Nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ biển

(Chinhphu.vn) – Hội nghị Khoa học và Công nghệ biển toàn quốc lần thứ V đã đánh giá toàn diện các kết quả nghiên cứu khoa học về biển giai đoạn 1995-2010 và đưa ra định hướng nghiên cứu trong thời gian tới.

Đại biểu thăm phòng trưng bày các kết quả nghiên cứu về biển trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo Trưởng Ban chỉ đạo Hội nghị GS. TSKH Dương Ngọc Hải, so với thời gian trước, giai đoạn 1995 – 2010 đã có nhiều chuyển biến, đổi mới về tư duy, phạm vi nghiên cứu và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể là, trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn và động lực học biển, chúng ta đã xây dựng được quy trình công nghệ dự báo hạn ngắn đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế, quốc phòng trên biển, ứng dụng và hoàn thiện quy trình công nghệ dự báo ngư trường phục vụ khai thác hải sản xa bờ, dự báo các quá trình thủy thạch động lực ở vùng biển ven bờ Việt Nam, đánh giá biến động của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu…

Trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý biển cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các công trình nghiên cứu về các bồn trầm tích Đệ Tam đã khái quát hóa một cách khoa học, logic về lịch sử địa chất để từ đó phục vụ đắc lực cho tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí các khu vực Trường Sa và Tư Chính – Vũng Mây” năm 2008 – 2010 lần đầu tiên đã xác định được những đặc điểm cơ bản về cấu trúc, kiến tạo, địa chất dầu khí bồn trầm tích của các khu vực này.

Các hoạt động điều tra về đa dạng sinh học biển cũng được chú trọng, mở rộng nghiên cứu sinh vật biển ra vùng xa bờ, vùng nước sâu. Ngoài việc đánh giá tiềm năng nguồn lợi truyền thống, còn có các hoạt động nghiên cứu, phát hiện, triển khai công nghệ khai thác tiềm năng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, dược liệu, nguyên liệu công nghiệp từ sinh vật biển.

Riêng lĩnh vực nghiên cứu năng lượng, kỹ thuật công trình và công nghệ biển có ý nghĩ rất quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Nhiều công trình nghiên cứu các trạm phát điện tổng hợp gồm điện mặt trời và điện gió đã được nghiên cứu và áp dụng tại cù lao Chàm, tính toán khai thác năng lượng gió cho một số vùng biển, hải đảo Quan Lạn, Cô Tô.

Cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ biển trên thế giới, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu về lĩnh vực này như công nghệ dự báo biển, công nghệ khai thác tài nguyên biển cùng với công nghệ tách chiết các hợp chất thiên nhiên trên biển phục vụ kinh tế và xã hội.

Diễn ra trong 2 ngày (20 - 21/10), Hội nghị Khoa học và Công nghệ biển toàn quốc lần thứ V do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì tổ chức.

Tại Hội nghị, hơn 300 nhà quản lý, nhà khoa học đã chia thành 5 tiểu ban để cùng thảo luận và đưa ra các định hướng nghiên cứu về khoa học, công nghệ biển trong giai đoạn 2015-2020.

Thu Cúc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nhieu-thanh-tuu-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-va-cong-nghe-bien/201110/100965.vgp