Nhiều tiềm năng xuất khẩu trái gấc

Với giá trị mang lại về sức khỏe cho con người, giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, cho địa phương và quốc gia, 'giấc mơ gấc Việt' đã được các chuyên gia đánh giá là có khả năng 'cất cánh' tới các thị trường lớn trên thế giới và đóng góp đáng kể vào nhóm các thương hiệu nông sản tiêu biểu của Việt Nam.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Tại Tọa đàm truyền thông “Tiềm năng phát triển các sản phẩm từ gấc trước vấn nạn vi phạm nhãn mác hàng hóa”, do ấn phẩm Tư vấn tiêu & dùng thuộc Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 23/11 tại Hà Nội, GS. Nguyễn Lân Hùng - chuyên gia nông nghiệp - cho rằng: gấc là trái cây phổ biến và bình dân ở Việt Nam, nhưng được thế giới gọi là “quả thiên đường”.

Sở dĩ được mệnh danh như vậy là vì trong trái gấc chứa Beta Caroten cao gấp 15 lần cà rốt và gấp tới 68 lần cà chua... Trong dầu gấc có khả năng làm vô hiệu hóa nhiều chất gây ung thư nói chung, nhất là ung thư vú, chống ôxy hóa, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch...

Khai thác tiềm năng này, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư lớn cho dây chuyền sản xuất vào việc chiết xuất tinh chất và xuất khẩu cũng như cung cấp cho thị trường nội địa. Bà Hoàng Thị Lệ Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam - Viện Khoa học Bộ Nông nghiệp Việt Nam - cho biết: “Nhờ phát triển những vùng nguyên liệu trồng gấc tại Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tây Nguyên… , lượng gấc xuất khẩu của nước ta liên tục tăng và hiện chưa có đối thủ.”

Theo ghi nhận sơ bộ của Viện Khoa học Bộ Nông nghiệp Việt Nam, sản lượng gấc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt bình quân 500 - 1.000 tấn/năm, vào Ấn Độ khoảng 11.000 tấn/năm, vào Nhật 4,2 triệu tấn/năm, vào Thái Lan khoảng 1 triệu tấn/năm, vào châu Âu khoảng trên 2 triệu tấn/năm...

Tuy mới phát triển trên diện rộng và thu hoạch những vụ đầu nhưng năng suất gấc bình quân ở một số vùng nguyên liệu đã đạt khoảng 10 - 12 tấn/ha. Với mức giá thu mua trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại, sau khi trừ chi phí sẽ có thu nhập vào khoảng 80 triệu đồng/ha. Nếu chăm sóc tốt, cây gấc có thể cho thu hoạch liên tục trong 5 - 10 năm với sản lượng 18 - 20 tấn/ha, khi đó thu nhập có thể lên tới 100 - 150 triệu đồng/ha/năm.

“Với tiềm năng này, các công ty cũng sẽ dễ tạo được vùng nguyên liệu qua việc liên kết với các hộ dân. Tiềm năng về thị trường xuất khẩu gấc còn rất lớn, Việt Nam vẫn đang chiếm nhiều ưu thế về chất lượng trái và cả diện tích trồng nhờ lợi thế về thổ nhưỡng” - bà Hoàng Thị Lệ Hằng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu nguyên liệu gấc vẫn còn bỏ ngỏ do nhiều công ty gặp khó khăn trong việc thu mua gấc với số lượng lớn hoặc các vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ của các nước Mỹ, Nhật. Thực tế, diện tích trồng gấc hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu.

Ông Nguyễn Công Suất - Tổng giám đốc Công ty VNPOFOOD - chia sẻ, công ty sẵn sàng thu mua gấc với số lượng 5.000 tấn/năm. Song nguồn nguyên liệu hiện vẫn chưa đáp ứng được, vì thế ngoài các tỉnh miền Bắc, chúng tôi cũng đang nghiên cứu và mở rộng diện tích gấc vào các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Đối diện vấn nạn hàng giả, hàng nhái

Mặc dù có nhiều tiềm năng xuất khẩu và cơ hội phát triển để trái gấc Việt có thể “cất cánh” bay xa, nhưng hiện nay, vấn nạn vi phạm nhãn mác, hàng giả, hàng nhái các sản phẩm từ gấc đang ngày càng phức tạp và tinh vi.

Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sở hữu trí tuệ - Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết: thực trạng hàng giả hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu đang tiếp tục gia tăng và ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của Việt Nam. Các mặt hàng tiêu thụ nhiều, có giá trị cao thì thường bị làm giả như: dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp… Quy mô và tính chất rất nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi…

Chia sẻ thực tế ở doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Công Suất cho rằng: "Chúng tôi sản xuất dầu gấc Vinaga. Sau khi ra đời 3-4 năm thì có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Họ chỉ thêm bớt chính tả vào tên thương hiệu trong khi vẫn giữ nguyên font chữ, màu sắc bao bì… Hiện nay, đã có tới hàng chục loại chế phẩm từ gấc “nhái” tương tự sản phẩm của chúng tôi, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng".

Ông Đỗ Nguyên Khôi - Giám đốc Thương hiệu Công ty Richard Moore Associates - cho rằng, doanh nghiệp muốn xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần làm giảm tình trạng hàng giả hàng nhái trước tiên cần phải xây dựng sản phẩm có nền tảng có cốt lõi, lấy khách hàng làm trung tâm. Thứ hai, doanh nghiệp cần có sự chính trực đó là đưa ra sản phẩm thực sự tốt. Thứ ba, cần đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, có chiến lược phát triển thương hiệu và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Đối với người tiêu dùng, theo ông Khôi, trước khi mua sản phẩm, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ sản phẩm mình muốn mua, sau đó nên chọn lựa địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người tin cậy. Ngoài ra cần xem kỹ tên và thông tin sản phẩm, để ý đến giá cả và chọn sản phẩm nguyên hộp, nguyên niêm phong và giấy bóng kính…

Ông Nguyễn Đắc Lộc - Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cũng khuyến nghị, khi doanh nghiệp phát hiện có đơn vị làm giả, làm nhái sản phẩm của mình cần thông báo với Cục Quản lý thị trường, kèm theo đó là thủ tục đã được xác nhận từ Cục Sở hữu trí tuệ về vi phạm nhãn mác hàng hóa, thì ngay lập tức Cục sẽ có biện pháp xử lý.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-tiem-nang-xuat-khau-trai-gac-112237.html