Nhiều yếu tố bất ổn khiến chứng khoán và giá dầu thế giới chao đảo

Các chỉ số chứng khoán và giá dầu thế giới đã giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế u ám, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và diễn biến xung quanh kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Chỉ số Nikkei 225 giao dịch giảm 0,94% xuống mức 20.952,10 đầu phiên giao dịch. Ảnh minh họa: TTXVN

Chỉ số Nikkei 225 giao dịch giảm 0,94% xuống mức 20.952,10 đầu phiên giao dịch. Ảnh minh họa: TTXVN

Các chỉ số chứng khoán và giá dầu thế giới đã giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh tế u ám, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và diễn biến xung quanh kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) cùng lúc ập đến gây hoang mang cho các nhà đầu tư.

Tại phiên mở cửa sáng 24/5, chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) MSCI dao động gần mức thấp nhất trong 4 tháng, giảm 0,9%.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giao dịch giảm 0,94% xuống mức 20.952,10 đầu phiên giao dịch, trong khi chỉ số Topix giảm 0,86% xuống còn 1.527,32 điểm. Tại Thượng Hải (Trung Quốc), chỉ số Shanghai Composite giảm 0,16%.

Trên sàn giao dịch New York, chỉ số chứng khoán cũng tiếp nối đà giảm điểm. Chốt phiên giao dịch ngày 23/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,1% xuống còn 25.490,20, mức thấp nhất trong 10 ngày qua.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,2% xuống còn 2.822,29 điểm trong khi chỉ số ngành công nghệ Nasdaq mất 1,6%, đứng ở mức 7.628,28.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 trên thị trường chứng khoán Anh mất 1,4% xuống mức 7.231,04 điểm. Tương tự, các chỉ số Frankfurt (Đức) và Paris (Pháp) cũng lần lượt giảm 1,8%.

Giới phân tích cho biết những rủi ro kinh tế tăng cao do nhiều sự kiện xảy ra cùng lúc, nhất là mối lo ngại về cuộc chiến công nghệ hoặc thậm chí chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang hiện hữu khiến dư luận thế giới chú ý hơn cả.

Ngày 23/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đã lên án Mỹ gây sức ép với tập đoàn Huawei sau khi một loạt các công ty nước ngoài đang xem xét lại mối quan hệ làm ăn của họ với “người khổng lồ” ngành viễn thông Trung Quốc do lệnh cấm của Washington hồi tuần trước.

Bắc Kinh cũng nhấn mạnh Washington phải thể hiện "sự chân thành" để các cuộc đàm phán thương mại được nối lại sau những động thái của Tổng thống Donald Trump khiến căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục nóng lên.

Ngoài ra, diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới cũng bị tác động đáng kể khi cuộc bỏ phiếu bầu nghị viện châu Âu đã chính thức bắt đầu với sự trỗi dậy của phe chủ nghĩa dân túy đe dọa đến sự hội nhập của châu lục.

Bên cạnh đó, những thông tin khác phần nào chi phối tâm lý nhà đầu tư như chỉ số kinh tế yếu kém tại châu Âu, nước Anh hoãn tổ chức cuộc bỏ phiếu quan trọng tại quốc hội liên quan tới tiến trình Brexit.

* Giá dầu thế giới giảm mạnh khoảng 5% trong phiên giao dịch 23/5 giữa bối cảnh căng thẳng thương mại hạ triển vọng về nhu cầu đối với mặt hàng này. Giá “vàng đen” đang hướng đến đợt giảm lớn nhất theo ngày và theo tuần trong 6 tháng.

Khép phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 5,7% xuống 57,91 USD/thùng sau khi có lúc chạm mức 57,33 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ phiên 13/3. Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn phiên này lùi 4,6% xuống 67,76 USD/thùng.

* Trong phiên giao dịch ngày 23/5, giá vàng thế giới tăng 1%, giữa bối cảnh đồng USD rời mức đỉnh của hai năm trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi xuống do quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.284,78 USD/ounce. Trong phiên này giá vàng giao ngay có lúc tăng 1,1% lên 1.287,23 USD/ounce, mức đỉnh của một tuần. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 6 tăng 0,9% và đóng phiên ở mức 1.285,40 USD/ounce. Nhà phân tích Suki Cooper thuộc Standard Chartered Bank nhận định sự đảo chiều của đồng USD là nhân tố hỗ trợ giá vàng.

Phiên này, chỉ số đồng USD vào đầu phiên vọt lên 98,371, mức cao nhất kể từ tháng 5/2017, song lại rơi vào vùng âm sau khi số liệu cho thấy hoạt động chế tạo trong tháng 5 chạm mức thấp nhất trong một thập niên.

Các nhà giao dịch cho biết đồng USD đã giảm 0,2% so với các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác./.

Nguyễn Hằng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhieu-yeu-to-bat-on-khien-chung-khoan-va-gia-dau-the-gioi-chao-dao/123277.html