Nhiều thành phố châu Âu quyết không dùng điều hòa để giải nhiệt

Trong khi điều hòa ở nhiều nơi đang chạy hết công suất, một số địa điểm tại châu Âu, Mỹ vẫn kiên định với những cách làm mát tự nhiên để chống chọi với cái nóng.

Nắng nóng vẫn đang ngày càng khắc nghiệt trên toàn thế giới. Ở châu Âu, Pháp đang bước vào đợt nóng thứ ba trong mùa hè với nhiệt độ dự kiến cao hơn 37 độ C. Hơn 80% dân số Mỹ sẽ phải trải qua mức nhiệt trên 32 độ C trong tuần tới, theo CNN.

Khí hậu nóng lên, các giải pháp hạ nhiệt tạm thời được sử dụng nhiều hơn, chúng lại quay lại tác động xấu đến khí hậu và làm cho nhiệt độ ngày càng tăng. Điều này dần trở thành một vòng luẩn quẩn.

Để thoát khỏi thực trạng này, nhiều thành phố đã triển khai các giải pháp làm mát vừa hiệu quả vừa thân thiện với môi trường.

Nhiều nơi trên thế giới đang tìm cách để đối phó với nắng nóng một cách bền vững. Ảnh: CNN.

Medellín (Colombia): Hành lang xanh

Đối với những thành phố không có biển, cách tốt nhất để làm giảm nhiệt độ ngoài trời là cây xanh. Medellín, thành phố lớn thứ hai Colombia, với Dự án Hành lang xanh, đã tạo ra một thành phố rợp bóng cây.

Hệ thống cây xanh trồng trên đường phố theo mô hình mạng lưới, kết nối các công viên và các điểm đến phổ biến trong thành phố. 18 tuyến đường bộ và 12 tuyến đường bên bờ sông đã trở thành những làn đường xanh tươi dành cho xe đạp và người đi bộ.

Trồng thêm thật nhiều cây là giải pháp giảm nhiệt hiệu quả được sử dụng rộng rãi tại Medellín. Ảnh: Japan Times.

Nhiệt độ trong khu vực này cùng với vùng lân cận đã giảm tới khoảng 3 độ C và được kỳ vọng giảm 5 độ C trước năm 2030.

“Trồng cây ngay trong đô thị là giải pháp hàng đầu để giải nhiệt. Medellín đã làm nhiệt độ trung bình vào mùa hè của thành phố giảm xuống và đây là điều đáng ghi nhận”, bà Kathy Baughman McLeod, giám đốc Trung tâm phục hồi của Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller (Arsht-Rock) tại Hội đồng Đại Tây Dương, phát biểu.

Đến năm 2019, thành phố đã trồng hơn 8.000 cây xanh và hơn 350.000 cây bụi. Dự án cũng được triển khai tại khu vực bên dưới một tuyến tàu điện ngầm để gom nước mưa chảy xuống từ cây cầu và lưu giữ lại trong một hệ thống ống dùng để tưới nước cho các hành lang xanh.

Vienna (Áo): Bổ sung nước trên đường phố

Giống với hầu hết châu Âu, nhiều người ở Vienna không sử dụng điều hòa, bởi vậy, nước là một trong những giải pháp hạ nhiệt chủ yếu được thủ đô Áo sử dụng.

Ngoài việc dành thời gian đi bơi hoặc ngâm mình trên sông Danube, người dân có thể tắm mình dưới những “tán cây phun nước” tại các công viên làm mát trong thành phố hoặc chỉ cần ngồi gần đó để tận hưởng hơi mát.

Hình ảnh trẻ em vui đùa trong các bể bơi hay chạy nhảy quanh những khu vực có vòi phun nước thường được nhìn thấy trong khắp thành phố, kể cả ở quảng trường lớn như Karlsplatz. Ảnh: Japan Times.

Vienna cũng lắp đặt số lượng lớn vòi phun nước có thể uống được để tiếp nước cho người dân cũng như ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nhiệt. Số lượng vòi nước đang hoạt động là hơn 1.100 vòi cho 1,9 triệu dân.

“Điều hòa không khí là một giải pháp hạ nhiệt nhanh chóng nhưng không bền vững bởi nguồn năng lượng và lượng nhiệt tỏa ra từ thiết bị. Vì vậy, việc giảm nhiệt trong không khí bằng nước và mở cửa sổ là biện pháp hữu hiệu. Các giải pháp tự nhiên là chìa khóa để giải quyết tình trạng nắng nóng”, theo chuyên gia McLeod.

Abu Dhabi (UAE): Hiện đại hóa các kỹ thuật làm mát

Vùng Trung Đông là một trong những nơi có nhiệt độ cao nhất trên Trái Đất. Nhiệt độ tại Abu Dhabi có thể lên tới hơn 50 độ C. Do đó, điều hòa được coi là nhu cầu thiết yếu và người dân có xu hướng dành nhiều thời gian ở nhà.

Nhưng để giải quyết hiện trạng rằng không thể mãi sử dụng điều hòa, nhiều nơi đã quyết định cải tiến kỹ thuật làm mát trong kiến trúc Ả Rập cổ đại.

Kỹ thuật sử dụng “Mashrabiya”, những tấm bình phong thường thấy trong kiến trúc Hồi giáo, giúp khuếch tán một phần ánh nắng mặt trời để giảm bớt sức nóng mà không che hết ánh sáng. Chúng được sử dụng để tạo ra những làn gió nhẹ và nơi tránh nóng ngay trong nhà. Về cơ bản, đây là ý tưởng giúp ngăn ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào các tòa nhà.

Abu Dhabi đã ứng dụng một cách thông minh các kỹ thuật xây dựng cổ xưa để làm giảm tác động nhiệt của ánh sáng mặt trời. Ảnh: Behance.

Tòa tháp Al Bahar đã được xây dựng dựa trên ý tưởng này, với 25 tầng được bao bọc trong hơn 1.000 hình lục giác với cảm biến tích hợp giúp phản ứng với chuyển động của mặt trời. Khi mặt trời chiếu vào các hình lục giác này, chúng sẽ mở ra như chiếc ô để tránh nóng.

Nhờ có biện pháp này, tòa tháp tránh được cái nóng bề mặt có thể lên tới 90 độ C. Đồng thời, nó cũng giúp giảm 50% nhu cầu sử dụng điều hòa của cả tòa.

Miami (Mỹ): Xác định nơi cần hạ nhiệt

Trong khi Medellín tăng lượng cây xanh để làm mát cho toàn thành phố, hạt Dade của Miami lại tập trung tìm ra chính xác những nơi cần làm mát nhất.

Ở nhiều thành phố, việc bắt xe buýt kéo dài giữa tiết trời oi nóng có thể giống như một hình phạt nếu trạm xe buýt không có bóng râm.

Neat Streets Miami, một ủy ban do hội đồng quận triệu tập, nhận ra rằng các trạm dừng xe buýt là khu vực có nhiều nguy cơ trong các đợt nắng nóng. Vì vậy, họ đã quyết định trồng cây xung quanh 10 trạm dừng.

Việc trồng cây xanh ở các điểm chờ xe buýt đang được mở rộng ứng dụng tại nhiều nơi ở Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Ủy ban này cũng viết một bản hướng dẫn về hiệu quả của các loại cây và nơi trồng thích hợp, phục vụ cho việc nhân rộng dự án ở các khu vực khác.

Hiện, có 71 điểm dừng xe buýt được phủ xanh trên khắp nước Mỹ. Phần lớn trong số đó được triển khai bởi cộng đồng.

Để làm tăng tính giải trí cho dự án, những người thực hiện còn tổ chức một cuộc thi làm thơ haiku, chọn ra 10 tác phẩm hay nhất để khắc lên vỉa hè cạnh những điểm chờ xe cũ.

Athens (Hy Lạp): Sử dụng tài nguyên sẵn có

Athens, thủ đô của Hy Lạp, sở hữu hệ thống cầu cống được lưu giữ từ thời cổ đại. Hệ thống dẫn nước Hadrian từng được sử dụng như mạch nguồn chính dẫn nước sinh hoạt vào trong thành phố để phục vụ nhu cầu của người dân.

Hiện nay, không còn được sử dụng trong sinh hoạt nhưng thành phố đang tìm cách để tận dụng 800.000 mét khối nước đổ ra biển mỗi năm từ hệ thống này. Một trong những mục đích hướng tới là để tưới tắm cho dải cây xanh dài 20 km, đồng thời giảm bớt nhiệt độ cho các khu vực quanh đó. Nước từ hệ thống cũng sẽ được sử dụng để cung cấp cho các vòi phun như ở Vienna.

Athens đang lên kế hoạch "tái sinh" công trình cổ đại để phục vụ cho việc chống chọi với cái nóng. Ảnh: Atlas Obscura.

Kế hoạch này của Athens như một lời nhắc nhở rằng ngay cả những công trình cũ kỹ cũng có thể được hồi sinh và trở nên có ích.

Los Angeles (Mỹ): Phủ trắng thành phố

Một vài thành phố đã thử nghiệm sơn trắng mái nhà để phản chiếu ánh sáng mặt trời và giúp cho nhiệt độ trong nhà không tăng cao.

Việc ứng dụng sơn trắng mái nhà đã đạt được những hiệu quả trông thấy. Kết quả thu được có sự khác biệt tùy thuộc vào mức độ nóng và vật liệu làm mái nhà.

Ở Ahmedabad (Ấn Độ), nơi nắng nóng ngày càng trở nên nghiêm trọng, cho thấy việc sơn trắng mái nhà đã giúp giảm một phần nhiệt độ. Theo Tập đoàn Heat Island của Berkeley Lab, một mái nhà màu đen có thể nóng hơn tới khoảng 30 độ C so với một mái nhà màu trắng.

Nhiều thành phố khác trên thế giới cũng đã tạo ra những "khu vườn trên bầu trời" để hạ nhiệt cho các tòa nhà. Nhưng Los Angeles đã quyết định tiến xa hơn khi sơn trắng toàn bộ mặt đường.

Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp hạ nhiệt gây tranh cãi tại Mỹ.

Những vật tối màu như nhựa đường thường hấp thụ ánh nắng và tỏa ra nhiệt. Về mặt lý thuyết, sơn đường màu trắng sẽ ngăn chặn quá trình đó và giúp cho không khí mát mẻ hơn.

Việc phủ trắng mặt đường tại Los Angeles đang gây nên nhiều tranh cãi. Ảnh: Arch Daily.

Nhà nghiên cứu Ariane Middel và V. Kelly Turner phát hiện ra rằng kỹ thuật này đã làm giảm khoảng 10 độ C ngoài đường phố. Nhưng bên cạnh lợi ích đó, các nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng lượng nhiệt mà mặt đường phản chiếu lại bị hấp thụ vào người đi đường.

Điều này có nghĩa là, người dân sẽ nóng hơn khi đi trên những con đường trắng và chỉ có thể thấy mát nếu không ở gần đó.

Dù vậy, Los Angeles vẫn tiếp tục để đánh giá ưu và nhược điểm của chương trình. Thành phố này đang sử dụng một chất có màu xám trắng có tên là CoolSeal, từng được dùng để ngụy trang máy bay khỏi vệ tinh với hy vọng thay đổi loại sơn có thể mang lại kết quả khác.

Paris (Pháp): Kết hợp nhiều biện pháp một cách có tổ chức

Nhiệt độ ở thành phố Paris, thủ đô Pháp, đã vượt ngưỡng 40 độ C trong mùa hè năm nay. Cái nóng còn trở nên khó chịu hơn bởi tác động của các tòa nhà cao tầng, tượng đài đá vôi và những con đường nhựa đông đúc.

Ở trung tâm thành phố, nhiệt độ mùa hè thường nóng hơn so với các khu vực lân cận. Do đó, thị trưởng Paris, Anne Hidalgo đã đưa ra một số biện pháp chống nóng đầy sáng tạo và kế hoạch của thành phố được đánh giá là thực sự toàn diện.

Kết quả dễ nhận thấy đó là “những hòn đảo mát mẻ” có ở khắp nơi trong thành phố. Người dân Paris có thể dùng ứng dụng có tên Extrema, chỉ dẫn tới hơn 800 địa điểm giải nhiệt như công viên, đài phun nước và bảo tàng có máy lạnh, trên những lối đi mát mẻ. Mọi người chỉ tốn nhiều nhất 7 phút để đi tới các điểm có nhiệt độ không quá cao.

Paris phổ biến một lượng lớn địa điểm công cộng mát mẻ để phục vụ cho người dân. Ảnh: Bloomberg.

Cũng giống như Vienna, Paris sử dụng các vòi phun nước trong những ngày nắng nóng. Thành phố đã bổ sung thêm hàng chục vòi nước mới bên cạnh những đài phun nước truyền thống, là những hồ bơi nông với hiệu ứng phun trào.

Kế hoạch chống nóng của Paris còn bao gồm việc ghi nhận những thành phần dễ bị tổn thương bởi nắng nóng. Các nhà chức trách có thể kiểm tra các trường hợp này qua điện thoại và đưa ra lời khuyên để giúp họ giảm nhiệt.

Bên cạnh đó, các lớp học mẫu giáo được lắp đặt điều hòa tạm thời. Thời gian mở cửa của công viên và hồ bơi công cộng được kéo dài tới tối. Và Paris cũng học tập Los Angeles trong việc giảm bớt nhiệt độ mặt đường bằng cách thay đổi và dùng các vật liệu thoáng khí.

Seville (Tây Ban Nha): Đặt tên cho các đợt nắng nóng

Các thiên tai như gió bão, lốc xoáy thường được đặt tên bởi sức tàn phá của nó cần được ghi nhớ lại và cảnh giác khi cái tên đó xuất hiện. Tại thành phố Seville, miền Nam Tây Ban Nha, những đợt nắng nóng cũng khắc nghiệt tới mức được gọi bằng tên riêng.

Đây là nơi đầu tiên trên thế giới làm điều này, khi bắt đầu gọi tên đợt nóng tháng 7 là Zoe.

Seville quyết định đặt tên cho những đợt nắng nóng để cảnh báo người dân về mức độ nguy hiểm. Ảnh: PBS.

Chuyên gia của Arsht-Rock, McLeod cho biết: “Đặt tên cho các đợt nắng nóng là một tín hiệu tích cực, nó cho thấy chúng ta nhận thức được mức độ chết người mà nó có thể mang lại và chúng sẽ vẫn còn tiếp diễn. Đây là điều mà chúng ta sẽ phải chung sống lâu dài, bất kể lượng khí thải có được kiểm soát hay không”.

Thế nhưng không chỉ dừng lại ở việc đặt tên, Seville đang hợp tác với Arsht-Rock để phát triển hệ thống phân loại các đợt nắng nóng dựa trên dự kiến ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ý tưởng này sẽ giúp tránh được những biệt ngữ khoa học khó hiểu mà thay bằng liên kết các mức độ cảnh báo với những hậu quả nắng nóng có thể gây ra.

Một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Brown về 20 hệ thống cảnh báo nhiệt ở Mỹ cho thấy chỉ có hệ thống cảnh báo nhiệt của Philadelphia là có hiệu quả trong việc cứu mạng người, một phần vì nó sử dụng các thước đo dựa trên tác động tới sức khỏe.

“Bên cạnh việc giảm nhiệt bằng các biện pháp vật lý, việc đặt tên và phân loại mức nhiệt cũng là cách hiệu quả và có thể ứng dụng nhanh chóng. Điều cốt yếu ở đây đó là chúng ta có thể chết bởi nhiệt độ cao nhưng mọi người lại chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng”, McLeod nói.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-thanh-pho-chau-au-quyet-khong-dung-dieu-hoa-de-giai-nhiet-post1342699.html