Nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra

Các đại biểu góp ý về vấn đề xử lý chồng chéo và trùng lắp trong hoạt động thanh tra và đề xuất cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo đối với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chiều 28-9, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM chủ trì hội thảo góp ý cho dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Hội thảo góp ý chiều 28-9. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Hội thảo góp ý chiều 28-9. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo

Tại hội thảo, bà Lê Thị Diệu Tuyến – Phó Chánh thanh tra quận 1, TP.HCM góp ý, đối với thanh tra cấp huyện, dự thảo quy định thời hạn thanh tra là 30 ngày; có thể gia hạn thêm nhưng không quá 15 ngày là chưa phù hợp với thực tiễn.

Bà Lê Thị Diệu Tuyến – Phó Chánh thanh tra quận 1 cho rằng cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo trong Luật Thanh tra sửa đổi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo bà Tuyến, có những cuộc thanh tra phát sinh từ những đơn tố cáo. Thời gian giải quyết tố cáo đối với những vụ bình thường là không quá 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp là 60 ngày, đặc biệt phức tạp là 90 ngày.

Đối với những vụ việc tố cáo phức tạp và đặc biệt phức tạp, khi đoàn giải quyết tố cáo để đảm bảo việc đánh giá chung về công tác quản lí liên quan đến lĩnh vực bị tố cáo thì thông thường sẽ lập thành đoàn thanh tra.

Tuy nhiên, khi lập đoàn thanh tra để giải quyết đơn tố cáo phức tạp hoặc đặc biệt phức tạp thì nội dung đoàn đi để xác minh, thu thập tài liệu có liên quan chỉ được giới hạn là 30 ngày. Hiện nay, luật quy định không được gia hạn thêm đối với cấp quận, huyện; còn dự thảo luật hiện giờ thì được gia hạn 1 lần không quá 15 ngày.

“Nhưng tổng thời gian 45 ngày thì vẫn không đủ và không hợp lý so với một vụ việc tố cáo được thực hiện theo quy định luật tố cáo 2018. Điều này dẫn đến thực tế khi đoàn đi thanh tra gặp rất nhiều khó khăn, không đủ thời gian để đoàn xác minh, kết luận”- bà Tuyến nói.

Phó Chánh thanh tra quận 1 cũng cho rằng, cần nghiên cứu để bảo vệ người tố cáo khi thực hiện Luật thanh tra. Ở quận 1, từng xảy ra trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trù dập khi tố cáo những nội dung phức tạp, đặc biệt phức tạp.

Theo bà Tuyến, hiện nay đoàn thanh tra chỉ đi theo quy định pháp luật liên quan đến thanh tra, còn việc tố cáo sẽ liên quan đến vấn đề luật tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan. “Với Luật thanh tra, từ trước đến nay không có quy định nào liên quan đến việc bảo vệ người cung cấp thông tin tài liệu về cho tòa án”- bà Tuyến cho hay.

Bà Tuyến chia sẻ, khi đi thanh tra cũng nhận thấy có những người khi cung cấp thông tin tài liệu bị trù dập, xử lý bằng nhiều hình thức như thuyên chuyển công tác, chuyển bộ phận không thuộc chuyên môn nghiệp vụ… nhưng dù biết thông tin đó không làm gì được vì người đứng đầu cơ quan có quyền quản lý và điều chuyển cán bộ.

Theo bà Tuyến, Luật tố cáo có quy định bảo vệ người tố cáo, vị trí công việc của họ nhưng chỉ khi làm theo quy trình giải quyết tố cáo mới được áp dụng hình thức bảo vệ này.

Sở nào cũng phải có thanh tra

Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó ban Nghiên cứu và Đào tạo Hội Luật gia TP.HCM nêu thắc mắc ở điều 26, dự thảo quy định về thanh tra sở.

Theo đó, điểm c khoản 2, tại một số sở do ủy ban cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao, điều này là không thống nhất. Khoản 3 là ở những nơi không có cơ quan thanh tra thì giám đốc sở quyết định.

Bà Ung Thị Xuân Hương góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Hương cho rằng, thanh tra là công tác quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Thanh tra sở có hai chức năng, nhiệm vụ là thanh tra hành chính đối với nội bộ và thanh tra chuyên ngành.

Theo bà, thanh tra chuyên ngành rất quan trọng; nếu như sở nào không có thanh tra và giám đốc sở giao cho đơn vị quản lý thì hạn chế đi chức năng quản lý. Bởi, thanh tra sở có chức năng xử phạt vi phạm hành chính còn giám đốc sở thì không.

“Nếu sở không có thanh tra thì ai sẽ thực hiện chức năng xử phạt?”- bà Hương đặt vấn đề.

Bà Hương cho rằng điểm này chưa hợp lý, phải nghiên cứu lại theo hướng để thanh tra là cơ cấu cứng trong tổ chức bộ máy của bất cứ sở nào. Theo quan điểm của bà, sở nào cũng phải có thanh tra.

Về thanh tra huyện, mục 6 chương 2 dự thảo, trong góp ý của huyện và dự thảo hiện hành đều tổ chức thanh tra huyện. Nhưng trong tờ trình, đa số ý kiến lại tán thành việc để thanh tra huyện như hiện nay; một số ý kiến đề nghị bỏ thanh tra huyện vì một số huyện ở xa ít biên chế, không có lực lượng.

Bà Hương nêu quan điểm giữ nguyên cấp hành chính huyện, cấp huyện đều có thanh tra, và chức năng của thanh tra rất nhiều nên phải giữ. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có nghị định, quy định tạo điều kiện tốt nhất để thanh tra huyện hoạt động có hiệu quả, phải tăng cường giải pháp về con người, vật chất.

Cần phân định rõ thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính

Góp ý tại đây, bà Nguyễn Hoàng Kiên Trúc – Phó Chánh văn phòng Thanh tra TP.HCM chia sẻ, hiện có nhiều bất cập trong hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Bà Nguyễn Hoàng Kiên Trúc, Phó Chánh văn phòng Thanh tra TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cụ thể, trong dự thảo luật chưa làm rõ nét, chưa phân định được trách nhiệm quyền hạn, quá trình hoạt động của thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra tỉnh, sở, ngành quận huyện và Thanh tra TP có băn khoăn là việc thanh tra TP phải tổng hợp kế hoạch thanh tra trình cho UBND TP rồi ban hành kế hoạch chung, sau đó phải theo dõi và đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch này.

“Điều này rất khó khăn và nặng nề, bất cập lớn nhất là việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra là hoạt động thực tế nhưng chưa có quy định trong dự thảo luật. Khi sở, ngành điều chỉnh kế hoạch thanh tra phải thông qua thanh tra TP rồi trình ngược lại lên chủ tịch UBND TP, sẽ gây áp lực cho chủ tịch và làm mất thời gian cho các sở ngành khi triển khai thực hiện”- bà Trúc nói.

Từ đó, bà đề nghị nên giữ nguyên như cũ, kế hoạch thanh tra sẽ do giám đốc sở phê duyệt, ban hành, cấp huyện sẽ do huyện ban hành. Thanh tra TP chỉ nỗ lực trong việc xử lý những gì chồng chéo.

Bà Trúc cũng nêu thực tế tại TP.HCM, hiện có ít nhất là ba đơn vị quận, huyện trong suốt thời kì từ khi có luật thanh tra ban hành năm 2010 đến nay, Chánh thanh tra chưa bao giờ ban hành quyết định thanh tra và kí kết luận thanh tra.

“Như vậy, việc giao trách nhiệm về cho các thanh tra quận, huyện thì các anh chị có làm được hay không. Theo tôi, nên cân nhắc và suy nghĩ để góp ý lại quy định này”- bà Trúc đặt vấn đề.

Phân tích thêm, bà Trúc cho rằng UBND quận, huyện khi ban hành quyết định thanh tra vẫn có tầm ảnh hưởng, tác động đối với các đối tượng khác, nhất là đối với UBND cấp phường, xã. Cạnh đó, khi chủ tịch UBND quận, huyện ban hành kết luận thanh tra thì tác động việc chỉ đạo, thực hiện, xử lý kết luận thanh tra cũng có hiệu quả hơn.

Về vấn đề xử lý chồng chéo và trùng lắp trong hoạt động thanh tra, bà Trúc nói một trong những nguyên tắc hoạt động thanh tra là đảm bảo bốn yếu tố: không trùng lắp về phạm vi, nội dung, đối tượng và thời gian thanh tra.

Nhưng khoản 1, điều 53 chỉ nêu khi tiến hành mà phát hiện trùng lắp chồng chéo thì phối hợp với kiểm toán xử lý theo quy định, đảm bảo mỗi thời điểm chỉ có một cơ quan thực hiện. Nếu như vậy, chỉ mới giải quyết được 1 yếu tố trong 4 yếu tố trong hoạt động thanh tra.

Phó Chánh văn phòng Thanh tra TP.HCM cho hay, trong năm 2029, 2020 đã phát sinh trường hợp đoàn thanh tra chính phủ trùng đối tượng và nội dung với thanh tra sở. Vì vậy, cần quy định rõ nguyên tắc là ưu tiên cho cơ quan nào đã mở đoàn thanh tra trước.

Phát biểu kết luận hội thảo góp ý, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, Luật thanh tra nếu được sửa, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn sẽ giúp cho các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình so với hiện tại.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM ghi nhận các ý kiến của đại biểu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Tuyết cho hay, phía đoàn ĐBQH cũng nhận thấy có một số vấn đề nổi lên về quy định công tác tiếp công dân, nâng cao chất lượng xử lý đơn. Nếu công tác này giao cho thanh tra làm luôn sẽ thuận lợi và đỡ mất thời gian xử lý.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu. Đây là những ý kiến xác đáng từ thực tiễn các quận, huyện tại TP.HCM, góp phần hình thành bộ luật sát hơn với đời sống.

BẢO PHƯƠNG- THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-y-kien-gop-y-cho-du-thao-luat-thanh-tra-post700728.html