Nhiều video trên YouTube Kids đang đầu độc con trẻ

Ứng dụng YouTube Kids ra đời từ năm 2015 và chính thức có mặt ở Việt Nam gần 2 năm. Đây là một ứng dụng nền tảng số dành riêng cho trẻ em hỗ trợ phụ huynh một số tính năng như quản lý giờ xem cùng các nguồn phát, nhưng cho đến nay vẫn được đánh giá là chưa an toàn.

Vẫn luôn xuất hiện nhiều video gắn mác dành cho gia đình, trẻ em, nhưng thực chất bên trong nội dung lại ẩn chứa những hình ảnh bạo lực, nhạy cảm, không phù hợp với trẻ nhỏ. Nhà cung cấp đang nỗ lực tìm kiếm thêm các giải pháp để bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung không lành mạnh, tuy nhiên cha mẹ vẫn cần bảo vệ con bằng cách quan tâm đến những gì con đang nghe, xem, nhất là trong thời gian nghỉ hè.

Vẫn bỏ lọt nhiều nội dung không lành mạnh

YouTube Kids là ứng dụng dành riêng cho trẻ em được Google phát triển trên cả nền tảng Android lẫn iOS. Ứng dụng này sẽ tự động lọc và loại bỏ các video có nội dung dành cho người lớn hoặc nhạy cảm; chỉ cho phép xem những video clip có nội dung dành cho trẻ em trên YouTube. Đây được xem như là một giải pháp để giúp trẻ em có thể tiếp cận YouTube một cách an toàn hơn, là nỗ lực của YouTube sau khi bị chỉ trích vì đã để quá nhiều video có nội dung không lành mạnh làm ảnh hưởng đến trẻ em.

Tuy nhiên trên thực tế, YouTube Kids vẫn không thể kiểm soát triệt để những nội dung xấu, không thực sự an toàn cho trẻ. Vẫn có rất nhiều video bạo lực qua mặt nhà kiểm duyệt, qua mặt cả phụ huynh để len lỏi vào đầu óc trẻ nhỏ. Nhiều nhà sản xuất nội dung khôn ngoan đã cài cắm những cảnh bạo lực nguy hiểm, hay những quảng cáo trá hình ở phần cuối của những video, khiến cho đội ngũ kiểm duyệt của YouTube Kids không dễ phát hiện ra nếu không xem hết tất cả các nội dung này.

Việc phát hiện ra các nội dung không lành mạnh chỉ được phát hiện bởi những phụ huynh kiên nhẫn ngồi xem video cùng với con. Ví dụ, gần đây hàng ngàn báo cáo về video phim hoạt hình chú heo Peppa nổi tiếng đã được cài cắm những hình ảnh máu me, bạo lực, thậm chí giết người gửi về YouTube Kids. Bộ lọc của YouTube Kids đã không thể nhận ra và loại bỏ những video "nhái" đăng tải lên, trong khi nhiều phụ huynh lại tin tưởng hoàn toàn vào kênh này, cho phép trẻ vô tư xem chương trình này.

Thời gian gần đây YouTube Kids phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ phía người sử dụng khi để lọt kiểm duyệt hàng loạt nội dung phản cảm khác. Đó là một số video về các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Elsa, Frozen, Spiderman, Dora, Barney...

Trong các video này có cài cắm một số nội dung liên quan đến tình dục, bạo lực, thậm chí ma túy và rượu. Không ít phụ huynh Việt đã gửi phản hồi về YouTube Kids cùng những hình ảnh chụp được từ các video mà con mình đang xem, được nền tảng này cung cấp.

Cha mẹ cần kiểm soát những nội dung video con trẻ xem hằng ngày.

Cha mẹ cần kiểm soát những nội dung video con trẻ xem hằng ngày.

Một phụ huynh có nick Tân Phạm chia sẻ trên diễn đàn dành cho cha mẹ, cho biết, đã xem được cả nội dung hướng dẫn tự tử trong một video về chủ đề thần tiên mà YouTube Kids duyệt phát trên nền tảng này.

Một phụ huynh khác chia sẻ câu chuyện: "Tôi đã đọc được thông tin về một video trên kênh The Winx Club hướng dẫn trẻ em cách để trở thành bà tiên lửa. Đầu tiên, những đứa trẻ sẽ bật lò nướng, bật bếp và để khí "ma thuật" tràn vào nhà và phải đảm bảo điều đó được làm vào ban đêm để không ai nghe thấy, nếu không "ma thuật" sẽ biến mất. Những hướng dẫn này là cực kỳ đáng sợ, nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Bạn thử tưởng tượng xem, nếu bạn đi vắng, con bạn ở nhà và làm theo các hướng dẫn từ video này thì hậu quả sẽ khôn lường mức nào. Tôi đọc trên báo nước ngoài, có một trẻ em đã bị bỏng nặng vì làm nổ bếp gas, sau khi làm theo các hướng dẫn như vậy".

Chị Lê Cẩm Vân, một phụ huynh ở quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: "YouTube Kids là nền tảng dành cho trẻ nhỏ, có nghĩa là tất cả những video clip phát trên kênh này phải có nội dung lành mạnh, không gây hại cho trẻ. Tôi đã bỏ nhiều thời gian để cùng xem các video với con, và tôi phát hiện ra có không ít những video cực kỳ vớ vẩn.

Chẳng hạn có những clip xây dựng bằng cách để diễn viên nhập vai các nhân vật hoạt hình trong những bộ trang phục nghèo nàn, xấu xí, thậm chí hở hang. Có những cảnh nhân vật hoạt hình hôn nhau, ôm ấp nhau rất thô thiển. Không chỉ vậy, có những video theo trào lưu vượt qua thử thách nguy hiểm rất đáng ngại. Chẳng hạn video "thử thách" sức chịu đựng của con người rất điên rồ như thử thách "24h làm heo".

Bạn có thể tìm trên Google theo từ khóa này sẽ được xem clip một bạn trẻ chui vào chuồng heo sống như một chú heo trong một ngày. Tôi không thấy clip có ý nghĩa giáo dục gì, mà còn độc hại với bọn trẻ nữa, nhưng không hiểu sao vẫn được YouTube Kids duyệt đưa lên".

Từ gợi ý của phụ huynh này, chúng tôi đã xem một loạt những clip chủ đề thử thách trên YouTube Kids thì đúng là thấy quan ngại thật. Thử thách 24h làm chó, thử thách 24h sống trong quan tài, thử thách bơi trên sông bằng túi nilon. Kinh dị hơn còn có cả thử thách uống dung dịch vệ sinh phụ nữ nữa... Thật sự vô cùng nguy hiểm khi trẻ em nghỉ hè ở nhà và tối ngày xem những clip như vậy, trong khi phụ huynh vẫn nghĩ là con mình an toàn.

Không hiếm ví dụ cho thấy, nhiều em nhỏ đã làm theo những thử thách trên các clip mình đã xem và tự gây nguy hiểm cho mình, thậm chí suýt mất mạng. Câu chuyện về con quái vật Momo đã được YouTube xóa trên nền tảng này là một ví dụ cho thấy mức độ độc hại của những trò chơi nguy hiểm này.

Một phụ huynh đã cung cấp những bức ảnh chụp các nội dung bạo lực từ các video cho trẻ em trên YouTube Kids.

Cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con

Lượng người xem trên một kênh YouTube rất quan trọng để đánh giá tầm ảnh hưởng của kênh. Việc sáng tạo nội dung để đăng tải trên YouTube thậm chí còn được nhiều bạn trẻ xem là công việc khởi nghiệp của mình. Bởi vì tiền bạc có thể thu về nhờ số lượng người truy cập đông đảo. Lợi nhuận đã khiến cho nhiều nhóm sản xuất nội dung làm tất cả, miễn sao thu hút được càng nhiều sự tò mò của người xem càng tốt.

Vì sao trẻ em là đối tượng béo bở mà các nhóm làm nội dung nhắm đến? Vì đây rõ ràng là đối tượng dành nhiều thời gian để xem video trên YouTube nhất, trong đó nhiều em có thói quen xem đi xem lại nhiều lần một đoạn clip...

Có nghĩa là các đoạn clip nếu làm trẻ em tò mò thì sẽ có khả năng tăng lượng xem rất nhanh chóng. Lượng xem lớn sẽ mang lại một khoản lợi nhuận không hề nhỏ cho các nhóm làm phim thông qua quảng cáo trên YouTube.

Chính sách nút vàng, nút bạc, nút kim cương của YouTube, đi kèm với đó là mức tiền trả cho chủ kênh khổng lồ đã khiến cho những người sáng tạo nội dung video nghĩa ra đủ mọi chiêu trò, mưu mẹo để dụ người xem.

Mặc dù YouTube có đưa ra một chính sách rất nghiêm ngặt về các nội dung video đăng tải lên trang web của mình, thường xuyên "càn quét" và xóa đi các đoạn video có nội dung vi phạm chính sách của trang web hoặc khi các video bị người dùng báo cáo là chứa nội dung vi phạm. Tuy nhiên sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định YouTube mới có thể xóa đi toàn bộ các đoạn video này.

Các phụ huynh cần nhớ rằng cho dù cải thiện đến đâu, bộ lọc nội dung trên YouTube cũng chỉ hoạt động như một cái máy. Hệ thống máy móc nào cũng ẩn chứa những lỗ hổng có thể bị con người lợi dụng.

Các thuật toán của YouTube Kids hoàn hảo đến đâu cũng khó mà lọc hết toàn bộ những video có nội dung không tốt cho trẻ nhỏ, nhất là khi nó được chủ động "cài cắm" vào giữa các clip. Cho nên sự xuất hiện của những video với nội dung vi phạm chính sách của YouTube là điều không thể tránh khỏi.

Trẻ em vẫn có thể tiếp cận và xem được các video chứa nội dung không phù hợp trước khi chúng bị xóa khỏi YouTube, điều này là vô cùng nguy hiểm cho phát triển thể chất, tinh thần của các em.

Ứng dụng YouTube Kids dành cho trẻ em, nhưng vẫn để lọt những nội dung không an toàn.

Kinh nghiệm cho thấy, cha mẹ không nên tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng công nghệ này, để con được tự do xem bất cứ những gì chúng tò mò. Cha mẹ cần phải giám sát các hoạt động của con trên YouTube nói riêng và trên mạng xã hội nói chung. Cần phải biết con mình đã tiếp xúc với những nội dung nào trên Internet để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Để làm được điều này, không gì khác là cha mẹ phải thường xuyên dành thời gian hơn cho con. Cố gắng giúp con khám phá trải nghiệm thực tế cuộc sống, hơn là nhìn ngắm thế giới thông qua màn hình smartphone, tivi hay các trò chơi công nghệ.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc dành quá nhiều thời gian trên smartphone và máy tính bảng là một yếu tố làm gia tăng các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ em, như tình trạng trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...

Phạm Minh Hà

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhieu-video-tren-youtube-kids-dang-dau-doc-con-tre-549739/