Nhiều tiểu thương vẫn chưa biết cách sử dụng bình cứu hỏa

Nhiều vụ cháy nổ ở các chợ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây với những con số thiệt hại lớn về người và tài sản đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy. Nguy cơ cháy nổ vẫn đang hiện hữu từng ngày, từng giờ ở mọi nơi. Tuy nhiên, cuộc chiến này chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người dân, mỗi hộ kinh doanh tự nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động và tự trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy cho bản thân.

Sau vụ cháy tại chợ Gạo (TP Hưng Yên) xảy ra mới đây, gây thiệt hại lớn về tài sản của những hộ kinh doanh ở chợ, phóng viên báo Lao động thủ đô đã có cuộc khảo sát về việc trang bị kiến thức phòng chống cháy nổ cho tiểu thương tại một số chợ dân sinh trên khu vực Hà Nội.

Bình chữa cháy được trang bị tại chợ Mỗ Lao (quận Hà Đông) Ảnh: Hoa Nguyễn

Qua khảo sát cho thấy, thực tế hiện nay, dường như công tác phòng chống cháy nổ đã có đầy đủ từ các quy định đến các trang thiết bị chữa cháy nhưng điều được coi là quan trọng nhất thì vẫn đang thiếu, đó là những kỹ năng chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm để mỗi người dân có thể tự cứu lấy bản thân khi chẳng may có sự cố xảy ra.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các chợ đều có trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), một số chợ đã trang bị cho tiểu thương những kỹ năng phòng chữa cháy cơ bản.

Cô Nguyễn Thị Thỳ (tiểu thương bán vàng mã tại chợ Phùng Khoang – Hà Đông) cho biết: “Tôi có được mời tham gia tập huấn phòng cháy chữa cháy. Trong các buổi đó, chúng tôi được dạy cách mở bình cứu hỏa, mở vòi cứu hỏa to, khi xảy ra cháy phải gõ kẻng, sơ cứu ban đầu,... về cơ bản buổi tập cũng có tác dụng cung cấp thêm kiến thức cho chúng tôi, nếu xảy ra cháy nhỏ chúng tôi sẽ tự dùng bình cứu hỏa xử lý được”.

Khi đề cập đến vấn đề cháy nổ tại chợ, các tiểu thương đều rất lo lắng, e ngại. Tuy nhiên không phải tiểu thương nào cũng trang bị cho bản thân kiến thức về phòng cháy chữa cháy như cô Thỳ.

Nhiều tiểu thương có tâm lý vào chợ thì chỉ quan tâm việc kinh doanh của mình, còn công tác phòng chống cháy nổ là nhiệm vụ của Ban quản lý chợ và lực lượng PCCC nên họ thường chủ quan, lơ là trong chuyện phòng chống cháy nổ.

Bình chữa cháy đều được trang bị tại các chợ, tuy nhiên không phải tiểu thương nào cũng biết sử dụng bình khi có sự cố cháy, nổ xảy ra (Ảnh: Hoa Nguyễn)

"Chúng tôi vẫn được mời tham gia các buổi tập huấn PCCC ở chợ nhưng vì bận không có thời gian nên tôi không tham gia. Vả lại việc chữa cháy đã có đàn ông lo nên mình cũng không phải quá bận tâm nhiều”, một tiểu thương bán ngành hàng da dụng trong chợ Phùng Khoang (Hà Đông) cho biết.

Cùng chung tâm lý đó, một tiểu thương trong chợ Mỗ Lao (quận Hà Đông) cho rằng: “Ngôi chợ này mới hoạt động được mấy năm, tôi chưa lần nào được mời tham gia tập huấn về PCCC, bình chữa cháy tôi thấy đặt ở góc chợ nhưng tôi không biết cách dùng. Chợ họp không quá đông đúc như những ngôi chợ khác nên chắc cũng sẽ không xảy ra những sự cố cháy chợ”.

Trao đổi với báo Lao động thủ đô về vấn đề ý thức của các tiểu thương trong công tác PCCC, đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) cho biết: Khi có các vụ cháy lớn xảy ra, người dân có ý thức hơn về PCCC nhưng sau đó lại bình thường. Nhìn chung ý thức của người dân về PCCC còn kém.

“Gần đây chúng tôi triển khai tập huấn PCCC cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc, nói về những nguyên nhân gây cháy nổ thực tế ở chợ để người dân hào hứng tham gia hơn tuy nhiên sau đó có thực hiện hay không còn phụ thuộc vào ý thức của từng người dân.

Chúng tôi tổ chức rất nhiều buổi tập huấn tuyên truyền phòng cháy miễn phí cho người dân ở các khu dân cư, các chợ,... nhưng số lượng người dân tham gia rất ít, chỉ khoảng 10 -15% và họ vẫn rất thờ ơ. Đây là điều đáng tiếc khi người dân chưa nhận thức đúng về phòng chống cháy nổ mà chỉ lo kiếm tiền, tích lũy tài sản rồi thờ ơ với sự an toàn của chính bản thân và gia đình dẫn đến nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây chết người, mất tài sản.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất là ý thức người dân và trách nhiệm của Ban quản lý chợ. Người dân cần chấp hành tốt các điều kiện về PCCC trong chính nơi mình kinh doanh. Ban quản lý chợ phải nâng cao vai trò quản lý, xử phạt những hộ kinh doanh không đảm bảo các điều kiện, vi phạm quy định về PCCC, tổ chức tập huấn tuyên truyền bằng loa nội bộ của chợ, nhắc nhở dân không được thắp hương, ngắt cầu dao điện trước khi ra về, bố trí khu vực kinh doanh riêng đối với mỗi ngành hàng,…”, đại tá Sơn nhấn mạnh.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-tieu-thuong-van-chua-biet-cach-su-dung-binh-cuu-hoa-77600.html