Nhiều thành phố châu Âu hưởng ứng Ngày không xe hơi

Trong ngày 22/9, tại thủ đô Brussels và một số thành phố khác tại Bỉ, toàn bộ ôtô cá nhân bị cấm hoạt động từ 9h tới 19h.

 Người dân hưởng ứng Ngày không xe hơi tại Oeiras, gần Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 22/9/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Người dân hưởng ứng Ngày không xe hơi tại Oeiras, gần Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 22/9/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hưởng ứng Ngày Không xe hơi, người dân của thủ đô Brussels của Bỉ và Vacsava của Ba Lan cùng nhiều thành phố khác ở hai nước này đã được tận hưởng một ngày không có xe cộ lưu thông.

Trong ngày 22/9, tại thủ đô Brussels và một số thành phố khác tại Bỉ, toàn bộ ôtô cá nhân bị cấm hoạt động từ 9h tới 19h. Chỉ có taxi, các phương tiện công cộng, các dịch vụ khẩn cấp và những người có giấy phép đặc biệt được phép vượt qua các rào chắn của cảnh sát.

Trong khi đó, tại thủ đô Vacsava và nhiều thành phố lớn ở Ba Lan, để khuyến khích người dân không sử dụng xe hơi cá nhân, chính quyền đã cung cấp các dịch vụ vận tải công cộng hoàn toàn miễn phí cho người dân. Người dân có thể đi xe buýt, xe điện và thậm chí sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt đi ra ngoài thành phố mà không phải mua vé.

[24 bang ở Mỹ khởi kiện chính quyền Trump về vấn đề khí thải ôtô]

Ngoài việc cung cấp các phương tiện giao thông công cộng miễn phí, chính quyền nhiều thành phố của Ba Lan cũng lập các điểm đậu xe miễn phí ở khu vực vành đai để người dân có thể gửi xe tại đây.

Năm nay, Ngày Không xe hơi tại Bỉ và Ba Lan được tổ chức trùng với thời điểm kết thúc Tuần lễ Di chuyển châu Âu, diễn ra từ ngày 16-22/9.

Từ năm 2002 đến nay, mục tiêu của ban tổ chức Tuần lễ Di chuyển châu Âu là nâng cao nhận thức của người dân tại châu lục về vấn đề chất lượng không khí liên quan tới hoạt động đi lại của con người, khuyến khích người dân lựa chọn các hình thức di chuyển lành mạnh, thân thiện với môi trường, đặc biệt là ở vùng đô thị lớn.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ba Lan có tới 33 trong tổng số 50 thành phố ô nhiễm nhất ở Liên minh châu Âu (EU).

Ước tính mỗi năm có khoảng 45.000-50.000 người tử vong tại Ba Lan vì các căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Còn tại Bỉ, số người chết sớm vì nguyên nhân này mỗi năm là 632 trường hợp./.

Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhieu-thanh-pho-chau-au-huong-ung-ngay-khong-xe-hoi/596730.vnp