Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU (*): Nhiều vướng mắc cần được giải quyết

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 23-4 đã tổ chức Hội nghị Phổ biến một số quy định mới tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ

(sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP - quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định 38/2024/ NĐ-CP - quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản) đến các doanh nghiệp (DN). Hoạt động này nằm trong chương trình cam kết của VASEP về việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, thông tin các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tuân thủ quy định trong thu mua nguyên liệu (cả khai thác trong nước và nhập khẩu), chế biến xuất khẩu đi châu Âu (EU).

Đối với hải sản khai thác trong nước, khó khăn lớn hiện nay là tình trạng còn nhiều tàu cá thiếu chứng nhận an toàn thực phẩm. Việc này nhiều lô hàng mà DN thu mua thời gian qua không đủ điều kiện được tiếp nhận - thẩm định và cấp giấy H/C (Health Certificate) xuất khẩu vào EU.

"Đầu tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Hy vọng các địa phương triển khai thực hiện kịp thời để tháo gỡ bớt khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho DN" - đại diện VASEP bày tỏ.

Các DN cũng phản ánh về việc thời gian cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của cảng cá bị kéo dài, có trường hợp lên đến 2-3 tháng, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất - kinh doanh. "Bộ NN-PTNT cần xem xét thay đổi quy định theo hướng cấp giấy S/C ngay khi chủ hàng hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu, có sự giám sát của nhân viên cảng cá về chủng loại, khối lượng... Đây là điều mấu chốt để giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU" - đại diện VASEP kiến nghị.

Đối với nguyên liệu nhập khẩu, một số nước đã có thỏa thuận riêng với EU về vấn đề kiểm soát thủy sản, như New Zealand hay Mỹ, nay cũng bị ách tắc do một số quy định mới. "Cơ quan thẩm quyền cần xem xét chấp nhận mẫu H/C của các quốc gia có thỏa thuận với EU để tạo thuận lợi cho DN" - VASEP đề xuất.

Một nỗi lo của cộng đồng DN hải sản là Nghị định 37/2024/NĐ-CP yêu cầu DN thủy sản không trộn lẫn nguyên liệu nhập khẩu với nguyên liệu có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Trong đó, khái niệm "trộn lẫn" không được định nghĩa khiến DN đối mặt với vi phạm hành chính dù không gian lận.

Đại diện Công ty CP Thủy sản Bình Định cho biết có sản xuất mặt hàng xiên que xuất khẩu sang EU với 3 nguyên liệu chính là: cá ngừ, cá kiếm, cá dũa nhập khẩu và khai thác trong nước. "Cả 2 nguồn nguyên liệu đều là hàng hợp pháp, đáp ứng tiêu chuẩn EU, vậy có bị xem là hành vi trộn lẫn?" - đại diện DN này băn khoăn.

Do đó, các DN kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi khái niệm trên để phù hợp với mục tiêu kiểm soát gian lận, tránh việc áp dụng tùy tiện khi thực thi.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nhận xét nhiều quy định để chống IUU còn nặng về mặt giấy tờ, hành chính và không cần thiết. "Cần có hệ thống quản lý số hóa để DN chỉ cần nhập dữ liệu một lần, không phải khai báo giấy và định kỳ báo cáo lại" - lãnh đạo VASEP đề xuất.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-4

Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-vuong-mac-can-duoc-giai-quyet-196240423212246544.htm