Nhiều thành tựu sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới

Chiều 17-10, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Trang

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2006 và có hiệu thực thi hành từ ngày 1-7-2007. Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới trong 8 lĩnh vực quy định tại Luật Bình đẳng giới đã có những tiến bộ rõ nét.

Đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của châu Á. Tính đến 2017, 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8%, cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỷ lệ học sinh nam và nữ tham gia giáo dục phổ thông có sự ổn định trong 10 năm. Tỷ lệ học sinh nữ ở cấp tiểu học và trung học cơ sở là 47-48%; tại cấp trung học phổ thông tăng khoảng 3% trong 10 năm và tỷ lệ học sinh nam giảm tương ứng ở cấp học này. Giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ sinh viên nữ tăng 8,71% so với nam.

Trong lĩnh vực y tế, về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2009-2010, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đạt hơn 1%/năm. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2013, mỗi năm đã giảm còn khoảng 0,6%; đến năm 2016, tốc độ gia tăng đạt 0,2%. Các kết quả về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2007-2016 đều có sự chuyển biến rõ rệt, như: Tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế chăm sóc khi sinh đạt 98,2% (tăng 3,9%), tỷ lệ bà mẹ được khám sau sinh tại nhà đạt 94,1% (tăng 6,6%).

Các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật đất đai 2013, Luật hôn nhân và gia đình 2014, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật trẻ em năm 2016...

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới. Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 10 năm qua, Luật Bình đẳng giới cùng với các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành xây dựng tương đối đồng bộ các cơ sở pháp lý, từng bước đưa vấn đề giới vào cuộc sống. Đồng thời, từng bước tăng cường thực thi trách nhiệm lồng ghép giới vào tất cả các văn bản pháp luật, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào chính trị, trao quyền cho phụ nữ. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới cần thúc đẩy nhận thức trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là quyền tham gia vào chính trị.

Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhieu-thanh-tuu-sau-10-nam-thi-hanh-luat-binh-dang-gioi/