Nhiều trường ở Hà Nội hối hả siết chặt việc đưa đón học sinh

Hầu hết các trường có dịch vụ đưa đón học sinh đều thuê dịch vụ từ một đơn vị khác, tuy nhiên khi xảy ra sự cố thì trách nhiệm đều thuộc cả hai phía. Chính vì vậy, sự cố bé trai 6 tuổi ở Trường tiểu học quốc tế Gateway tử vong là hồi chuông cảnh tỉnh từ cả ba phía: Gia đình - nhà trường - đơn vị vận chuyển đối với những nguy cơ uy hiếp an toàn con trẻ khi đến trường.

Cháu L.H.L đang theo học tại Trường tiểu học quốc tế Gateway, đã tử vong do sự bất cẩn của người lớn. Ảnh: Lê Bảo

Cháu L.H.L đang theo học tại Trường tiểu học quốc tế Gateway, đã tử vong do sự bất cẩn của người lớn. Ảnh: Lê Bảo

Siết chặt quy trình đưa đón học sinh

Theo cơ quan chức năng quận Cầu Giấy (TP Hà Nội thông tin), sáng 6/8, ông Doãn Quý Phiến, lái xe số 19 chở bà Nguyễn Bích Quy (nhân viên đưa đón học sinh Trường tiểu học quốc tế Gateway) đi đón học sinh. Xe được ông Phiến điều khiển đón cháu L.H.L tại tòa nhà Trung Yên Plaza. Khi lên xe, cháu L ngồi hàng ghế cuối cùng. Đến trường, các học sinh khác xuống xe, ông Phiến và bà Quy không kiểm tra nên không biết cháu L còn ở trên xe. Sau đó, ông Phiến đánh xe về bãi trông giữ. Đến chiều cùng ngày, ông Phiến vào bãi đánh xe về trường đưa học sinh về nhà thì phát hiện sự việc đau lòng.

Ngay sau khi sự việc xảy ra tại Trường tiểu học quốc tế Gateway, ngay trong đêm 6/8, Hiệu trưởng trường tiểu học Marie Curie đã ra thông báo gửi đến tất cả các bậc phụ huynh. Theo đó, vị hiệu trưởng này nêu rõ: "Là Hiệu trưởng của một trường phổ thông có đông học sinh, nhất là học sinh nhỏ ở bậc tiểu học, THCS... có xe bus đưa đón học sinh, tôi thấu hiểu sự phức tạp và đầy rủi ro diễn ra hằng ngày. Vì vậy, vấn đề an toàn cho học sinh luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Trước sự việc đau xót xảy ra ở trường Gateway, chúng tôi thấy trách nhiệm bảo vệ an toàn sức khỏe và tính mạng cho học sinh, đặc biệt trong việc vận hành xe bus đưa đón các con hằng ngày cần phải được thực hiện nghiêm ngặt và chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra một sự cố đáng tiếc nào".

Đặc biệt, vị hiệu trưởng cũng đưa ra "báo động đỏ" trong toàn hệ thống đối với việc đưa đón học sinh bằng xe bus của trường: "Học sinh có thể ngủ quên trên xe. Do đó, trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa xe về bãi tập kết, đồng thời báo cáo về Trung tâm quản lý xe theo quy định; Học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe. Vì vậy, lái xe cần đỗ sát vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng/mở cửa xe và chuyển bánh; Xe có thể đụng phải học sinh khi ra/vào nơi tập kết đón học sinh lúc tan trường, do đó lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị".

Cần trang bị kỹ năng cho con trẻ

Việc đưa đón học sinh bằng xe bus cần được cảnh giác hơn để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Cũng sau sự việc, rất nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh cũng như người dân ít nhiều đã rút ra một bài học cho mình khi đưa con trẻ di chuyển bằng xe ô tô cẩn trọng hơn. Thực tế, trên thế giới đã có trường hợp trẻ tử vong vì cha mẹ bỏ quên con trên xe ô tô. Chính vì vậy, việc trang bị cho con trẻ những kỹ năng sống để đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình cha mẹ, người lớn sử dụng ô tô chở con trẻ là điều vô cùng cần thiết. Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, kỹ sư Lê Văn Tạch - người nhiều năm có kinh nghiệm nghiên cứu về ô tô cho biết. Sự việc xảy ra đối với cháu L tại Trường tiểu học quốc tế Gateway vô cùng đáng tiếc khiến gia đình, xã hội đau xót.

Nói về việc cha mẹ nên trang bị kỹ năng gì với trẻ nhỏ để đối phó khi chẳng may người lớn bỏ quên trong xe ô tô, kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay: "Bản thân xe ô tô luôn có bình ắc-quy điện, dù chốt và đóng cửa nhưng một số tính năng của ô tô vẫn hoạt động như: Đèn khẩn cấp, còi xe, cửa kính. Vì vậy, hãy dạy trẻ những kỹ năng nếu chẳng may rơi vào trường hợp trên thì có thể leo lên phía trước bấm đèn cảnh báo, bấm còi báo động thậm chí bấm cửa tự chui ra ngoài. Các bậc cha mẹ hãy hướng dẫn con vị trí nào là còi, đèn để trẻ tập làm quen".

Cũng theo chia sẻ của kỹ sư Lê Văn Tạch, riêng đối với phần cửa kính của xe ô tô, nếu đã khóa thì bên ngoài không mở được, nhưng người ở trong xe vẫn có thể mở được khi ấn chốt mở. Cha mẹ cũng cần hướng dẫn tận tình đối với trẻ, thậm chí thực hành một vài lần để trẻ có thể nhận biết được. Ngoài ra, kỹ sư Lê Văn Tạch cũng cho rằng, nhiều gia đình thường dán kính 3M nên ở bên ngoài khó phát hiện có người ở bên trong hay không. Vì vậy, cần hướng dẫn trẻ di chuyển lên khoang lái để vẫy tay nhờ sự trợ giúp của người bên ngoài.

Nhiều trường trang bị thêm phần mềm nắm lịch trình đi lại của con

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Nam Việt cho biết, chuyện học sinh bị bỏ quên trên xe là không thể chấp nhận. Điều này khiến cả những người quản lý trường cũng khó tin và bức xúc. Nó chứng tỏ sự quan tâm đến học sinh quá yếu.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Trường quốc tế Canada cho biết, tối 6/8 bà không thể ngủ được, vì không thể tin rằng chuyện đau lòng này có thể xảy ra. Trước đây, rất lâu trường có hợp đồng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe của đơn vị bên ngoài. Nhưng lãnh đạo trường nhận thấy như vậy không kiểm soát được lái xe. Vì vậy, sau đó trường tự mua xe, tự quản lý đội xe. Lái xe là trường tự tuyển dụng và tập huấn thường xuyên thao tác đưa đón học sinh: Lên xe, ngồi trên xe, giao trả học sinh, kiểm tra khi học sinh vắng mặt. Xe nào cũng có danh sách học sinh, có người chịu trách nhiệm... Nếu cha mẹ không đón được con, đón trễ... phải có xác nhận trực tiếp với nhà trường.

"Sự việc đau lòng này là do người lớn tắc trách. Nguyên tắc đưa đón là sau khi chở học sinh đến trường, lái xe phải lên kiểm tra xe. Nếu học sinh vắng, giáo viên phải liên hệ ngay cha mẹ để hỏi rõ", bà Oanh cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, hiện nay tất cả các xe của trường đều có hộp đen theo dõi hành trình và gắn camera quan sát. Cuối tháng 8 này, trường sẽ đưa vào sử dụng một phần mềm dành riêng cho phụ huynh theo dõi việc đưa đón con. Với phần mềm này, phụ huynh sẽ biết con lên xe, xuống xe, con đang ở đâu...

Trong ngày 7/8, Trường Đoàn Thị Điểm Greenfield School cũng có thông báo công khai quy trình đón trả học sinh đối với lái xe, giám sát xe để phụ huynh học sinh biết và giám sát. Cô Phạm Quỳnh Dương, Hiệu trưởng nhà trường thông báo, tại mỗi điểm đón, khi người giám sát đón học sinh lên xe phải đề nghị phụ huynh học sinh ký xác nhận, quan sát học sinh trong suốt tuyến xe, báo cáo online về cho bộ phận giám thị và ban giám hiệu về tình trạng tuyến xe học sinh.

Khi đến trường, người giám sát hỗ trợ học sinh xuống xe, nhắc nhở các con xếp hàng vào khu vực ăn sáng/lớp học, rà soát toàn bộ xe, cùng với lái xe ký xác nhận tình trạng học sinh xuống xe. Trong trường hợp thiếu học sinh, người giám sát có trách nhiệm liên hệ với phụ huynh học sinh, thông báo với giám thị, giáo viên chủ nhiệm phối hợp liên hệ với phụ huynh học sinh…

Chiếc xe bỏ quên bé lớp 1 không đăng ký kinh doanh vận tải

Liên quan đến chiếc xe vận chuyển học sinh này, tìm hiểu của PV, hồ sơ quản lý kiểm định thể hiện xe 29B-069.56 là ô tô khách, nhãn hiệu Ford Transit. Xe được sản xuất và đăng ký năm 2014, được phép chở 16 người. Chủ xe theo giấy đăng ký là Doãn Quý Phiến (số 373 tổ 10 phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội). Phương tiện được kiểm định lần gần nhất ngày 18/4/2019 và còn thời hạn kiểm định đến 17/10/2019. Đáng lưu ý, dữ liệu kiểm định thể hiện chiếc xe trên không đăng ký kinh doanh vận tải.

"Việc xe có đăng ký kinh doanh, gắn phù hiệu hay không do cơ quan có chức năng quản lý vận tải thực hiện. Khi đưa xe đi đăng kiểm, lái xe có trách nhiệm kê khai đúng về thực tế của xe (có kinh doanh vận tải hay không), trên cơ sở đó trung tâm đăng kiểm kiểm tra, đánh giá các điều kiện an toàn kỹ thuật của xe", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Lê Bảo - Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-truong-o-ha-noi-hoi-ha-siet-chat-viec-dua-don-hoc-sinh-20190807200404545.htm