Nhiều show diễn cố ý không trả tiền bản quyền đang trở nên phổ biến

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tiết mục "Sinh ra ở Trường Sa" do ca sỹ Trang Nhung trình bày. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tiết mục "Sinh ra ở Trường Sa" do ca sỹ Trang Nhung trình bày. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 30/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiến hành hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022.

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm, cho biết trong năm 2022, số thành viên ký hợp đồng ủy quyền cho đơn vị thực hiện công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã tăng 341 người, đưa tổng số thành viên ủy quyền tại trung tâm lên 5.312 tác giả.

Đơn vị tập trung hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho thành viên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Trong số 30 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng mà trung tâm tiến hành, hiện 14 vụ đã giải quyết, một số vụ đang được tích cực thu thập, hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, với phạm vi điều chỉnh ở 154 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả âm nhạc Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết tình trạng nhiều show diễn cố ý không trả tiền bản quyền đang trở nên phổ biến và dai dẳng. Đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, càphê, khách sạn), trung tâm đã linh động hỗ trợ, chia sẻ với những đơn vị sử dụng nhạc còn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch, đồng thời cố gắng đảm bảo lợi ích của tác giả.

Do đó, nguồn thu từ lĩnh vực này đến nay vẫn giảm sút nhiều so với giai đoạn trước đây. Một phần do tình hình kinh doanh của các đơn vị sử dụng còn khó khăn. Phần nhiều có nguyên do từ việc nhiều đơn vị sử dụng đã cố ý né tránh nghĩa vụ trả tiền bản quyền theo chiêu thức đẩy trách nhiệm pháp lý cho công ty kinh doanh/phân phối bản ghi, thiếu ý thức tôn trọng bản quyền, cố tình vận dụng sai quy định pháp luật.

Trước thực trạng trên, Trung tâm đã đưa một số trường hợp xâm phạm bản quyền ở lĩnh vực này ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết.

Trung tâm tăng cường rà soát các kênh, link video trên các website, ứng dụng, mạng xã hội để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ khi sử dụng quyền tác giả.

Trung tâm hợp tác với các nền tảng trực tuyến, trang mạng, ứng dụng nhạc trong hoạt động khai thác quyền tác giả, tăng cường và tập trung nhân sự cho hoạt động rà soát, xác nhận quyền, đối soát tác phẩm, dữ liệu từ các nền tảng trực tuyến để kịp thời thu và truy thu về cho tác giả thành viên, bù đắp cho những lĩnh vực khác bị giảm sút do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Năm 2022, trung tâm đã thu gần 256 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 71% so với năm 2021.

Cụ thể, nguồn thu trên website, ứng dụng nhạc, đạt trên 188 tỷ đồng; thu từ lĩnh vực sử dụng nhạc nền tại các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, quán càphê, karaoke… đạt gần 17 tỷ đồng; thu từ lĩnh vực sao chép bản ghi âm-ghi hình, phim ảnh, quảng cáo, sản xuất chương trình… đạt 29,4 tỷ đồng.

Năm 2022, nguồn thu từ lĩnh vực biểu diễn đã bắt đầu khôi phục kể từ sau dịch COVID-19, đạt hơn 5,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trung tâm thực hiện phân phối 4 kỳ cho các chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc, với tổng số tiền trên 250 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước, là số tiền phân phối cao nhất từ trước đến nay, góp phần giải quyết đáng kể khó khăn cho các tác giả thành viên trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tặng quà tri ân các nhạc sỹ, cố nhạc sỹ thành viên và tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam./.

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhieu-show-dien-co-y-khong-tra-tien-ban-quyen-dang-tro-nen-pho-bien/838794.vnp