Nhiều thanh tra giao thông bị 'quên' đóng BHTN

Thời gian các thanh tra giao thông này bị Sở GTVT tỉnh An Giang 'quên' đóng bảo hiểm thất nghiệp là năm năm.

Báo Pháp Luật TP.HCM nhận được lời kêu cứu của bảy người công tác lâu năm tại Thanh tra Sở GTVT tỉnh An Giang. Theo đó, họ bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng lao động và không được đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong thời gian dài.

Mất việc mới biết không được đóng BHTN

Theo trình bày, bảy người này cùng sáu người khác thuộc dạng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn tại bộ phận. Tuy nhiên, ngày 6-2, lãnh đạo Thanh tra Sở đã mời 13 người lên thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động. Thông báo có nội dung: “Đối với 13 hợp đồng làm công tác chuyên môn tại bộ phận, Thanh tra Sở thống nhất giải quyết chế độ nghỉ việc và chấp thuận hỗ trợ kinh phí tiếp tục trả lương trong thời hạn ba tháng để tìm việc (kể từ ngày 1-1-2018 đến 31-3-2018)…”. Trong số 13 hợp đồng bị cắt thì có bảy người có thời gian công tác trong ngành hàng chục năm (cao nhất 24 năm).

Là một trong những người bị cắt hợp đồng, ông HKK (Đội Thanh tra giao thông số 5, huyện Thoại Sơn) cho biết năm 2002 ông ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại bộ phận thanh tra. Có 18 trường hợp làm ở bộ phận văn phòng Sở GTVT tỉnh thâm niên ít hơn ông lại được giữ lại với lý do “tăng bộ máy… làm nhiệm vụ duy tu và tuần tra đường”. Tương tự, ông VMCH cho biết mình cũng có 15 năm làm công tác chuyên môn tại Sở, được quy hoạch nhân sự lên đội phó Đội Thanh tra giao thông số 1 (TP Long Xuyên) nhưng cũng bị mất việc bất ngờ.

Ngoài ra, những người này còn cho biết từ năm 2009 đến năm 2014 họ không được đóng BHTN theo quy định nên rất thiệt thòi khi nghỉ việc.

Trụ sở Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang. Ảnh: H.DƯƠNG

Sai sót ở bộ phận hồ sơ

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Thơm, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, cho biết 13 trường hợp bị cắt hợp đồng đã công tác tại Sở trong thời gian dài, đa số đã tham gia nhiều lớp thi tuyển vào biên chế nhưng lại không đậu. Khi thi trượt, đáng lý bị cắt hợp đồng nhưng Sở đã xin phép UBND tỉnh giữ lại để hỗ trợ công an làm công việc ở các trạm cân lưu động. Tuy nhiên, hiện nay phía công an không cần hỗ trợ nữa, kinh phí không có nên đành phải chấm dứt hợp đồng. Việc Sở GTVT đề xuất giữ lại 18 người là do nếu cắt hợp đồng cùng lúc nhiều người thì không đáp ứng được lượng công việc, việc giữ lại những trường hợp này cũng chỉ là tạm thời.

Riêng về vấn đề không được đóng BHTN cho các nhân sự trên là do sai sót ở bộ phận làm hồ sơ. Trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo Phòng Thanh tra phải chi trả đầy đủ cho các trường hợp này.

Theo quy định tại Luật Việc làm 2013, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN. Người lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng ba tháng trợ cấp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng. Thời gian đóng BHTN nếu chưa nhận trợ cấp còn được cộng dồn, tích lũy cho lần sau. Như vậy, thời gian các nhân viên trên không được đóng BHTN vừa gây thiệt thòi về mặt thời gian tham gia BHTN, vừa gây thiệt hại về số tiền trợ cấp đúng ra được hưởng.

NGUYỄN HIỀN

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/nhieu-thanh-tra-giao-thong-bi-quen-dong-bhtn-765040.html