Nhiều vấn đề 'nóng' xoay quanh việc chuyển đổi số

Các chuyên gia đánh giá báo chí Việt Nam thích ứng nhanh với quá trình chuyển đổi số, trong đó có việc Báo Người Lao Động mạnh dạn áp dụng mô hình đọc báo có trả phí.

Chiều 11-7, hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông số và phục hồi của nền kinh tế" đã diễn ra sôi nổi tại TP HCM với sự có mặt của hơn 200 chuyên gia đầu ngành, giảng viên từ các trường ĐH, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Hội thảo do Trường ĐH Văn Hiến chủ trì với sự đồng tổ chức của Báo Người Lao Động, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Cape Breton - Canada, Trường ĐH Stamford - Thái Lan, hệ thống các trường ĐH thành viên Hiệp hội Giáo dục các trường ĐH tư thục Indonesia (Aptisi), Viện Kinh doanh quốc tế - Trường ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh và Trường Cao đẳng Seneca (Seneca College) – Canada.

Nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh những vấn đề "nóng"

Sau khi nghe trình bày tham luận, các chuyên gia trao đổi, thảo luận xoay quay 6 chuyên đề: truyền thông số trong khu vực công; truyền thông số trong sản xuất kinh doanh; truyền thông số trong giáo dục và đào tạo; truyền thông số với báo chí; nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; các vấn đề liên quan đến vai trò của truyền thông số với phục hồi nền kinh tế.

Phần thảo luận với những vấn đề “nóng” liên quan chuyển đổi số

PGS-TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ & dịch vụ Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trường đã triển khai nhiều nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ 4.0.

Theo PGS-TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, trong bối cảnh hội nhập và thời đại công nghệ số, khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng trong các mô hình tăng trưởng.

Trong phiên thảo luận, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP HCM, đưa ra dẫn chứng giáo dục Singapore đã tự tin áp dụng ứng dụng ChatGPT vào giảng dạy trong khi Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng đi.

Vấn đề được đặt ra là làm sao để học sinh, sinh viên khai thác tốt những lợi ích mà ứng dụng này mang lại, đồng thời không bị lệ thuộc, đạo nhái hay sao chép bài học từ những công cụ hỗ trợ này.

GS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP HCM, nói về ứng dụng ChatGPT trong học tập.

Chia sẻ về vấn đề áp dụng chuyển đổi số trong báo chí, ông Đặng Thanh Vũ, Giám đốc Điều hành Trường ĐH Văn Hiến, đánh giá cao bước chuyển mình mới của Báo Người Lao Động khi áp dụng đọc báo có trả phí. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phụ trách Văn phòng phía Nam - Bộ Khoa học & Công nghệ, cũng dành nhìn nhận báo chí Việt Nam ứng dụng chuyển đổi số nhanh.

Ông Đặng Thanh Vũ, Giám đốc Điều hành Trường ĐH Văn Hiến, đặt câu hỏi với Báo Người Lao Động

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho biết những bài viết thu phí phải đáp ứng nhu cầu thông tin khổng lồ cho bạn đọc, liên quan đến những vấn đề "nóng" của đất nước và thế giới. "Cách duy nhất để giữ chân bạn đọc trong kỳ chuyển đổi số chính là chất lượng thông tin. Với sự hỗ trợ và cố vấn các chuyên gia, các bài viết liên quan đến bất động sản, chứng khoán, kinh tế thế giới,… thu hút rất nhiều bạn đọc trả phí theo dõi"- ông Tô Đình Tuân nhấn mạnh.

TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động chia sẻ về ứng dụng chuyển đổi số trong báo chí

Kết thúc thảo luận, PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, tóm lược lại 6 chuyên đề: Truyền thông số trong khu vực công; truyền thông số trong sản xuất kinh doanh; truyền thông số trong giáo dục và đào tạo; truyền thông số với báo chí; nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; các vấn đề liên quan đến vai trò của truyền thông số với phục hồi nền kinh tế.

Các bài tham luận và những đóng góp của các chuyên gia sẽ được tổng hợp và biên tập lại thành bộ Kỷ yếu với giá trị khoa học – thực tiễn cao. Kỷ yếu này sẽ là cơ sở lý thuyết vững chắc phục vụ cho học tập, nghiên cứu về các vấn đề cấp thiết trong "Truyền thông số & phục hồi của nền kinh tế".

Tin: Huy Lân, Huế Xuân; Ảnh: Hoàng Triều; Video: Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-van-de-nong-xoay-quanh-viec-chuyen-doi-so-20230711201221768.htm