Nhiều ý kiến xung quanh các dự án ven sông Hàn

Trước những thông tin trái chiều về sự tác động của các dự án ven sông Hàn, ngày 7/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến về Dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex).

Các đại biểu phát biểu ý kiến phản biện. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đây là dự án thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, người dân và dư luận thời gian qua. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát, báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của thành phố; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực thủy lợi, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, môi trường…

Ý kiến từ phía các nhà khoa học

Tại hội nghị, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình lũ tại Đà Nẵng trước và sau khi có dự án Marina Complex, các chuyên gia về thủy lợi đều có chung nhận định, việc triển khai dự án Marina Complex không ảnh hưởng lớn đến dòng chảy sông Hàn.

PGS.TS Lê Song Giang, Trường đại học Bách khoa TPHCM cho biết, kết quả tính toán mô phỏng dựa trên các trận lũ lịch sử không cho thấy một thay đổi rõ rệt của dòng chảy trên sông. Thay đổi bất lợi đáng kể nhất chính là vận tốc tại đầu đê, gia tăng khoảng 13-14 cm/giây. Có một số khu vực khác cũng gia tăng vận tốc, nhưng chỉ khoảng 10-20 cm/giây, không có ý nghĩa.

TS Lê Hùng, Trường đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng cũng cho biết, qua kết quả mô phỏng cho một trận lũ năm 2009 có thể thấy, mức độ ngập lụt từ khu vực kè ra chỗ cầu Thuận Phước giảm, tuy nhiên phía thượng nguồn gia tăng từ 0-0,05 m, mức độ ảnh hưởng của công trình đến khu vực xung quanh là không lớn.

Tuy nhiên, trong công tác phòng chống lụt bão và quy hoạch đô thị, thành phố cần nghiên cứu, quan tâm ở thượng nguồn sông Cẩm Lệ. Đoạn sông Cu Đê cần xem xét đến vấn đề ngập lũ, thoát lũ tại khu vực. Đồng thời cần đánh giá tổng thể chi tiết các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề ngập lụt vùng hạ lưu Vu Gia - Thu Bồn.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, phát triển phải chấp nhận đánh đổi. Thành ủy Đà Nẵng phải có câu trả lời về sự đánh đổi này. Phải có luận cứ khoa học, cái nhìn tổng thể, chứ không cảm tính.

“Chính quyền cần có thái độ nghiêm túc. Doanh nghiệp là lực lượng thúc đẩy cho sự phát triển. Chính quyền Đà Nẵng cần phải có ứng xử sớm. Đề nghị chính quyền phải nhìn nhà đầu tư như một cơ hội để phát triển, xử lý làm sao trên tinh thần để giữ được môi trường đầu tư, còn vấn đề khác thì phải xử lý trên căn cứ khoa học để có kết luận và công khai”, ông Thiên kiến nghị.

Một góc dự án Marina Complex. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ý kiến từ các hội, đoàn thể

Mặc dù các nhà khoa học có ý kiến như trên, nhưng đại diện các hội, đoàn thể Đà Nẵng và các kiến trúc sư thì lại cho rằng, dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và có ảnh hưởng đến địa chất tại đây. Hậu quả này có thể không thấy được ngay, nên cần phải xem xét thận trọng để tránh thiệt hại về lâu về dài.

Theo KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội quy hoạch-Phát triển đô thị TP Đà Nẵng, sông Hàn là con sông chưa bao giờ ngập lụt. Phía cửa sông ban đầu chỉ rộng 700 m, qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500 m thì không thể nói là không bị tác động.

Khi dòng chảy bị thu hẹp, vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lở, ngập úng cục bộ 2 bờ sông. Cho nên cần phải giám định lại các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án ven sông, có nghiên cứu tổng thể trong một lưu vực lớn lồng ghép với những yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu và nước biển dâng để trả lời một cách khách quan về tác động của dòng chảy, thoát lũ của sông Hàn cho người dân được biết.

Ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Đà Nẵng nhấn mạnh, dự án Marina Complex là dự án thứ 5 xây dựng ven sông Hàn. Đây không phải lần đầu có dự án lấn sông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc lấn sông Đồng Nai hay các sông ở ĐBSCL là những bài học về hậu quả của việc lấn sông.
Tìm phương án phù hợp nhất

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Dự án Marina Complex và dự án Olalani có trong quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt năm 2013, được Đà Nẵng cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và bán đảo Sơn Trà, do thành phố phê duyệt năm 2017.

Dự án đã hoàn thành đánh giá các tác động môi trường, các quy hoạch chi tiết. Ranh giới phần lấn sông của dự án được xác định trên cơ sở tuyến kè Mân Quang nối tiếp tuyến kè Bạch Đằng Đông, là dự án được thực hiện theo chương trình phòng chống biến đổi khí hậu, chống sạt lở toàn bộ khư vực bờ sông phía Đông sông Hàn.

Dự án cũng đã được sự thống nhất của các sở, ban, ngành và Bộ NN& PTNT nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở khu đô thị Mân Quang và Nại Hiên Đông.

Trước kiến nghị của người dân, các nhà khoa học và dư luận, Đà Nẵng đã tạm dừng dự án để rà soát, mục đích tìm kiếm giải pháp quy hoạch không gian đáp ứng được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

“Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, thành phố sẽ trao đổi với nhà đầu tư phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, tăng cường diện tích không gian công viên cây xanh, cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng nhất có thể. Bổ sung các công trình công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách”, ông Đặng Việt Dũng cho biết./.

Lưu Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/nhieu-y-kien-xung-quanh-cac-du-an-ven-song-han/365356.vgp