Nhiều ý kiến đa chiều đóng góp cho dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) được Quốc xem xét, thảo luận vào chiều 6/11. Có gần 20 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, đóng góp ý kiến đối với dự án Luật này. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã phát biểu giải trình và làm rõ một số những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, cơ bản đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo đã được nghiêm túc chỉnh lý, hoàn thiện, tiếp thu nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Qua đó, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy lực lượng Công an nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tán thành với quy định của dự thảo luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân. Các quy định này có sự kế thừa các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an để đảm bảo thống nhất, đồng bộ không trùng lặp với lực lượng khác.

Về tổ chức của Công an nhân dân chính quy, Công an xã, thị trấn, các đại biểu cơ bản tán thành quy định bốn cấp trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, tán thành điều khoản chuyển tiếp để xử lý có lộ trình việc chính quy Công an xã, thị trấn. Thực tế, việc đưa công an chính quy về bố trí tại Công an xã, thị trấn đã được thực hiện, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đề nghị phải quan tâm, làm rõ thêm việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị nhưng cần có bước đi, sự chuẩn bị phù hợp, bảo đảm tính khả thi. Luật chỉ quy định một khoản về Công an xã, do đó cần rà soát, bổ sung các quy định về Công an xã trong luật để làm cơ sở cho Chính phủ triển khai chủ trương này.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ cơ chế tổ chức, cách thức chính quy hóa Công an xã, mối quan hệ giữa cơ quan chính quy với lực lượng bán chuyên trách, ý kiến khác đề nghị không bố trí công an chính quy tại các xã biên giới, ven biển, đã có lực lượng biên phòng đảm nhiệm. Một số ý kiến muốn làm rõ có phải thành lập đồn, trạm ở các địa bàn khi đã chính quy Công an xã, vấn đề này cần phân tích làm rõ.

Về các quy định liên quan đến cấp bậc hàm đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân, các ý kiến cơ bản tán thành quyết định về phân loại hệ thống cấp bậc hàm được phong thăng, điều động, biệt phái sĩ quan công an nhân dân. Đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ hơn, nhất là phải chặt chẽ trong tiêu chí, căn cứ để xét phong thăng quân hàm, đề nghị cân đối quân hàm giữa quân đội và công an ở cấp phân đội cơ sở.

Liên quan đến quy định về trần phân hàm cấp tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nhiều ý kiến quan tâm phát biểu về nội dung này và cho thấy nhiều quan điểm khác nhau. Luật Công an nhân dân hiện hành quy định cụ thể ngay trong luật các vị trí có quân hàm cấp tướng, về nguyên tắc thì luật càng quy định cụ thể thì càng dễ thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ cấu tổ chức của Bộ Công an hiện nay, vừa có sự thay đổi tổng thể thì cũng cần cân nhắc để phù hợp với thực tế, đảm bảo tính linh hoạt gắn với lộ trình linh hoạt để tổ chức thực hiện như nêu trong báo cáo giải trình tiếp thu.

Một số ý kiến tán thành với các tiêu chí để xác định vị trí có quân hàm trung tướng và giám đốc công an một số tỉnh, thành phố, đơn vị hành chính loại I với số lượng như trong dự thảo luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ các tiêu chí được nêu lên trong Điều 25 để bảo đảm chặt chẽ, rà soát đối với một số vị trí của giám đốc các học viện, trường học, bệnh viện thuộc Bộ Công an, làm rõ tính hợp lí của việc xác định giám đốc các tỉnh, thành phố là đơn vị hành chính loại I là thiếu tướng khi so sánh với các địa phương khác. Đề nghị lấy tiêu chí địa phương phức tạp về an ninh trật tự để bố trí.

Một số kiến khác lại đề nghị quy định trần thiếu tướng cho giám đốc công an tỉnh, thành phố và sửa Luật Sĩ quan quân đội để đảm bảo tương ứng giữa hai lực lượng. Có ý kiến đề nghị quay lại với Luật năm 2008, lấy tiêu chí đơn vị, địa bàn quan trọng, trọng yếu để xác định quân hàm cấp tướng.

Bên cạnh đó, về nội dung này cũng cần phải cân nhắc để làm rõ bởi theo quy định của Hiến pháp chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quy định về hàm cấp trong lực lượng vũ trang. Luật năm 2014 chỉ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định quân hàm cấp tướng cho đơn vị thành lập mới. Hơn nữa nếu luật chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí mà giao cho cơ quan khác quy định cụ thể là ngược lại với nguyên tắc, vị trí cấp tướng phải quy định ngay trong luật. Nguyên tắc thống nhất cấp bậc hàm của quân đội và công an ở địa phương đã áp dụng cho cả Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân hiện hành. Nếu thay đổi có thể phải sửa Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam để đảm bảo tương ứng.

Cũng có ý kiến đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể các vị trí quân hàm cấp tướng. Những nội dung này cần phải tiếp tục được xem xét, nghiên cứu thêm. Về số lượng, mặc dù dự thảo luật đã quy định không vượt quá số lượng tối đa, tuy nhiên có ý kiến cho rằng số lượng như vậy vẫn là nhiều. Ý kiến khác đề nghị bố trí số lượng cấp tướng của sĩ quan biệt phái trong tổng số được dự thảo luật quy định. Đề nghị quy định số lượng thiếu tướng cấp phó của cấp trung tướng trong luật để đảm bảo chặt chẽ, cân đối, hợp lý.

Về chế độ chính sách đối với công an nhân dân, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, đảm bảo chặt chẽ, cụ thể, khả thi và phải đảm bảo nguồn lực, cân đối với các lực lượng khác, thống nhất trong hệ thống. Những vấn đề về lương, tuổi nghỉ hưu cũng cần phải cân nhắc để tính đến đặc thù nhưng phải phù hợp với hệ thống pháp luật, các chủ trương về cải cách tiền lương lao động, bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang. Cần làm rõ hơn các quy định về ngân sách, đất đai, việc huy động các nguồn lực khác cho lực lượng công an.

Ngoài các nội dung nêu trên, nhiều ý kiến đã góp ý vào các vấn đề cụ thể của luật như về nguyên tắc tổ chức hoạt động, về tuyển chọn vào công an nhân dân, về hệ thống cấp bậc hàm, phân loại, điều động, luân chuyển sĩ quan, hạn tuổi phục vụ, về việc kéo dài tuổi phục vụ, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

“Các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký ghi âm, ghi chép, tổng hợp đầy đủ. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này theo quy trình”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/nhieu-y-kien-da-chieu-dong-gop-cho-du-an-luat-cong-an-nhan-dan-sua-doi/351393.vgp