Nhiều rủi ro khi vay P2P?

Mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P, một dạng kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực cho vay) bắt đầu phổ biến ở Việt Nam với sự ra đời của hàng loạt công ty cho vay trực tuyến. Nhiều ý kiến e ngại rằng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hành lang pháp lý còn bỏ ngỏ.

Ảnh minh họa.

Nở rộ loại hình P2P

Xuất hiện lần đầu ở Anh, P2P là hệ thống kết nối đầu tư ngang hàng trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư có vốn với các cá nhân cần vốn nhưng không tiếp cận được với ngân hàng. Hiểu một cách đơn giản, đây là một hình thức cho vay theo kiểu Uber, Grab là kết nối người có xe ô tô rảnh rỗi với người có nhu cầu di chuyển.

Mô hình P2P cũng bao gồm hình thức cho vay đảm bảo (thể chấp) và không đảm bảo (tín chấp) giống với hình thức các ngân hàng đang áp dụng hiện nay. Chỉ khác là việc thẩm định sẽ được tiến hành trực tuyến và nhà đầu tư có quyền lựa chọn đối tác cần vay trên nền tảng P2P, cũng như theo dõi nguồn lợi nhuận từ người được cho vay.

Một ưu điểm khác của cho vay P2P là mô hình này có tính bảo mật thông tin cao dựa trên công nghệ BigData thực hiện vai trò mã hóa, lưu và kiểm soát tất cả thông tin khách hàng. Qua đó, việc thẩm định thông tin khách hàng sẽ nhanh và rẻ hơn hình thức truyền thống.

Sự ưu việt của mô hình này thể hiện ở việc đơn giản hóa các quy trình, đồng thời tăng năng suất lao động dẫn tới giá thành rẻ, tiện lợi hơn nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh cao hơn và gay gắt hơn. Hình thức này cũng đặt ra yêu cầu cải cách để tồn tại, phát triển nếu không muốn rơi vào vòng “thanh lọc tự nhiên” đối với các doanh nghiệp tôn thờ phương thức vận hành truyền thống mà xem nhẹ vấn đề số hóa.

Điều này dễ nhận thấy trong cuộc chiến giành thị phần giữa các doanh nghiệp taxi truyền thống với Uber, Grap. Chỉ một thời gian ngắn có mặt tại Việt Nam, Uber, Grap đã khiến giới taxi truyền thống điêu đứng trước việc mất thị phần khi giá cung ứng dịch vụ vận chuyển của Uber, Grap rẻ và tiện lợi hơn. Trong khi tranh cãi trên thị trường vận chuyển về việc cấm hay không cấm dịch vụ đi chung của Uber hay Grap chưa có dấu hiệu chấm dứt, thì thị trường tài chính Việt Nam lại xuất hiện của nhiều ứng dụng P2P như: tima.vn, doctordong.vn, huydong.com, canvaytien.info, vaymuon.vn… hoạt động rầm rộ với lãi suất khoảng 10-25%/năm.

Trên các trang web này, có đầy đủ những dịch vụ của các ngân hàng như vay cầm cố tài sản, vay tín chấp theo lương, vay theo hộ khẩu, vay theo hóa đơn điện nước, vay trả góp theo ngày, vay theo đăng ký xe máy, đăng ký ô tô, vay theo iCloud của Iphone…

Theo tìm hiểu, tùy theo hình thức mà số tiền được duyệt vay tại vaymuon.vn khác nhau. Vay linh hoạt từ 1 – 10 triệu, thời gian vay từ 1-12 tháng lãi suất từ 1,5%/tháng (18%/năm).

Còn tại web của huydong.com, ví du như vay 30.000.000 đồng trong 6 tháng, số tiền trả góp hàng tháng là 5,2 triệu đồng. Tổng số tiền phải trả trong 6 tháng là 31,3 triệu đồng.

Trong khi đó, Tima.vn lại trực tiếp môi giới người vay với nhà đầu tư. Hai bên tự kết nối và tự thỏa thuận về lãi suất và các thủ tục liên quan. Trong vai người muốn đầu tư vốn vào Tima, nhân viên ở đây cho biết sẽ gửi hồ sơ khách hàng đến nhà đầu tư, mỗi hồ sơ nhà đầu tư nhận được sẽ trả cho Tima 20.000 đồng/bộ hồ sơ.

Vẫn nằm “ngoài vòng” pháp luật

Tại Việt Nam hiện nay, mô hình cho vay P2P vẫn chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Cũng như Grab hay Airbnb, mô hình cho vay P2P là một sáng tạo của nền kinh tế số. Đây là một kênh tiếp cận vốn mới, giúp thêm nhiều người có cơ hội vay vốn.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh khuyến cáo nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ đây không phải là kênh “gửi tiền”, mà là kênh đầu tư. Đã đầu tư là phải chịu rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là mất tiền. Chưa kể, bên cạnh những công ty P2P hoạt động đúng mô hình kinh tế chia sẻ, sẽ có những “biến tướng” lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo.

Ngoài ra việc chưa được cấp phép thì tính pháp lý của hợp đồng giao dịch điện tử cũng đang bị bỏ ngỏ. Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận lại hợp đồng dân sự trên góc độ ký kết giao dịch trên mạng điện tử, các chứng từ điện tử đó được lưu giữ trên các cơ sở giữ liệu đấy. Nhưng câu chuyện về chính sách của chúng ta vẫn đang còn một khoảng trống rất lớn, cần phải bù đắp.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu vì là hình thức cho vay mới nên luật pháp chưa có quy định điều chỉnh cho vay ngang hàng. Ông Hiếu cho biết, chúng ta mới có Luật Các tổ chức tín dụng quy định hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng cho các thành phần kinh tế khác, còn P2P thì thuộc về dân sự. Tuy nhiên, trong Luật Dân sự chỉ có những quy định về hợp đồng dân sự, còn việc cho vay giữa các cá nhân hoặc các doanh nghiệp với nhau thì chưa có quy định. Do đó, hình thức này sẽ có nhiều rủi ro cho cả người cho vay và đi vay. Người cho vay sẽ gặp phải rủi ro cao về nợ xấu. Còn người đi vay thì gặp rủi ro về lãi suất hoặc hợp đồng cho vay không hợp lệ…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh một số công ty hoạt động trá hình tín dụng đen cần có biện pháp ngăn chặn, thì không thể phủ nhận thực tế là P2P là xu thế tất yếu và rất khó cấm. “Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp để chặn các công ty P2P hoạt động tín dụng đen trá hình, song quan điểm của tôi là không nên cấm, mà cũng không thể cấm được mô hình này. Đây là một xu thế tất yếu, là một sáng tạo của thời đại ngân hàng số. Chúng ta cần phải chấp nhận và có biện pháp quản lý để hạn chế rủi ro cho các bên tham gia”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến cáo.

HỒNG LOAN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/nhieu-rui-ro-khi-vay-p2p-3460644.html