Nhiều quy định cần có tính khả thi

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 24/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật viễn thông (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về một số nội dung còn khác nhau của dự án Luật đường bộ. Liên quan đến các quy định về hình thức kinh doanh vận tải đưa đón học sinh được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Theo đại biểu, thời gian qua việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh nhiều vấn đề. Dự thảo Luật Đường bộ điều quy định lái xe phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách, nhưng dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định về người quản lý trong trường hợp xe chở học sinh tiểu học và mầm non; với xe trên 24 chỗ phải có hai người quản lý trở lên. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần xem xét lại quy định này để tránh sự mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng- Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng: "Bây giờ một cái xe, hai người được điều chỉnh bằng hai luật, vậy khi thực tế áp dụng thì sẽ phiền phức, khó khăn với cả người tổ chức kinh doanh vận tải, kể cả cho nhà trường và cơ quan xử lý. Theo tôi, những tình huống như thế nên xem xét dồn một luật, nên thâm niên người lái xe vận tải học sinh về luật Trật tự ATGT đường bộ.".

Đại biểu đề nghị, trong dự thảo luật đường bộ cần quy định, hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách.

Còn đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng: "Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải xe ô tô đưa đón xe học sinh phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý, chất lượng xe đưa đón. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, nên dành quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh".

Trong phiên làm việc chiều nay, với 470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành chiếm tỷ lệ 95,14 % tổng số Đại biểu, Quốc hội thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu cho rằng, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu như dự thảo Luật được thông qua thì sẽ có đến hàng chục triệu xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình là khó bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết: "Nhiều quốc gia phát triển, người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh sự trong sạch, mà thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh chủ xe vi phạm giao thông thì mới được xử phạt. Chưa có đất nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình. Việc yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình có thể vi phạm quyền riêng tư, bí mật đời tư của công dân, đồng thời liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng của thiết bị phải cấp phép, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.".

Đại biểu phân tích, do điều kiện sinh học cơ thể, hoặc việc chuyển hóa thức ăn có thể trong điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, khi được kiểm tra có nồng độ cồn vượt hơn mức số 0. Đại biểu đề nghị, không nên quy định cấm tuyệt đối mà nên cho phép nồng độ cồn trong máu và hơi thở ở ngưỡng an toàn theo quy định, quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền.

Tại buổi làm việc, ý kiến đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung phạm vi điều chỉnh áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, nghiên cứu các quy định nhằm giải quyết các nguyên tắc về ùn tắc giao thông ở Việt Nam, cần quy định chặt chẽ trong luật, không thể coi giải pháp văn hóa giao thông để giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhieu-quy-dinh-can-co-tinh-kha-thi-205167.htm