Nhiều quyết định quan trọng có hiệu lực từ tháng 3

Trong tháng 3 này, nhiều quyết định quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và doanh nghiệp như tăng viện phí, tính tiền lãi trốn đóng Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội... sẽ chính thức có hiệu lực. Viện phí tăng bình quân khoảng 30% Từ ngày 1/3, giá của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 30% so với hiện hành. Theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế-Tài chính, lộ trình tăng viện phí sẽ được chia làm 2 đợt. Trong đó, từ 1/3 thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật); từ 1/7 mức giá gồm cả tiền lương. Thời điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định.

Cụ thể, dựa vào Thông tư trên, từ 1/3, tiền giường bệnh sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong đó, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở bệnh viện hạng đặc biệt tăng từ 335 nghìn đồng lên 354 nghìn đồng, còn tháng 7 tăng lên 677 nghìn đồng/người, bệnh viện hạng 1 là 354 nghìn đồng và 632 nghìn đồng; bệnh viện hạng 2 là 350 nghìn đồng và 568 nghìn đồng… Tiền giường bệnh nội khoa bệnh viện hạng 1 tăng từ 80 nghìn đồng lên 99 nghìn đồng và 215 nghìn đồng vào tháng 7…

Ngoài ra, nhiều dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật khác đều tăng giá. Cụ thể, nội soi dịch vụ có sinh thiết, giá cũ 410 nghìn đồng lên 525 nghìn đồng (từ 1/3), tháng 7 là 621 nghìn đồng. Nội soi ổ bụng từ 575 nghìn đồng tăng lên 684 nghìn đồng, tháng 7 là 793 nghìn đồng...

Riêng tiền khám bệnh từ 1/3/2016 vẫn không thay đổi so với khung giá “kịch trần” quy định trong Thông tư 04 của Bộ Y tế mà hiện các bệnh viện đang áp dụng.

Trợ cấp khó khăn đột xuất cho thân nhân chiến sĩ công an

Ngày 11/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2016/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.

Theo đó, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần. Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần. Mỗi đối tượng trên chỉ được trợ cấp không quá 2 lần trong 1 năm.

Ngoài ra, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3/2016.

Tính tiền lãi trốn đóng BHYT, BHXH

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 20/2016/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thông tư quy định, trường hợp trốn đóng; đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia; chiếm dụng tiền đóng hưởng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 1/1/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm sẽ tiến hành truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi chậm đóng.

Trong đó, toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 1/1/2016 được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016. Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 1/1/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm.

Số tiền lãi chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải thu trong tháng gồm số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2016.

Quy định mới về kinh doanh dược liệu

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT0BYT quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu.

Theo đó, từ ngày 6/3, cơ sở Việt Nam nhập khẩu dược liệu phải đủ điều kiện như đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu; Đạt các nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc” đối với dược liệu theo quy định tại Thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra; Giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp theo quy định…

Cơ sở phải thực hiện các nguyên tắc bảo đảm vệ sinh nhà xưởng và vệ sinh cá nhân trong suốt quá trình chế biến dược liệu bao gồm việc vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh máy, thiết bị và dụng cụ, nguyên liệu bao gói, bao bì. Thực hiện các yêu cầu về vệ sinh và điều kiện vệ sinh theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 16/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nguyên tắc sản xuất thuốc từ dược liệu và lộ trình áp dụng nguyên tắc, “Tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP) đối với cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu.

Yến Nhi

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/bds-tai-chinh/201603/nhieu-quyet-dinh-quan-trong-co-hieu-luc-tu-thang-3-524085/