Nhiều 'vàng, bạc', giải thưởng mất thiêng?

Việc Ban tổ chức - Ban giám khảo 'Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017' trao Huy chương Vàng cho quá nửa số thí sinh tham gia cuộc thi dường như đã khiến cho giải thưởng mất đi sự thiêng liêng vốn có...

Sau 8 ngày tranh tài, “Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức đã kết thúc. Mặc dù đã có nhiều Huy chương Vàng - Bạc được trao, song dường như với sân khấu cải lương và Dân ca kịch nói riêng và sân khấu kịch hát truyền thống nói chung, vẫn canh cánh nỗi niềm "Tre già mà măng chưa mọc" hoặc mọc hết sức thưa thớt...

Ngoài ra, việc Ban tổ chức - Ban giám khảo trao Huy chương Vàng cho quá nửa số thí sinh tham gia cuộc thi dường như đã khiến cho giải thưởng mất đi sự thiêng liêng vốn có.

Nhiều tín hiệu vui

“Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017” thu hút sự tham gia của 20 đơn vị nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch trên toàn quốc, bao gồm: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An; Nhà hát Tây Đô; Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai; Đoàn Cải lương Hương Tràm; Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa; Đoàn Văn công Đồng Tháp; Đoàn Cải lương Thanh Hóa; Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Đoàn Cải lương Thái Bình; Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang; Nhà hát Cải lương Hà Nội; Đoàn Cải lương Hải Phòng; Nhà hát Cao Văn Lầu; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Thế giới trẻ; Nhà hát Thể nghiệm Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Có thể nói, sự kiện này đã thu hút được rất nhiều đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từng nức tiếng một thời của bộ môn nghệ thuật ca kịch cải lương và Dân ca kịch ở khu vực phía Nam và một số nhà hát khu vực phía Bắc tham gia.

NSND Vương Duy Biên (thứ tư từ phải sang)- Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trao Huy chương Vàng cho các thí sinh đoạt giải.

Tại lễ bế mạc, NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc thi đã đưa ra nhận định: “73 thí sinh của 16 đơn vị nghệ thuật Cải lương và 4 đơn vị nghệ thuật Dân ca kịch đã có cơ hội bộc lộ tài năng của mình qua những trích đoạn chọn lọc đặc sắc. Các thí sinh đã vui - buồn, yêu - ghét, căm giận - hoan ca trong mọi cung bậc cảm xúc với những nhân vật lựa chọn; các bạn đã dồn nhiều tâm huyết, công sức luyện rèn, đầu tư mọi mặt, lại được sự hướng dẫn tận tâm, sự hỗ trợ hết lòng của các thầy cô, anh chị, bạn bè đồng nghiệp nên đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ tại Cuộc thi lần này”.

Qua lời phát biểu đầy tính... chia sẻ này, có thể thấy đồng chí Thứ trưởng vốn là nhà quản lý trưởng thành từ một nghệ sĩ biểu diễn đã có những cảm thông sâu sắc đối với những diễn viên còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề này. Sự động viên, khích lệ của Ban tổ chức, Ban giám khảo, khán giả và những nhà quản lý đã cho thấy, dường như người ta cũng đang lường trước những nỗi khó khăn vất vả trên con đường lập nghiệp, lập danh với bộ môn cải lương của các thí sinh - các nghệ sĩ trẻ.

Có thể nói, thông qua “Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017” cũng đã phát lộ những tín hiệu đáng để hi vọng hơn cho những kỳ thi có tính định kỳ trước đó. Theo đánh giá của NSND Giang Mạnh Hà - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo khi có những đánh giá tổng kết về chất lượng của Cuộc thi năm nay thì: “Cuộc thi đợt này đã mang đến những yếu tố mới lạ, trẻ trung, hừng hực sức sống thanh xuân, nóng bỏng hơi thở của thời đại. 55 trích đoạn cải lương và 15 trích đoạn dân ca kịch với nhiều thể loại, hình thức thể hiện khác nhau: lịch sử, dã sử, dân gian, thần thoại, tâm lý xã hội đương đại, cả kịch nước ngoài đã Việt hóa, tạo nên những chiều kích, cung bậc đa sắc.

Cả cải lương và dân ca kịch đã xuất hiện những giọng ca vừa thánh thót, bay bổng, vút cao nhưng cũng rất ngọt ngào, lắng sâu, truyền cảm, dạt dào cảm xúc. Bên cạnh đó, dân ca kịch mặc dù chỉ dự thi 16 trích đoạn nhưng cũng đã xuất hiện một vài giọng ca rất hay, rất đạt và truyền cảm, mang âm hưởng đậm đặc, tiêu biểu của dải đất miền Trung...".

NSND Giang Mạnh Hà cũng đưa ra nhận định rằng, sự giao thoa, hòa phối giữa nghệ thuật cải lương và dân ca kịch trong cuộc thi này đã tạo thêm sắc thái mới, đa chiều cho khán giả. Những mảnh trò hay tạo nên thánh đường nghệ thuật muôn màu.

Tại cuộc thi này, có một số trích đoạn xứng tầm đứng chung với các trích đoạn tiêu biểu, mẫu mực của ông cha, làm giàu thêm cho di sản của nền nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, NSND Giang Mạnh Hà cũng chỉ ra một số hạn chế của cuộc thi, đó là tính không chuyên nghiệp trong đầu tư chuẩn bị tham dự cuộc thi như: không ít thí sinh hát chênh, phô dây đàn, ca rớt nhịp, ca non giọng, đuối hơi, ca vọng cổ lúc đổ hò bị hụt hơi; tiếng nói sân khấu (lời thoại) nghe không tròn vành rõ chữ, nói nhanh, nói vấp làm cho người nghe khó hiểu diễn viên đó nói gì; động tác vũ đạo chưa thuần thục, đường nét múa còn khô cứng, chọn trang phục chưa hợp lý...

Ngoài ra còn có khá nhiều diễn viên trẻ bị áp lực, tâm lý lo lắng, hồi hộp, căng thẳng, khiến cho vai diễn bị căng cứng, thiếu hồn vía...

Điều mà nhiều người vốn hay trông đợi ở các cuộc thi, đó là sự xuất hiện hoặc bừng sáng của các "ngôi sao mới". Nhưng đa số ý kiến chuyên môn đều cho rằng, cuộc thi lần này chưa thấy xuất hiện ngôi sao tài năng trẻ bừng sáng lấp lánh như kỳ vọng. Hầu hết các em đều "cân tài, cân sức", "một chín một mười…”. Thế nhưng, mặc dù không có sự xuất hiện của các ngôi sao sáng, nhưng kết quả chung cuộc, Ban tổ chức - Ban giám khảo cũng đã chọn ra nhiều gương mặt để "gửi vàng", "gửi bạc": với 15 Huy chương Vàng và 21 Huy chương Bạc!

Như đã nói từ đầu, “Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017” cũng giống như các cuộc thi tài năng sân khấu trẻ ở các bộ môn kịch hát truyền thống như Chèo và Tuồng (cũng được tổ chức vào tháng 8-2017 vừa qua), luôn nhận được cái nhìn đầy cảm thông, ưu ái của Ban tổ chức, Ban giám khảo cũng như các bạn nghề.

Tuy nhiên, trong một cuộc thi có 70 tiết mục tham gia mà có tới 36 Huy chương Vàng - Bạc thì là điều khiến nhiều người cảm thấy... ái ngại. Thực ra có thể thấy, khi đại diện Ban giám khảo đã đưa ra nhận định rằng: "chưa có ngôi sao mới nào bừng sáng lấp lánh", các thí sinh đều ở mức "cân tài, cân sức" (có nghĩa là... sêm sêm nhau), thì có thực sự cần thiết trao đến 36 Huy chương Vàng - Bạc?

Nếu thấy có quá nhiều thí sinh "sêm sêm" nhau thì nên chăng chỉ chọn một vài người xuất sắc nhất để trao "giải Vàng". Bởi lẽ, cái gì nhiều quá cũng sinh nhàm, hơn nữa đã là vàng là phải quý hiếm, khiến người nhận được phải có cảm giác thiêng liêng và người chưa nhận được phải có ý thức nỗ lực hết mức để chạm vào niềm hạnh phúc, niềm vui của người chiến thắng.

Danh sách các thí sinh đoạt Huy chương Vàng “Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc - 2017”:

1. Nguyễn Lệ Trinh (Đoàn Văn công Đồng Tháp): vai Võ Thị Sáu, trích đoạn "Người con gái Đất Đỏ".

2. Nguyễn Thị Diễm My (Đoàn Cải lương Cao Văn Lầu): vai Mỵ, trích đoạn "Ám ảnh".

3. Nguyễn Thanh Toàn (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang): vai Trần Thủ Độ, trích đoạn "Đời luận anh hùng".

4. Nguyễn Phương Phú (Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định): vai Chế Mân, trích đoạn "Huyền Trân Công chúa".

5. Nguyễn Thanh Phong (Đoàn Văn công Đồng Tháp), vai Người em, trích đoạn “Người đưa đò”.

6. Nguyễn Thị Chúc (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), vai Lý Chiêu Hoàng, trích đoạn “Độc thoại đêm”.

7. Nguyễn Ngọc Thanh (Đoàn Cải lương Thái Bình), vai Lão Đồ, trích đoạn “Bến nước Ngũ Bồ”.

8. Ninh Thị Như Quỳnh (Nhà hát Cải lương Việt Nam); vai Macbeth, trích đoạn "Tùy hứng Macbeth".

9. Nguyễn Thị Tú Quyên (Nhà hát Thế giới trẻ): vai Bà Tư Lành, trích đoạn "Người Cáo".

10. Trần Ngọc Nhã Thi (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang): vai Công chúa An Thu, trích đoạn "Đêm Hội Long Trì".

11. Nguyễn Hùng Vương (Đoàn Cải lương Hương Tràm): vai Lê Quyết, trích đoạn "Trời Nam".

12. Nông Thị Gấm (Nhà hát Cải lương Việt Nam): vai Điểm Bích, trích đoạn "Cung phi Điểm Bích".

13. Phạm Văn Linh (Nhà hát Cải lương Hà Nội): vai Lê Quyết, trích đoạn "Trời Nam".

14. Lê Vũ Anh Duy (Nhà hát Tây Đô Cần Thơ): vai Trần Thặng, trích đoạn "Kẻ sỹ Thăng Long".

15. Nguyễn Thị Thanh Tâm (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), vai Thị Thưởng, trích đoạn "Cờ nghĩa Giồng Sơn Quy".

Nguyệt Hà

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ca-si-dung-tu-truyen-de-to-bay-tinh-cu-466566/