Nhiều tỉnh chưa thực hiện hết biên chế giáo viên được giao

Sáng 6/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018 -2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị. Hội nghị được trực tuyến tới 63 điểm cầu.

Hội nghị tổng kết năm học 2018 -2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Ảnh: HH

Hội nghị tổng kết năm học 2018 -2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Ảnh: HH

Theo thống kê của các địa phương, số lượng giáo viên năm học 2018-2019 đều giảm so với năm học 2017-2018. Ở bậc mầm non giảm 15.108 giáo viên; bậc tiểu học giảm hơn 5.300; bậc THCS giảm nhiều nhất tới gần 12 nghìn; bậc THPT giảm hơn 9.500 giáo viên.

Mặc dù số lượng giáo viên ở các bậc học trên cả nước giảm, nhưng Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2018-2019, Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Trong đó, bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên gồm các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Bắc Ninh, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kon Tum, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Nông.

Bộ GD&ĐT đánh giá, Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&DT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Hà Nội đã nêu phương án của UBND TP đưa ra xét tuyển hết số giáo viên đã ký hợp đồng, đóng bảo hiểm trên 5 năm rồi mới thi tuyển số giáo viên còn lại.

Còn tại Quảng Ngãi, căn cứ vào tình hình thực tế để giải quyết tình trạng giáo viên, 6 huyện (Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Nghĩa Hành, Minh Long) trong diện sắp xếp lại, được sử dụng giáo viên hợp đồng.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ.

Đáng nói, qua kiểm tra, Bộ GD&ĐT phát hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện hết số biên chế được giao, trong khi vẫn còn tồn tại tình trạng hợp đồng giáo viên như các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Nam Định.

Nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định như: Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Bình Dương, Bình Phước, Hậu Giang, An Giang, Cà Mau…

Đánh giá thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho rằng, một số địa phương còn thực hiện khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số, do vậy không có biên chế để tuyển tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.

Về chất lượng giảng viên ở các trường đại học, Bộ GD&ĐT thừa nhận, số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp; năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, kinh nghiệm thực tiễn của 1 số giảng viên còn hạn chế.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nhieu-tinh-chua-thuc-hien-het-bien-che-giao-vien-duoc-giao_t114c8n152283