Nhiều trường 'trắng' môn mỹ thuật, âm nhạc

Vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất nên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 với hai môn âm nhạc và mỹ thuật, nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố 'trắng' môn này.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong giờ học mỹ thuật. Ảnh: NGỌC HÀ

Chỉ hai trường triển khai

Lớp học mỹ thuật của học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn diễn ra trong không khí đầy hào hứng. Thầy Đặng Công Định, giáo viên mỹ thuật của nhà trường, cho biết trước đây, nhà trường tổ chức dạy mỹ thuật là môn tự chọn bên cạnh các môn bóng bàn, bơi, cầu lông, bóng rổ, bóng đá, âm nhạc... vào buổi chiều trong tiết thể dục và hiện lớp 11, 12 vẫn học theo chương trình này.

Trong khi đó, chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 học mỹ thuật theo tiết tự chọn (2 tiết) vào buổi sáng, môn thể dục vẫn học bình thường. Hiện nhà trường tổ chức hai lớp mỹ thuật lớp 10 (hơn 50 học sinh). Trước đây, với môn mỹ thuật, dựa trên kinh nghiệm hiểu biết của mình, thầy tự soạn giáo án cho học sinh nhưng với chương trình mới, có sẵn sách nên thuận tiện hơn. Chương trình mới có 11 chuyên đề liên quan các chuyên ngành: đồ họa, thiết kế thời trang, kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng… rất phù hợp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Ngoài Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn còn có thêm Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến dạy mỹ thuật, âm nhạc cho học sinh lớp 10. Theo cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường, so với các trường THPT khác trên địa bàn, nhà trường thuận lợi hơn đối với việc triển khai chương trình mới lớp 10 đối với các môn tự chọn âm nhạc và mỹ thuật, vì đã có giáo viên cũng như cơ sở vật chất; nhiều học sinh đã hào hứng đăng ký học hai môn này.

Trong khi đó, các trường THPT còn lại “trắng” môn này. Theo lãnh đạo các trường, để tổ chức hai môn học này, nhà trường cần có giáo viên, phòng học chức năng được đầu tư phòng máy cấu hình cao, phòng học chuyên biệt… Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có ngay được phòng học chức năng và nghệ thuật nên khó triển khai.

Cô Hồ Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang, cho hay, trước mắt nhà trường không đưa hai môn này vào tổ hợp tự chọn năm học 2022-2023. Việc dạy các môn nghệ thuật sẽ được nhà trường thực hiện trong những năm học tiếp theo, khi sắp xếp được giáo viên và cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị dạy - học.

Cần sớm triển khai cho học sinh THPT

Em Phan Anh Thi, học sinh lớp 10A4 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, yêu thích môn vẽ từ nhỏ và mong muốn học ngành nghề thiết kế đồ họa nên đã chọn tổ hợp có môn mỹ thuật để theo học. “Không chỉ những bạn theo ngành nghề có liên quan mới chọn học mỹ thuật mà trong lớp học này, nhiều bạn vì yêu thích đơn thuần hội họa nên tham gia. Bản thân em cảm thấy may mắn vì nhà trường tổ chức dạy mỹ thuật, khá thuận tiện cho em trong định hướng nghề nghiệp. Bạn bè em học ở các trường THPT khác do không có tổ chức lớp mỹ thuật, nên phải đi học ở bên ngoài các trung tâm, rất mất thời gian, tốn kém”.

Theo chị Nguyễn Minh Châu (quận Cẩm Lệ), từ khi học lớp 9, con trai chị yêu thích các môn năng khiếu và khoa học xã hội nên gia đình định hướng con học mỹ thuật. Khi biết chương trình mới lớp 10 đưa mỹ thuật vào giảng dạy là môn tự chọn từ năm học 2022-2023, gia đình rất phấn khởi. Tuy nhiên, trường con chị theo học lại chưa triển khai môn mỹ thuật hay âm nhạc trong tổ hợp môn tự chọn.

“Cháu rất thích học vẽ nên gia đình tạo điều kiện học bên ngoài. Hy vọng năm học tới, hai môn học này triển khai trong trường THPT để các cháu được học, bồi đắp tâm hồn sau những giờ học căng thẳng”, chị Châu bày tỏ.

Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, ngành giáo dục đề nghị tăng 659 chỉ tiêu số lượng người làm việc; trong đó, sở đề nghị tăng 34 chỉ tiêu; UBND các quận, huyện đề nghị tăng 625 chỉ tiêu. Đến nay, có 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo viên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm học 2022-2023, tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 637 giáo viên. Tuy nhiên, vị trí tuyển dụng chiếm đa số là chỉ tiêu bậc tiểu học.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, đối với ngành sư phạm âm nhạc, nhà trường đào tạo trình độ đại học từ năm 2017 (trước đó đào tạo cao đẳng), mỗi năm khoảng 50 sinh viên. Trong khi đó, sư phạm mỹ thuật đang xúc tiến mở ngành. Hơn nữa, nhà trường đào tạo nguồn nhân lực cho cả nước mà trọng tâm là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sinh viên tốt nghiệp công tác tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Vì vậy, với chỉ tiêu được giao hằng năm như hiện nay sẽ khó đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng thực tế của địa phương.

“Do vậy, thành phố cần chủ động đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm. Bên cạnh việc đặt hàng, cần công khai nhu cầu tuyển dụng cho các năm tiếp theo để thí sinh có thông tin và tự tin đăng ký xét tuyển theo học các ngành sư phạm. Chúng ta cần thiết lập kênh thông tin tuyển dụng giữa thành phố - các trường sư phạm - sinh viên sư phạm để có thể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ như hiện tại”, ông San bày tỏ.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, cùng với cả nước, năm học 2022 - 2023, việc triển khai môn mỹ thuật và âm nhạc ở khối lớp 10 bậc THPT còn nhiều khó khăn xuất phát từ một số nguyên nhân chính như: không có nguồn tuyển, bố trí biên chế... Thời gian tới, sở sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành quy chế phối hợp với các trường sư phạm đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (hoặc các trường văn hóa nghệ thuật) để đặt hàng nguồn tuyển; sắp xếp, phân bổ chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học để sớm triển khai hai bộ môn này trong trường học, từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của học sinh.

NGỌC HÀ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5411/202212/nhieu-truong-trang-mon-my-thuat-am-nhac-3933890/