Nhiều quốc gia tiếp tục hỗ trợ cải thiện quản lý sông Mekong

Mỹ, New Zealand và chính quyền vùng Flanders (Bỉ) trong năm 2020 đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cải thiện quản lý nước sông Mekong trong thời gian tới.

Mực nước tại các quốc gia hạ nguồn sông Mekong vào thời điểm này của năm nay đã xuống thấp sớm hơn thường lệ. Ảnh: NYT

Theo Ủy hội sông Mekong (MRC), vừa qua chính phủ New Zealand và chính quyền vùng Flanders (vương quốc Bỉ) đã ký kết các thỏa thuận tài trợ trị giá gần 5 triệu USD để hỗ trợ MRC thực hiện bản Kế hoạch Chiến lược mới, giai đoạn 2021- 2025.

MRC là một tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác khu vực ở hạ lưu sông Mekong, được thành lập năm 1995 dựa trên Thỏa thuận Mekong giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tổ chức này đóng vai trò như một nền tảng khu vực về ngoại giao nước cũng như một trung tâm kiến thức về quản lý tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững của khu vực.

Ông An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC cho biết: “Việc gia hạn nguồn hỗ trợ mới từ New Zealand và Flanders diễn ra vào thời điểm rất quan trọng khi các chính phủ ở hạ nguồn sông Mekong đang đứng trước các thách thức cùng phải giải quyết, cũng như những tác động về quản lý nước và phát triển ở lưu vực sông Mekong”.

Theo đó trong vòng 5 năm từ năm 2021 đến năm 2025, nguồn tài trợ này sẽ sử dụng vào mục đích tăng cường hợp tác quản lý nước trong lưu vực nhằm thúc đẩy sự tin cậy, ổn định và tăng trưởng bền vững giữa bốn quốc gia hạ lưu sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

“Nguồn tài trợ của chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy năng lực của MRC trong việc cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường để đáp ứng các mục tiêu quản lý nước trong khu vực, cũng như cải thiện sinh kế và sự thịnh vượng của những người dân sống phụ thuộc vào dòng sông này”, Đại sứ New Zealand Macpherson nói.

Trong giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo chính quyền vùng Flanders, Jan Jambon cũng cam kết hỗ trợ khoản ngân sách trị giá 1,1 triệu EUR (tương đương 1,31 triệu USD) cho MRC tăng cường năng lực quản lý, bao gồm tăng cường hàng hải, bảo vệ môi trường và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở bốn quốc gia hạ lưu sông Mekong.

Nguồn vốn từ Flanders được xây dựng dựa trên tư cách thành viên của Bỉ trong nhóm Đối tác Phát triển MRC trước đây. Từ năm 2005 đến năm 2016, Bỉ là nước ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động của MRC về phát triển hàng hải và an toàn hàng hải ở hạ lưu sông Mekong.

Theo MRC, New Zealand và Flanders nằm trong số hàng chục Đối tác Phát triển khác cam kết hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược mới 2021- 2025, giúp bốn quốc gia hạ lưu sông Mekong ứng phó với những thách thức gay gắt, đồng thời duy trì chức năng sinh thái của lưu vực sông Mekong cũng như tăng cường khả năng chống chịu thiên tai.

Sơ đồ các dự án đập thủy điện dày đặc trên dòng Mekong. Đồ họa: MRC

Mỹ ra mắt Dự án giám sát đập sông Mekong

Mới đây nhất, vào ngày 14/12/2020, Trung tâm nghiên cứu Stimson và công ty tư vấn Eyes On Earth (Mỹ) đã tuyên bố khởi động dự án giám sát mực nước sông Mekong ở Trung Quốc.

Theo đó dự án mang tên Mekong Dam Monitor (Dự án giám sát đập sông Mekong) do Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp Mỹ tài trợ đã ra mắt, sử dụng hệ thống vệ tinh có khả năng chụp ảnh xuyên qua mây để theo dõi mực nước của 28 con đập trên dòng chính lẫn phụ lưu sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc và các quốc gia khác.

Dữ liệu cùng phân tích hàng tuần về mực nước, độ ẩm bề mặt, nhiệt độ, lượng tuyết phủ, lượng mưa… sẽ được công khai kể từ ngày 15/12/2020. Từ đó cho thấy các dòng chảy tự nhiên đã bị các con đập ảnh hưởng ra sao.

Hồi đầu năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã nhất trí chia sẻ dữ liệu mực nước với MRC - cơ quan liên chính phủ với các thành viên là các ủy ban sông Mekong của Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên Trung Quốc và Myanmar không tham gia MRC mà chỉ với tư cách là 2 đối tác của tổ chức này.

Sông Mekong dài 4.350 km bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng và chảy qua sáu quốc gia là Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, là nguồn mưu sinh của gần 200 triệu người chủ yếu làm nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản tại các quốc gia Đông Nam Á.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhieu-quoc-gia-tiep-tuc-ho-tro-cai-thien-quan-ly-song-mekong-d280800.html