mũi 3 cho tất cả người Mỹ 8 tháng sau khi họ hoàn thành mũi tiêm thứ hai.

Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này của chính quyền ông Biden còn tùy thuộc vào quyết định của hai cơ quan y tế công cộng Mỹ là Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Hiện FDA đang kiến nghị không nên tiêm mũi tăng cường cho hầu hết những người Mỹ.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin, ngày 20/9, tuyên bố sẽ triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 cho các nhóm người có nguy cơ mắc COVID-19 cao kể từ đầu tháng 10, sau khi 80% dân số nước này hoàn thành tiêm chủng. Italy sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba từ ngày 20/9 tới, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất, ví dụ như những bệnh nhân ung thư và người được ghép tạng.

Chính phủ Anh cho phép những người dân thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và trên 50 tuổi cần được tiêm mũi tăng cường.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Serbia - đây là một trong những quốc gia cho phép tiêm mũi tăng cường.

Sử dụng hiệu quả quỹ vaccine

Theo một nghiên cứu sơ bộ, các mũi tiêm tăng cường, ngay cả khi chúng tăng cường khả năng miễn dịch, thì khả năng bảo vệ ít hơn nhiều: có lẽ ít hơn 10%.

Còn tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet cho rằng ngay cả khi mũi tiêm tăng cường được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng ở mức độ trung hạn, thì nguồn cung cấp vaccine hiện tại có thể cứu nhiều mạng sống hơn nếu được sử dụng cho những người chưa được tiêm chủng so với nếu được sử dụng là mũi tiêm thứ 3 cho những người đã được tiêm chủng.

Hơn nữa, khi vaccine khan hiếm được sử dụng để tiêm mũi tiêm tăng cường, thay vì là mũi tiêm đầu tiên cho những người chưa được chủng ngừa, điều này cho phép virus tái tạo và đột biến, có khả năng tạo ra các biến thể đáng lo ngại làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine.

Theo giới khoa học, việc tiêm mũi bổ sung sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn khi sử dụng các "vaccine cải tiến" phù hợp với chủng hiện hành.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nhieu-quoc-gia-tiem-mui-thu-3-the-gioi-co-nguy-co-tro-lai-thoi-dich-benh-covid-19-nguy-hiem-169210920140314658.htm