Nhiều tỉnh thành khẩn trương ứng phó bão số 3 sắp đổ bộ

Nhiều tỉnh thành đang tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3 sắp đổ bộ.

Chủ động ứng phó với cơn bão số 3, chiều nay 1/8, thành phố Hải Phòng đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão tại các quận, huyện của thành phố; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã ban hành lệnh cấm biển, sẵn sàng di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu trước khi bão đổ bộ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành kiểm tra tại tuyến đê Cát Tiên (xã Quang Trung, huyện an Lão, Hải Phòng).

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành kiểm tra tại tuyến đê Cát Tiên (xã Quang Trung, huyện an Lão, Hải Phòng).

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đã yêu cầu đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi, giải trí trên các khu vực biển, đảo và ven sông từ 17 giờ chiều nay; thông báo các phương tiện không di chuyển qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện.

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức di chuyển toàn bộ người dân tại các chòi nuôi ngao về nơi an toàn trước 17 chiều nay; tổ chức di dời dân tại các khu vực xung yếu, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, trên các phương tiện thủy đã về nơi neo đậu và tại các khu chung cư cũ, nhà xuống cấp về địa điểm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trước 7 giờ sáng mai (2/8).

Trong chiều nay, thành phố Hải Phòng đã thành lập 8 đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đến thời điểm này, các địa phương trong thành phố Hải Phòng đã sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để bảo vệ các trọng điểm xung yếu. Kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại khu vực Đồi Thiên Văn, nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở, và làng Chài Ngọc Sơn (quận Kiến An), ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương vận động, di chuyển các hộ dân tại các khu vực này về nơi ở an toàn, đồng thời, chủ động ứng phó với mưa lớn sau bão

Tại Hà Nội, nhằm ứng phó với bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có Công điện yêu cầu các cấp, ngành, các đơn vị chủ động tập trung mọi biện pháp để phòng, chống.

Theo đó, các cấp, các ngành, các đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức thường trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3, tình hình mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai trên địa bàn, kiểm tra các trọng điểm xung yếu, các công trình xây dựng (đặc biệt các công trình đang thi công), hồ đập, công trình thủy lợi; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không”, chủ động chỉ đạo ứng phó kịp thời mọi diễn biến của bão, mưa, lũ, úng ngập, sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức (vùng thường xuyên bị ảnh hưởng lũ rừng ngang) tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, ứng phó lũ rừng ngang, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, dễ có nguy cơ sự cố, nhất là đê điều, công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; kịp thời bảo vệ, khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau bão, mưa, lũ.

Sở Xây dựng chỉ đạo: Công ty Thoát nước Hà Nội tập trung kiểm tra, rà soát hệ thống công trình tiêu khu vực nội thành, giải tỏa ngay các vật cản làm ách tắc, cản trở dòng chảy, đảm bảo thông thoáng; triển khai các biện pháp tiêu thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành; tập trung xử lý kịp thời tiêu thoát nước tại các điểm úng ngập cục bộ; Công ty Công viên cây xanh Hà Nội rà soát, kiểm tra, cắt tỉa ngay cây nặng tán, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ đổ, gãy mất an toàn; kịp thời giải tỏa cây đổ không để ùn tắc giao thông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, rà soát, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ, đập, các công trình thủy lợi. Triển khai phương án phòng, chống úng ngập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo các công ty thủy lợi tiêu kiệt nước đệm, vận hành các công trình tiêu trên địa bàn. Điều phối chung công tác tiêu úng giữa các địa phương, các tiểu lưu vực tiêu úng liên quan trong hệ thống công trình thủy lợi khi mưa, lũ xảy ra.

Tại vùng biển Thanh Hóa có 200 phương tiện với 557 lao động, còn tại vùng biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định có 51 phương tiện. Đến thời điểm hiện tại tất cả các phương tiện đều đảm bảo thông tin liên lạc với bờ bình thường. Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục phối hợp 4 đài thông tin báo bão thường xuyên thông báo kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Nhiều tàu thuyền tại Thanh Hóa đã vào nơi trú bão an toàn.

Cũng trong chiều nay, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hóa, cho biết; chiếc tàu cá TH 90068TS, công suất 825CV của ông Nguyễn Duy Muộn, ở khu phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn (trên tàu có 10 thuyền viên) bị mất liên lạc đã 9 ngày. Đến sáng 1/8, các thuyền viên trên tàu đã liên lạc được với chính quyền địa phương và gia đình./.

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-tinh-thanh-khan-truong-ung-pho-bao-so-3-sap-do-bo-939376.vov