Nhiều tác phẩm ảnh đẹp trong nỗ lực đi tìm đỉnh cao

Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2018 diễn ra tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 30-10 đến 8-11 được coi là cuộc tổng kết, đánh giá thành tựu trong vòng hai năm trở lại đây của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Tác phẩm trong bộ ảnh Hạ Long nhìn từ trên cao của Huỳnh Văn Truyền đoạt Huy chương vàng cuộc thi.

Tác phẩm trong bộ ảnh Hạ Long nhìn từ trên cao của Huỳnh Văn Truyền đoạt Huy chương vàng cuộc thi.

Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2018 diễn ra tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) từ ngày 30-10 đến 8-11 được coi là cuộc tổng kết, đánh giá thành tựu trong vòng hai năm trở lại đây của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Với 250 tác phẩm được trao giải và trưng bày, lựa chọn từ hơn 10 nghìn ảnh và bộ ảnh dự thi, triển lãm đã đem đến cho người xem một cái nhìn khái quát về ảnh nghệ thuật Việt Nam hôm nay.

Các “tay máy” trẻ được vinh danh

Điều đáng mừng là hai Huy chương vàng của cuộc thi đều thuộc về các tay máy trẻ Trần Nhân Quyền (Hà Nội) và Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng); Văn Truyền còn đoạt thêm Huy chương đồng cuộc thi. Một tay máy trẻ khác là Lê Hữu Dũng (TP Hồ Chí Minh) cũng đoạt Huy chương bạc và Huy chương đồng. Trong số những người có ảnh được chọn triển lãm có rất nhiều gương mặt trẻ.

Việc hai tác giả cùng đoạt hai giải cao nhất trong một cuộc thi cho thấy tính sòng phẳng của một cuộc thi chuyên nghiệp khi không có sự phân biệt, cân đối giải theo kiểu vùng, miền như trước. Sự vinh danh những gương mặt mới và việc nhiều tay máy có tên tuổi không có ảnh được chọn tham gia triển lãm là minh chứng cho sự khắc nghiệt của nghệ thuật, đòi hỏi người nghệ sĩ phải luôn luôn làm mới mình để không bị tụt hậu. Sức sáng tạo, biểu hiện của nhiếp ảnh ngày nay được xếp vào nhóm nghệ thuật thị giác là không giới hạn, vấn đề nằm ở tài năng và giới hạn của cá nhân từng nghệ sĩ.

Các tay máy trẻ thường được tiếp cận với tri thức và công nghệ hiện đại, đam mê sáng tạo, cố gắng đi tìm những góc nhìn mới mẻ để thể hiện tiếng nói riêng về cuộc sống. Và những cuộc triển lãm lớn như thế này chính là bệ đỡ để họ tự tin trên bước đường nghệ thuật.

Ảnh bộ thắng thế

Nhìn vào các tác phẩm đoạt giải có thể thấy ảnh bộ đang trở thành xu hướng của nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay. Nhu cầu kể một câu chuyện, đào xới, mổ xẻ một vấn đề bằng ngôn ngữ hình ảnh qua nhiều bức ảnh liên hoàn giống như một bài văn cần kết cấu theo mở bài, thân bài và kết luận, ngày càng cao. Và đó cũng là xu thế của nhiếp ảnh đương đại thế giới. Cách kể, các thủ pháp nghệ thuật, đã tạo nên nhiều bộ ảnh hấp dẫn, ấn tượng. Có những bộ ảnh thể hiện tốt và công phu không thua kém về tay nghề so với các tay máy quốc tế có đẳng cấp.

Ảnh bộ về thiên nhiên, môi trường với các loài chim, thú quý hay ảnh bộ về tĩnh vật, dù chưa nhiều, nhưng cho thấy sự đa dạng, tìm tòi đi theo các hướng khác nhau của các tay máy. Việc sử dụng thiết bị Flycam đã tốt hơn, khi một số tác giả đã làm chủ kỹ thuật Flycam bay ở góc độ thấp và hướng bố cục để tạo cho cảnh vật có ánh sáng, bóng đổ sinh động hơn nhiều.

Tuy định danh là cuộc thi ảnh nghệ thuật nhưng thực tế số ảnh báo chí tham gia thi khá nhiều và việc những tác phẩm ảnh báo chí đoạt giải cao cũng là hợp lý khi tính thông tin và giá trị thẩm mỹ kết hợp hài hòa. Các bộ ảnh lễ hội, ảnh phong cảnh, ảnh đời thường áp đảo; ảnh chân dung nhân vật vẫn thiếu và yếu như các cuộc thi trước... Một số lĩnh vực khác như ảnh tĩnh vật, ảnh kiến trúc, ảnh trừu tượng và ảnh ý tưởng còn quá ít.

Đi tìm tác phẩm đỉnh cao

Nhiếp ảnh cũng như nhiều ngành nghệ thuật khác luôn đòi hỏi có những tác phẩm đỉnh cao, mang đậm bản sắc dân tộc, tinh thần Việt, giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc, có sức lan tỏa xã hội mạnh mẽ… Thế nhưng, việc có được tác phẩm đỉnh cao không phải một sớm một chiều bên cạnh tài năng trời phú còn cần cả một quá trình sáng tạo kiên trì và bền bỉ.

Đã có một thời kỳ dài các nhà quản lý lo lắng nhiếp ảnh Việt Nam mất dần tính hiện thực, khi nhiều tác giả quá lạm dụng kỹ thuật photoshop, làm biến dạng hiện thực. Thế nên, các cuộc thi ảnh toàn quốc đều tôn vinh dòng ảnh hiện thực, cấm xử lý chắp, ghép photoshop quá đà. Các tác phẩm nghệ thuật không thể chỉ là sự mô tả hiện thực hời hợt mà phải đi vào cốt lõi tinh túy nhất của hiện thực và tái tạo bằng ngôn ngữ nghệ thuật.

Nhìn vào các bức ảnh đoạt giải lần này, thật sự còn thiếu vắng những tác phẩm ẩn chứa những ý tưởng sâu sắc, mang ý nghĩa xã hội, có tác động tích cực đến đời sống; những khai phá mới về ngôn ngữ nhiếp ảnh đương đại, để lại dư âm mạnh mẽ cho người xem. Ảnh đoạt giải ở triển lãm này mới chỉ là những tác phẩm đẹp nhất, tốt nhất trong một cuộc thi. Dấu ấn sáng tạo, “vân tay” cá nhân nghệ sĩ chưa rõ, dù nỗ lực của các tay máy là không thể phủ nhận. Ngay việc sử dụng thiết bị Flycam quá nhiều cũng chỉ ra sự hạn chế trong cách thức bố cục, tạo hình của người chụp.

Một điều đáng lưu ý là việc chỉ phân ra hai chủ đề “Tự do” và “Quảng Ninh - Hạ Long góc nhìn mới” với những bức ảnh không được chắp ghép, làm sai lạc hiện thực cũng phần nào hạn chế sức sáng tạo của thí sinh.

Triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc tiếp theo vào năm 2020 nên chăng mở rộng thêm nhiều chủ đề để thu hút thí sinh tham gia hơn. Trong đó, sân chơi dành cho ảnh thể nghiệm - sáng tạo (creative) hay còn gọi là ảnh ý tưởng cần được chú ý, vì nó đòi hỏi tính lãng mạn, sự bay bổng, trí tưởng tượng - yếu tố thiết yếu cần có của mỗi nghệ sĩ.

VIỆT VĂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/38187702-nhieu-tac-pham-anh-dep-trong-no-luc-di-tim-dinh-cao.html