Nhiều thuận lợi cho người nộp thuế

Ngày 13-6-2019, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý thuế (LQLT) năm 2019 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó mở rộng quyền của người nộp thuế (NNT) đã khẳng định bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính thuế với mục tiêu 'bảo đảm quyền lợi của NNT'.

Với khẩu hiệu “Tận tâm lắng nghe - Tận tình hướng dẫn - Tận tụy giải quyết”, Cục Thuế TP Hà Nội đã là đơn vị đi đầu trong việc đưa LQLT năm 2019 đi vào cuộc sống. Để hiểu rõ hơn những vấn đề trên, Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (P.V): Trên cương vị của mình, đồng chí đánh giá như thế nào về những quyết định quan trọng của LQLT năm 2019, đặc biệt về quyền lợi của NNT?

Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn: LQLT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Luật đã sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NNT; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý thuế.

Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn.

Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn.

Về quyền lợi của NNT, LQLT 2019 đã bổ sung thêm nhiều quyền mới của NNT, như: NNT không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do NNT thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của NNT; được quyền nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tram kiểm tra, kiểm toán; được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế... Các nội dung bổ sung này nhằm tạo điều kiện cho NNT trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, bảo đảm các quyền trong giao dịch điện tử đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan thuế khi thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, LQLT số 38 còn có một chương riêng về nội dung khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Đây là nội dung mới so với Luật hiện hành. Theo đó, đối với các đối tượng NNT đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; NNT bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế. Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; bổ sung quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ...

Một trong những nội dung quan trọng tại LQLT số 38 là bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT): Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ TMĐT trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Với nhiều nội dung quan trọng, nổi bật được sửa đổi, bổ sung tại LQLT số 38/2019/QH14 nêu trên, cá nhân tôi tin tưởng rằng khi Luật có hiệu lực thi hành sẽ giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay về quản lý thuế và hướng tới thực hiện quản lý thuế hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp.

PV: Nợ thuế vẫn đang là thách thức không nhỏ với ngành Thuế khi số nợ không có khả năng thu hồi vẫn tích tụ qua nhiều tháng nhưng cơ quan quản lý thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, gây lãng phí nguồn lực. Với Cục Thuế TP Hà Nội, hiện trạng trên như thế nào thưa đồng chí?

Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn: Trong những năm gần đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế (từ vấn đề quản lý đối tượng đến việc áp dụng cưỡng chế, công khai thông tin nợ thuế...). Do đó, số nợ luôn có xu hướng năm sau giảm hơn so với năm trước. Tuy nhiên, tổng nợ giảm là do giảm nhóm nợ trên dưới 90 ngày (từ năm 2015-2018, số nợ trên dưới 90 ngày đã giảm 9.411 tỷ tương đương 43,4%), trong khi đó nhóm nợ khó thu liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nợ (chỉ trong vòng 4 năm từ 2015 đến 2018, số nợ khó thu tại Cục Thuế TP Hà Nội tăng lên 4.537 tỷ, chiếm hơn 1/3 tổng số nợ tại Cục Thuế TP Hà Nội). Số nợ khó thu tăng ngoài nguyên nhân tăng nợ gốc còn có nguyên nhân phát sinh tiền chậm nộp tương ứng (LQLT hiện hành quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp) khiến số nợ tiền chậm nộp ngày càng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nợ.

Cục thuế TP Hà Nội gặp mặt doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế. Ảnh: Huyền Giang.

PV: Thưa đồng chí, hành vi trốn thuế thông qua chuyển giá ngày càng phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục Thuế TP Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể như thế nào?

Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn: Nhằm ngăn chặn và hạn chế các hành vi chuyển giá, tránh thuế, Bộ Tài chính đã ban hành khung pháp lý về chống chuyển giá từ rất sớm hướng dẫn về xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên liên kết, phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD). Việc mua bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa hóa, dịch vụ không theo giá thị trường sẽ bị cơ quan thuế ấn định thuế.

Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho NNT, bảo đảm tính chắc chắn trong xác định nghĩa vụ thuế và giảm thiểu tranh chấp về xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201/2013/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội đã rất quyết liệt triển khai cụ thể hóa chính sách pháp luật trong công tác quản lý thuế như các văn bản mới được thông tin đầy đủ bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện để phổ biến đến với Doanh nghiệp; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Thuế TP Hà Nội; tổ chức các hội nghị tập huấn chính sách mới cho các doanh nghiệp, thông qua các diễn đàn doanh nghiệp, các hội nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp. Hình thức viết bài tuyên truyền cũng được đa dạng, các kênh tuyên truyềngồm có báo viết, báo nói, báo hình. Công tác hỗ trợ NNT bằng nhiều hình thức khác nhau như: Trả lời bằng văn bản cho NNT, qua điện thoại, giải đáp thắc mắc trực tiếp tại Bộ phận một cửa, qua Hội nghị đối thoại với NNT.

Cục Thuế TP Hà Nội đã tăng cường rà soát, đôn đốc để các doanh nghiệp hiểu và thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết theo quy định. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kê khai xác định giá đối với các giao dịch liên kết đáp ứng các quy định hiện hành: kê khai thông tin giao dịch liên kết, thực hiện điều chỉnh lại mức giá hoặc mức lợi nhuận theo giá thị trường, kê khai phương pháp xác định giá.

Tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ làm công tác quản lý thuế tại các chức năng thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, hỗ trợ NNT, kê khai và kế toán thuế… Từ đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống chuyển giá. Phương thức đào tạo đa dạng với nội dung bám sát thực tiễn thông qua việc kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực hành với các bài tập tình huống cụ thể.

Song song với việc tuyên truyền, hỗ trợ NNT nhằm khuyến khích tuân thủ tự nguyện thì công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá là vô cùng quan trọng và cần thiết. Đây là giải pháp để kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, đảm bảo tính công bằng trong tuân thủ chính sách thuế và nâng cao tính răn đe và thực thi pháp luật đối với các doanh nghiệp không tuân thủ hoặc tuân thủ chưa tốtcác quy định của Pháp luật.

PV: Cục Thuế TP Hà Nội đã có những bước đi cụ thể như thế nào đối với hoạt động thương mại điện tử trong Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14?

Cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội Mai Sơn: Từ đầu năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai Đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn và đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng các phương án triển khai phù hợp với từng đối tượng có hoạt động TMĐT.

Cục Thuế cũng đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích cá nhân kinh doanh TMĐT đăng ký thuế và tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Cụ thể, ngày 23/6/2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã có công văn 42545/CT-KK&KTT về việc tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện thủ tục đăng kí thuế. Theo đó, các thông tin, bộ thủ tục hướng dẫn cá nhân kinh doanh TMĐT đã được đăng tải trên bảng thông báo tại bộ phận một cửa, các cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế lưu ý, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về nội dung kê khai thuế đối với các đối tượng có hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.

Đến đầu năm 2018, Cục thuế TP Hà Nội đã triển khai phối hợp với 47 Ngân hàng thương mại để tổng hợp dòng tiền đối với tổ chức, cá nhân cung cấp các ứng dụng, sản phẩm tại các Khu vực ứng dụng hiện nay như Facebook, Google Play, Apple Store,...

Trong Quý 2-2019, Cục thuế TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Mục đích của hội nghị để các cá nhân hiểu, nắm bắt được các quy định pháp luật thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình để tự giác thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế. Trên cơ sở đó, một số các cá nhân đã kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LÊ ĐỨC DUY (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhieu-thuan-loi-cho-nguoi-nop-thue-591386