Nhiều sản phẩm quảng cáo trên mạng xã hội chưa chắc đúng sự thật

Sáng 9.11, Hội nghị 'Phổ biến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm' do Cục An toàn thực phẩm tổ chức đã đề cập nhiều vấn đề xoay quanh các vi phạm về quy định quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo hàng hóa qua các trang mạng xã hội.

Trước câu hỏi về việc nhiều hình thức quảng cáo hoạt động bát nháo trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là việc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo, PGS - TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - cho rằng: “Những nhân vật của công chúng có sự thu hút rất lớn của cộng đồng, các sản phẩm quảng cáo của họ cũng có thể thật, cũng có thể chưa chắc đã thật, hiệu quả không đến mức như quảng cáo. Có những sản phẩm chức năng quảng cáo như thuốc chữa bệnh, thậm chí như thần dược.

Có thể là do vô tình, có thể là do chưa hiểu quy định của pháp luật mà nhiều người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật. Cần hiểu rằng, không vì mục đích nào đó mà nói quá công dụng của sản phẩm”.

Ông Phong cho biết thêm: “Đối với các sản phẩm quảng cáo sai sự thật, Cục sẽ tiến hành thu hồi sản phẩm, tạm dừng lưu thông và xử phạt hành chính. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khi mời các doanh nghiệp có sản phẩm sai phạm đến thì họ không thừa nhận trang web đó của doanh nghiệp, mà chỉ thừa nhận là do cá nhân đứng tên.

Những trường hợp đó, Cục An toàn thực phẩm phải phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị xử lý, đồng thời đưa thông tin công khai lên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm để người dân nắm rõ”.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Cùng với đó, trong 9 tháng đầu năm, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 71 cơ sở với 105 hành vi vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn, chất lượng và điều kiện sản xuất với tổng số tiền phạt hơn 4 tỉ đồng.

Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, thu hồi 24 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và 7 chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử 23 trường hợp...

Tại hội nghị, ông Phong cũng đề cập đến việc giá trị thực, chất lượng thực phẩm của bữa ăn công nhân thấp, không đủ dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người lao động. “70% các ca ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn là do không nấu tại chỗ. Các cơ sở không tổ chức bếp ăn tại chỗ mà chế biến tại một nơi khác, rồi vận chuyển đến nơi cung cấp cho công nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm thêm trong quá trình vận chuyển và quá trình bảo quản” – ông Phong cho biết.

Anh Nhàn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/y-te/nhieu-san-pham-quang-cao-tren-mang-xa-hoi-chua-chac-dung-su-that-640567.ldo