Nhiều việc cần làm để quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

Xu hướng phát triển tất yếu của thương mại điện tử đối với hàng hóa XK, NK đặt ra cho các cơ quan quản lý cần có các giải pháp phù hợp, để vừa phát huy được lợi thế vừa chống gian lận thương mại thông qua hoạt động này.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.Linh

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: N.Linh

Thiếu hiểu biết về chính sách mặt hàng

Theo Cục Hải quan Hà Nội, hiện việc đấu tranh đối với các hành vi gian lận trong thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn. Do hiện nay chưa có quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử. Việc thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường gây mất thời gian, chưa tận dụng được hết các tiện ích của thương mại điện tử trong công tác kiểm tra giá, mã HS, xuất xứ, kiểm tra chính sách mặt hàng…

Về trị giá tính thuế, người mua hàng thường mua vào thời điểm giảm giá hoặc mua nhiều sản phẩm được hưởng giá ưu đãi (thông tin được thể hiện đầy đủ trên trang web gồm giá gốc và giá đã giảm, giá ưu đãi khi mua nhiều sản phẩm…), ngoài tiền hàng theo giá website, người mua còn phải trả thêm một số loại phí khác như phí vận chuyển, phí dịch vụ mua hàng hộ… Hiện nay trong các văn bản quy định về trị giá hải quan chưa có quy định về trường hợp này cho nên cơ quan Hải quan vẫn thực hiện kiểm tra trị giá hải quan, xác định trị giá tính thuế theo quy định hiện hành như các lô hàng thông thường, gây khó khăn, thậm chí có trường hợp thiếu thông tin dẫn đến xác định trị giá tính thuế chưa đúng với trị giá thực thanh toán gây ảnh hưởng đến công tác thu thuế cho NSNN.

Trong khi đó, các chính sách về quản lý chuyên ngành cũng chưa có sự phân biệt giữa hoạt động thương mại điện tử và thương mại truyền thống. Hầu hết hàng hóa nhập khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử do các cá nhân trực tiếp thực hiện, rất nhiều trường hợp số lượng hàng mua ít, trị giá không cao (gồm nhiều mặt hàng phải xin giấy phép hoặc kiểm tra chuyên ngành như: Sách, truyện, sữa bột, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng điện tử…).

Theo Cục Hải quan Hà Nội, chưa có quy định trường hợp nào là cá nhân mua nhằm mục đích kinh doanh, trường hợp nào là cá nhân mua nhằm mục đích tiêu dùng cá nhân để áp dụng quản lý chuyên ngành cho phù hợp.

Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử rất đa dạng, phong phú, đối tượng mua hàng là cá nhân thường không hiểu biết về chính sách mặt hàng, đặt mua hàng mà không biết hàng hóa có bị cấm nhập khẩu tại Việt Nam không? Hàng hóa có chịu sự quản lý của kiểm tra chuyên ngành không? Thủ tục hải quan được thực hiện như thế nào?... Mặc dù hầu hết người mua ủy quyền cho doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp chuyển phát nhanh thực hiện toàn bộ thủ tục từ xin giấy phép, thực hiện kiểm tra chuyên ngành, thực hiện thủ tục hải quan nhưng do quá nhiều lô hàng nhỏ lẻ, trị giá thấp nên gặp khó khăn trong quá trình đi xin giấy phép, kiểm tra chuyên ngành.

“Việc áp dụng thủ tục như hàng thương mại thông thường đã gây tốn kém chi phí, kéo dài thời gian thông quan, thậm chí có những trường hợp phải từ chối nhận hàng trả lại cho người bán do hàng bị cấm nhập hoặc không xin được kiểm tra chuyên ngành… hoặc có trường hợp khai báo thành hàng hóa khác, khai giảm trị giá hàng vừa không phải kiểm tra chuyên ngành vừa trốn tránh thuế gây ảnh hưởng đến số thu NSNN”- Cục Hải quan Hà Nội cho biết.

Nguy cơ lợi dụng chia nhỏ lô hàng nhằm trốn thuế

Đây là vấn đề được nhiều chuyên gia chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử” do Báo Hải quan chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức tuần qua.

Ông Nguyễn Danh Nghĩa-Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội) cho biết, có nguy cơ người khai hải quan lạm dụng quy định về hàng trị giá nhỏ miễn thuế để chia nhỏ lô hàng, khai báo thấp trị giá nhằm trốn thuế và rất khó xác định được rõ việc lạm dụng hoặc vi phạm “trị giá tối thiểu”.

Bên cạnh đó, với trường hợp người khai hải quan là tổ chức, cá nhân không có mã số thuế, không thường xuyên làm thủ tục hải quan, việc phân tích đánh giá rủi ro gặp khó khăn do thiếu thông tin, không có hồ sơ của người mua/bán hàng. Người khai hải quan không thường xuyên làm thủ tục hải quan, không nắm được về phân loại hàng hóa, áp mã HS, xác định trị giá và các quy định về cấm XK/cấm NK, quản lý chuyên ngành. Trong khi đó, việc áp dụng tiêu chí phân luồng tờ khai trên hệ thống tự động phụ thuộc tương đối nhiều vào mã HS và mã văn bản quản lý do người khai hải quan khai báo.

Với hàng hóa do đại lý là doanh nghiệp chuyển phát nhanh làm thủ tục hải quan: Mặc dù trước khi làm thủ tục, doanh nghiệp chuyển phát nhanh đã kiểm tra, sàng lọc thông tin về hàng hóa (mô tả hàng hóa, trị giá, xuất xứ…) từ phía khách hàng, tuy nhiên thông tin chủ yếu là do phía người gửi hàng cung cấp khi làm việc với công ty chuyển phát nhanh, độ chính xác phụ thuộc vào mức độ trung thực của người gửi hàng không tránh khỏi việc lợi dụng để khai báo sai nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc gian lận trốn thuế.

Trước thực tế đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Hải quan trong công tác quản lý nhà nước về hải quan nói chung và đặc biệt là trong kiểm soát, chống thất thu thuế hàng hóa XNK qua giao dịch thương mại điện tử cũng như hỗ trợ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có hoạt động XNK hàng hóa thông qua thương mại điện tử, Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, cần nhanh chóng ban hành Nghị định, Thông tư quản lý về hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trong đó cần có quy định các nội dung liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế, chính sách quản lý mặt hàng, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia; Tập trung nghiên cứu, làm rõ các loại phí phải trả khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng thông qua giao dịch thương mại điện tử, quy định khoản phải cộng, khoản phải trừ… để làm cơ sở xác định trị giá tính thuế; Quy định hình thức thanh toán, việc thanh toán tiền hàng phải thực hiện qua ngân hàng để có cơ sở, kiểm tra, chấp nhận trị giá giao dịch qua thương mại điện tử.

Mặt khác, cần thiết phải xây dựng được Hệ thống phần mềm đảm bảo việc quản lý các giao dịch thương mại điện tử thời điểm giao dịch thương mại điện tử bắt đầu được hình thành. Như vậy, cơ quan Hải quan sẽ có thông tin sớm hơn để phục vụ trong hoạt động phân tích thông tin, đánh giá rủi ro trước khi hàng về Việt Nam, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm có thể xảy ra khi hàng về đến Việt Nam, đồng thời thông quan hàng hóa nhanh chóng. Thiết kế hệ thống có chức năng cho phép cơ quan hải quan kiểm tra thông tin đơn hàng, kiểm tra việc thanh toán trên các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng tại nước ngoài.

Về quy định miễn thuế đối với hàng hóa XNK qua giao dịch thương mại điện tử cần có quy định cụ thể riêng trong Luật Thuế XNK và các văn bản hướng dẫn thi hành tránh nguy cơ người khai hải quan lạm dụng quy định về hàng trị giá nhỏ miễn thuế để cố tình chia nhỏ thành nhiều đơn hàng trị giá thấp… nhằm trốn thuế.

Bên cạnh đó cơ quan Hải quan phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan, tăng cường thu thập, phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan nhằm phát hiện các các trường hợp khai sai số lượng hàng, khai sai tên hàng, khai sai về trị giá hải quan, sử dụng chứng từ tài liệu không hợp lệ để làm thủ tục hải quan… đảm bảo kiểm soát, chống thất thu thuế hàng hóa XNK qua giao dịch thương mại điện tử.

N.Linh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-viec-can-lam-de-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-111988.html