Nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Yên Thế xuống cấp nghiêm trọng

Những năm gần đây, huyện miền núi Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều cung đường trong huyện lại phải ngồng mình chịu tải trọng lớn của các xe vận chuyển gỗ, vật liệu xây dựng, nhất là xe chở than khi mỏ than Bố Hạ đi vào khai thác hai năm nay.

Đường nối hai xã Đông Sơn và Đồng Hưu qua thôn Trại Mới xuống cấp nghiêm trọng.

Đường nối hai xã Đông Sơn và Đồng Hưu qua thôn Trại Mới xuống cấp nghiêm trọng.

NDĐT - Những năm gần đây, huyện miền núi Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều cung đường trong huyện lại phải ngồng mình chịu tải trọng lớn của các xe vận chuyển gỗ, vật liệu xây dựng, nhất là xe chở than khi mỏ than Bố Hạ đi vào khai thác hai năm nay.

Là huyện miền núi, Yên Thế còn rất nhiều tuyến đường chưa được cứng hóa, đường chủ yếu vẫn là đường đất, đường dân sinh. Từ khi việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cũng là lúc trên địa bàn hình thành nhiều cơ sở thu mua chế biến gỗ, bóc gỗ làm ván ép. Mỗi ngày, hàng trăm xe tải thu mua gỗ lưu thông len lỏi trên các cung đường đã khiến nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường chưa được cứng hóa xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, địa bàn huyện cũng là tuyến đường huyết mạch của vận chuyển than từ mỏ than Bố Hạ và vận chuyển đá xây dựng từ hàng chục mỏ đá nằm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đi về các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên và TP Bắc Giang. Trên những cung đường này, ngày càng xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà và nhuốm đen dày đặc bởi thải than rơi ra từ những xe vận chuyển.

Anh Nguyễn Văn Đông ở xã Đồng Hưu cho biết, nhiều năm nay, gia đình anh cùng gần ba mươi hộ dân thôn Trại Mới như phải sống trong cảnh khổ sở bởi tuyến đường ra xã đã "nát bét", mưa xuống thì lầy lội, nắng lên thì bụi đen phủ kín đầu mỗi khi ra đường. Con đường ra xã của các hộ trong thôn là một trong các cung đường trọng điểm của việc vận tải khai thác gỗ, đồng thời có khoảng gần ba km có sự tham gia của xe khai thác và vận tải than từ các đội khai thác than thuộc mỏ than Bố Hạ đưa ra đường tỉnh 265 đi tiêu thụ. Chính vì vậy con đường liên thông từ xã Đông Sơn qua thôn Trại Mới sang xã Đồng Hưu chịu ảnh hưởng "kép" nặng nề từ các loại xe tải.

Ông Nguyễn Đình Quyết, Chủ tịch UBND xã Đồng Hưu cho biết, trong các năm 2018, 2019, nhân dân trong xã đã làm được 30km đường theo Nghị quyết 07 của tỉnh Bắc Giang và cứng hóa được hơn 40km đường giao thông nông thôn, một số khu vực khác do thưa dân, khả năng huy động đóng góp thấp cho nên đường chưa được cứng hóa. Cuối 2019, các đơn vị khai thác than tại mỏ than Bố Hạ đã chủ động bỏ tiền đầu tư làm khoảng 700m đường bê-tông với mặt đường rộng hơn 6m, tuy nhiên cả tuyến đường này dài hơn 6km. Hiện nay, UBND huyện cũng đang triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, sửa chữa tuyến đường này, khắc phục tình trạng xuống cấp, còn việc cứng hóa vẫn phải đợi huyện xin được nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, huyện cũng đang khảo sát, nâng cấp thành đường huyện tuyến đường từ ngã ba ngầm suối Dọc đi bến Trăm xã Đông Sơn.

Cây cầu yếu nối hai huyện Lạng Giang - Yên Thế hằng ngày gồng mình chịu xe trọng tải lớn.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, không chỉ tuyến đường này mà rất nhiều tuyến đường đi qua xã Đông Sơn đã xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, gần 20km đường (đoạn từ chợ Đông Sơn đi qua thôn Bến Trăm, điểm tiếp giáp với thôn Đồi Hồng) đã bị “cày nát”, mặt đường chằng chịt những ổ trâu, ổ voi khiến mưa lớn bị ngập úng, lầy lội người dân đi lại vô cùng khó khăn. Anh Nguyễn Thế Anh (Bến Trăm, Đông Sơn) cho biết, đây là đường liên huyện, là tuyến chính để các xe tải trọng lớn đi thu mua và chở gỗ đến các xưởng sản xuất. Nhiều xe tải trọng lớn thường chạy tắt qua đường này, đi thẳng lên Lạng Sơn nên nhiều năm nay, đường sá xuống cấp, người dân đi lại khó khăn.

Nghiêm trọng hơn là 20km đường đoạn từ ngã ba Mia, (huyện Lạng Giang) chạy về đến địa phận chợ Đông Sơn (huyện Yên Thế), đường sá xuống cấp khiến người dân không thể đi lại được, đặc biệt trong những ngày mưa lớn. Theo phản ánh của người dân, việc xuống cấp này một phần do trên tuyến đường có điểm tập kết, vận chuyển than lớn tại thôn Khoát nên hằng ngày, lượng xe tải trọng lớn tấp nập qua lại khiến giao thông đi lại khó khăn.

Giữa tuyến đường còn có cây cầu bắc qua sông Thương, ranh giới nối hai huyện Lạng Giang và xã Đông Sơn, huyện Yên Thế cũng đã xuống cấp, mặt cầu lỗ chỗ bê-tông bong tróc, thậm chí đã có biển cảnh báo nhưng hằng ngày, nhiều xe tải chở gỗ vẫn bất chấp hiểm nguy lưu thông qua đây. Tiếp giáp cây cầu là đoạn đường nối chợ Đông Sơn, đường chằng chịt những hố sâu, rãnh lớn. Theo các hộ dân sinh sống ở đây, con đường này đã được đổ đá lại từ cuối năm 2019, nhưng đến nay, những “ổ voi” lại được “mở rộng” hơn.

Vừa qua, tỉnh lộ 265, tuyến đường huyết mạch nối huyện Lang Giang - Cầu Gồ - Yên Thế vừa được sửa chữa, nâng cấp các vị trí hư hỏng, việc đi lại đã đỡ khó khăn hơn. Nhưng nhiều tuyến đường trên địa bàn vẫn trong tình trạng báo động, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn vì đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tỉnh Bắc Giang hiện đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường đã được cứng hóa giúp người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, đối với các huyện miền núi nói chung và Yên Thế nói riêng, công tác đầu tư vào hạ tầng giao thông vẫn chậm và yếu chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội khu vực này.

Không chỉ người dân miền núi phải chịu hiểm nguy và thiệt thòi khi tham gia giao thông bởi đường sá xuống cấp mà đây còn là rào cản phát triển kinh tế - xã hội nơi đây. Thiết nghĩ, tỉnh Bắc Giang cần có những chính sách và nguồn vốn hiệu quả hơn nữa đầu tư cho phát triển giao thông ở các huyện miền núi, nơi đang có sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế rừng và kinh tế trang trại.

Con đường bị xe vận chuyển và khai thác than gây hư hại và ô nhiễm nghiêm trọng.

TUỆ LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43999902-nhieu-tuyen-duong-o-huyen-mien-nui-yen-the-xuong-cap-nghiem-trong.html