Nhiều trường hàng đầu phản ứng bảng xếp hạng đại học

Nhiều ý kiến cho rằng, bảng xếp hàng không đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay như tuyên bố.

Nhóm sáu chuyên gia Việt Nam đến từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước vừa công bố bảng xếp hạng cơ sở giáo dục Việt Nam năm học 2016-2017. 49 trường đại học được xếp hạng và cho kết quả khá bất ngờ.

Đại học Quốc gia Hà Nội xếp thứ nhất với điểm tổng thể vượt xa đại học khác. Bốn vị trí tiếp theo lần lượt là Đại học Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP HCM.

Nhiều trường trẻ đứng ở thứ hạng cao, như Tôn Đức Thắng thứ hai, Duy Tân thứ chín, trong khi nhiều đại học lâu đời, điểm chuẩn đầu vào cao, lại đứng giữa hoặc cuối bảng. Cụ thể, Y Hà Nội xếp thứ 20, Ngoại thương thứ 23, Kinh tế Quốc dân thứ 30, Học viện Tài chính thứ 40, Học viện Ngân hàng ở vị trí 47...

Một phần bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam

Nhóm nghiên cứu xác định ba thước đo xếp hạng bao gồm nghiên cứu khoa học (40%), giáo dục và đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%). Trong đó, mỗi thước đo được chia nhỏ thành nhiều tiêu chí cụ thể.

Nhóm nhấn mạnh, bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo bởi có những tham số không thể định lượng được. Thứ hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, nhiều trường đại học tỏ ra nghi ngờ tính chính xác của bảng xếp hàng nói trên.

Báo VnExpress dẫn lời PGS Lê Thị Thu Thủy, Hiệu phó Đại học Ngoại thương - trường xếp thứ 23 trong bảng xếp hạng - cho rằng kết quả muốn thuyết phục thì dữ liệu phải chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp, mẫu nghiên cứu đủ lớn và cần có sự tham gia của trường đó. Nhóm nghiên cứu dựa trên báo cáo ba công khai của các trường, nhưng chưa biết số liệu đó đã được cập nhật đầy đủ hay chưa.

Về tiêu chí đánh giá, theo bà Thủy, thế giới có xếp hạng chung, xếp theo nhóm trường do mỗi nhóm có đặc thù riêng, ví dụ Ngoại thương và Y khoa khác hẳn nhau về quy mô giảng dạy, hoạt động đào tạo, nghiên cứu... Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã gộp chung các trường với nhau.

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Navis, Đại học Bách khoa Hà Nội, bày tỏ lo ngại về chất lượng dữ liệu nhà nghiên cứu sử dụng. Bách khoa có khoảng 2.300 cán bộ, bao gồm 700 người phục vụ thí nghiệm, trong khi tiêu chí năng suất nghiên cứu (chiếm 10% đánh giá xếp hạng) được tính theo số bài báo ISI trên mỗi giảng viên. Điều này dẫn đến kết quả thiếu hợp lý.

Theo TS Tùng, việc đếm số bài báo ISI của các trường cần cẩn trọng và nên tham khảo thông tin từ trường, bởi việc dùng tên quốc tế của trường cũng như khi tác giả viết bài dùng tên đại học lớn hay đại học con vẫn chưa thống nhất.

Ngoài ra còn hiện tượng trùng tên giữa các trường đại học, ví dụ Đại học Bách khoa là Hanoi University of Science and Technology, nhưng có một trường nữa là University of Science and Technology of Hanoi - Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp).

Điểm thứ hai, TS Tùng không đồng ý với kết quả đánh giá theo thước đo cơ sở vật chất và quản trị. Trong bảng xếp hạng theo tiêu chí này, Bách khoa Hà Nội thậm chí không nằm trong top 20, trong khi khuôn viên và thư viện của trường "chắc chắn thuộc top đầu miền Bắc".

Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng cho rằng việc nhóm nghiên cứu chỉ xếp hạng 49 trong tổng số hơn 300 trường đại học ở Việt Nam cho thấy mức độ tin cậy không cao, không thể xem là "đem lại tiếng nói độc lập, trung thực về bức tranh tổng thể của đại học Việt Nam hiện nay" như nhóm tuyên bố.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP HCM) khẳng định xếp hạng chủ yếu căn cứ vào hệ thống chỉ số, không phản ánh hết chất lượng toàn diện của một đại học. Bảng xếp hạng vừa qua là kênh tham khảo, bên cạnh nhiều thông tin khác.

Sáu thành viên chính tham gia dự án gồm: TS Lưu Quang Hưng (Melbourne, Australia); TS Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN, Việt Nam); TS Giáp Văn Dương (GiapGroup, Việt Nam); TS Ngô Đức Thế (Đại học Manchester, Anh quốc); ThS Trần Thanh Thủy (DEPOCEN, Việt Nam) và ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (Đại học Sư phạm TPHCM, Việt Nam).

GS Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Australia), GS Lê Văn Cường (Đại học Paris 1, Pháp) đã cố vấn và góp ý để hoàn thiện báo cáo.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nhieu-truong-hang-dau-phan-ung-bang-xep-hang-dai-hoc-3342643/