Nhiều yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng Việt Nam

Mặc dù kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến khá tích cực, nhưng hiện vẫn còn nhiều yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong năm 2019.

Nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với nhiều chuyển biến tích cực trong sản xuất kinh doanh cũng như ổn định kinh tế vĩ mô trong 11 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tháng còn lại sẽ được tiếp đà tăng trưởng khả quan.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia cho biết, bước sang năm 2019, với mục tiêu tổng quát là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Mặt khác, tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2018, nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ những động lực của nền kinh tế.

Dẫn chứng về vấn đề này, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia cho biết, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại quan trọng đã được ký kết thời gian qua và chuẩn bị có hiệu lực.

Ảnh minh họa

“Với 16 hiệp định FTA đã và đang được đàm phán kí kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng Việt Nam. Thực tế cho thấy, các hiệp định tự do thương mại được kí kết đã tạo nhiều ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần gia tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam và mở cửa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam”, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia nhận định.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, cùng với những nỗ lực của chính phủ trong việc kí kết ngày càng nhiều hiệp định tự do thương mại FTA, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất – nhập khẩu.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đặc biệt là cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, sự thay đổi về thủ tục hành chính.

Vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia, bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng.

Thứ nhất, về dài hạn, nền kinh tế vẫn thiếu hụt các động lực tăng trưởng chính trong khi áp lực lạm phát tăng lên, hạn chế dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ hai, chiến tranh thương mại cùng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng. Nhằm đảm bảo sự tăng trưởng của thị trường nội địa, nhiều quốc gia đang ngày càng có xu hướng bảo hộ thương mại và áp đặt nhiều hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói riêng và hoạt động sản xuất nói chung.

Thứ ba, giá các tài sản tài chính thế giới đã tăng quá cao (cao hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính 2008 - 2010), gây quan ngại về tình trạng "bong bóng tài chính" đang âm thầm diễn ra, đặt tình hình tài chính toàn cầu trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, đặc biệt là những vấn đề tài chính đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung quốc (khi mà giá bất động sản đang được đẩy lên cao, trong khi tình trạng dư thừa rất rõ ràng,...).

Thứ tư, diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, có thể ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế.

Thứ năm, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài: thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng chưa được cải thiện nhiều và công nghiệp phụ trợ yếu kém, nhiều chính sách vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi yêu cầu về chất lượng các dự án FDI ngày càng cao (về công nghệ, giá trị gia tăng cao, đạt tiêu chuẩn về môi trường,...) khiến các nhà đầu tư vẫn dè dặt về môi trường hoạt động lâu dài, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư giảm sút.

Minh Ngọc

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201812/nhieu-yeu-to-tieu-cuc-co-the-anh-huong-toi-tang-truong-viet-nam-622005/