Nhiều sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Bình Định

Thanh tra Chính phủ kết luận, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đã để xảy ra hàng loạt tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Internet

Nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Bình Định. Ảnh: Internet

Như Báo Thanh tra thông tin, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Định trong việc thực hiện pháp luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng; thanh tra việc quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, tổng số vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách của các công trình, dự án đã được phê duyệt (kể cả ngân sách Trung ương) còn phải bố trí vốn là 42.950 tỷ đồng trong khi ngân sách Trung ương chưa có kế hoạch cân đối cho tỉnh Bình Định là vượt khả năng cân đối vốn của tỉnh.

Quá trình thanh tra trách nhiệm UBND tỉnh Bình Định, Thanh tra Chính phủ xác định, công tác quản lý và phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng đối với một số dự án chưa đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc thực hiện một số kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán chưa được các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện đầy đủ. Việc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để có hình thức xử lý kỷ luật chưa được quan tâm đúng mức.

Việc quản lý hoạt động xây dựng còn nhiều thiếu sót như để một số chủ đầu tư tổ chức thi công các hạng mục, công trình khi chưa được bàn giao đất, chưa có quy hoạch chi tiết 1/500… thiếu kiên quyết trong xử lý những vi phạm.

Thậm chí, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa theo dõi được cụ thể số vốn đầu tư, giá trị khối lượng và kết quả thực hiện của các dự án nhất là các dự án vốn đầu tư trong nước. Một số dự án chậm triển khai nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chậm đề xuất xử lý thu hồi chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư…

Tại dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hồ Phú Hòa, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức BT, kết quả chỉ duy nhất nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc tham gia.

Đến thời điểm thanh tra, dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa đã được triển khai nhưng UBND tỉnh chưa làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Khu đô thị Du lịch văn hóa thể thao hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn để có quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, nhà đầu tư chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT và Khu đô thị hồ Phú Hòa và kinh phí rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Nhà đầu tư chưa làm thủ tục chuyển mục đích rừng phòng hộ (7,6ha) thuộc hành lang an toàn lưới điện. Nhà đầu tư cũng chậm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân, dẫn đến không có đất giao cho các hộ dân nên các hộ dân không đăng ký nhận tiền, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ban quản lý dự án chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện hợp đồng 2 dự án BT, đồng thời thiếu quyết liệt trong việc xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư, để nhà đầu tư tổ chức khởi công, thi công công trình khi chưa có thiết kế, bản vẽ thi công, biện pháp thi công và giấy phép xây dựng được cấp.

Đối với dự án xây dựng cấp bách kè chống sạt lở và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh (tổng mức đầu tư 3.006 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 90%, địa phương 10%) được UBND tỉnh Bình Định ra quyết định phê duyệt dự án chưa đầy đủ căn cứ, cơ sở (không điều tra, khảo sát kỹ; không nghiên cứu quy hoạch, chưa được ngân sách Trung ương bố trí vốn,…) nên không triển khai được như đã phê duyệt.

Mặc dù đã dùng ngân sách địa phương tạm ứng theo hợp đồng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc số tiền 201 tỷ đồng, đến nay vẫn còn dư ứng trên 137 tỷ đồng, đã quá thời hạn phải hoàn khối lượng thanh toán 6 tháng nhưng chưa được thu hồi…

Thanh tra Chính phủ xác định, để xảy ra các khuyết điểm, tồn tại nêu trên thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra và các cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định rà soát, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh lại quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050 (về chiều cao công trình) phù hợp với thực tế và tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chấn chỉnh công tác quản lý và phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và phê duyệt chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện ký quỹ đầu tư, xác định giá chuyển quyền sử dụng đất chưa phù hợp quy định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị, UBND tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, có biện pháp xử lý, thu hồi chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đối với những công trình, dự án vi phạm.

Hoàng Long

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/nhieu-sai-pham-trong-quan-ly-dau-tu-xay-dung-tai-binh-dinh_t114c1002n152699