Nhìn lại 67 Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương: Dấu ấn chuyển giao thế hệ

Từ ngày 20/9 đến ngày 29/10, 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương trên cả nước đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhìn lại kết quả các Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương, nhiều chuyên gia về xây dựng đảng, đảng viên và nhân dân đều có chung nhận xét: Các Đại hội đều rất thành công ở nhiều phương diện, đúng yêu cầu của Chỉ thị 35 và Điều lệ đảng. 4 nội dung lớn của Đại hội đều được bàn và quyết định rất kỹ, đặc biệt là văn kiện Đại hội và công tác nhân sự có những thành công nổi bật…

Các đại hội diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn. Các đại biểu đã phát huy tốt quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia ý kiến, quyết định các vấn đề quan trọng của dịa phương.

Công tác nhân sự được các cấp ủy chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc, cơ bản, đảm bảo công khai, khách quan, minh bạch nên nhận được sự thống nhất cao. Chất lượng cấp ủy được chú trọng, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở nhiều nơi đạt, vượt mức chỉ tiêu đề ra. Cấp ủy ở các đại hội đều có số dư khi bầu và nhiều cấp ủy, số lượng Ban chấp hành tinh gọn hơn khóa trước.

Đối với văn kiện Đại hội, ngoài những điểm chung của toàn đảng, Văn kiện của các đảng bộ tỉnh, thành phố tùy điều kiện của từng địa phương đã có sự khác biệt, thậm chí là có tính độc đáo của từng địa phương, thể hiện sự quan tâm, nghiên cứu kỹ, nắm chắc tình hình để đưa vào dự thảo văn kiện. Dư luận rất hoan nghênh và thích thú khi chỉ số hạnh phúc được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ Yên Bái; hay Gia Lai chú trọng vào nông nghiệp công nghệ cao, Cần Thơ phấn đấu là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không còn tình trạng dàn hàng ngang tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, mỗi đảng bộ đều chọn cho mình từ 2 đến 3 khâu đột phá để phát triển trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới, với tầm nhìn bao quát, xa, rộng, con mắt chiến lược lâu dài.

Qua quan sát và trực tiếp tham dự một số đại hội ở các địa phương, nhà báo Phạm Đức Thái - Ủy viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết “Dự thảo Văn kiện Đại hội được lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân, do đó đã phát huy được trí tuệ tập thể trong từng lĩnh vực, từng chỉ tiêu cụ thể. Tới khi Đại hội lại tiếp tục thảo luận tại hội trường và tại tổ, các ý kiến góp ý rất sôi nổi, thể hiện rõ trách nhiệm của từng đại biểu. Tôi lấy ví dụ, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030 Ninh Bình trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng” cũng đã được thảo luận để làm rõ nội hàm, tại sao lại trở thành tỉnh khá so với khu vực mà không phải là tỉnh khá của cả nước. Hay như Hải Dương cũng đã thảo luận để làm rõ mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Chất lượng công tác nhân sự tại các Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã được nâng cao hơn rất nhiều so với các nhiệm kỳ trước, trong đó có 27 người dưới 50 tuổi (43%). Bí Thư trẻ nhất là ông Lê Quốc Phong, sinh năm 1978. Có 22 Bí thư Tỉnh ủy lần đầu tiên đắc cử. Đáng chú ý, có 11 người được Bộ Chính trị điều động, luân chuyển trong năm 2020 và đều đắc cử, tái đắc cử làm Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025. 9 Bí thư nữ cũng đang trong độ tuổi sung sức, 22 bí thư Tỉnh ủy được bầu trong Đại hội không phải là người địa phương…

Theo ông Nguyễn Đức Lượng- nguyên Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, việc có nhiều cán bộ trẻ tham gia vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và có nhiều Bí thư Tỉnh ủy tuổi dưới 50, tất cả 22 cán bộ do trung ương luân chuyển, giới thiệu đều trúng cử với sự tín nhiệm cao cho thấy chính sách, chủ trương về cán bộ của chúng ta rất chặt chẽ, quy trình bài bản.

Bà Bùi Thị An- Đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá cao cơ cấu cấp ủy khóa mới có những thay đổi. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cao hơn, có những tỉnh tỷ lệ lên đến 30%, nhiều nữ Bí thư Tỉnh ủy tuổi còn trẻ. Điều đó cho thấy bản thân phụ nữ đã cố gắng phấn đấu nhưng bên cạnh đó là chính sách cán bộ của đảng đã tạo cho phụ nữ có cơ hội…

“Vì vậy tôi mong và tin đội ngũ cán bộ, đặc biệt là các đồng chí nữ, Bí thư Tỉnh ủy nữ sẽ cố gắng hết sức mình để đáp lại lòng tin của đảng của nhân dân, của địa phương đó”- bà An bày tỏ.

Quan sát đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương, ông Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) cho biết, kết quả bầu nhân sự cấp ủy tại các Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua là kết quả tích lũy từ quá trình đổi mới công tác cán bộ trong suốt nhiệm kỳ qua. Qua đó, chúng ta đã chuẩn bị được đội ngũ nhân sự, đặc biệt là Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy một cách chắc chắn, vững vàng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

So với nhiệm kỳ Đại hội XI, nhiệm kỳ XII đã khắc phục được nhiều hạn chế về công tác chuẩn bị nhân sự khóa mới. Nếu như ở các nhiệm kỳ Đại hội trước, câu chuyện “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, “chạy chức”, “chạy quyền” đã được nhắc tới thì ở các Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2015, câu chuyện này phần nào đã được hạn chế.

“Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Chúng ta chờ đợi các tân Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trong thời gian tới thể hiện năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thế nào, thể hiện về mặt rèn luyện phẩm chất đạo đức, cũng như bản lĩnh chính trị ra sao” – ông Vũ Văn Phúc cho biết.

Theo ông Vũ Văn Phúc, điều đặc biệt ở nhiệm kỳ này là có tới 43% tân Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thuộc thế hệ 7X. Trong đó, nhiều cán bộ được Trung ương luân chuyển về địa phương trúng cử Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 với 100% phiếu bầu. Điều đó cho thấy Ban Chấp hành Trung ương, Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng đã chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đảng bộ các cấp rất trúng; đánh dấu sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng ta cho thời kỳ chuyển giao thế hệ lãnh đạo giữa lớp thế hệ những cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, thử thách trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.

Công tác chuẩn bị cho thời kỳ chuyển giao thế hệ lãnh đạo không phải ngày một, ngày hai là có được, mà phải trải qua quá trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chắc chắn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là của các địa phương. Các cán bộ này đã trải qua quá trình sàng lọc, đào tạo một cách bài bản không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, số lượng nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đưa ra bầu đều có số dư, đảm bảo để Đại hội lựa chọn và bầu. Tuy nhiên, qua theo dõi cũng cho thấy, mặc dù phương án nhân sự đưa ra được làm theo quy trình 5 bước, nhưng khi ra Đại hội và Hội nghị lần thứ I, Ban Chấp hành Đảng bộ vẫn có những đồng chí không trúng theo dự kiến nhân sự. Đó là những đồng chí mới luân chuyển về, chưa có đủ thời gian thể hiện năng lực tại địa phương; hoặc có 1 số đồng chí nhân sự tại chỗ, là Ủy viên Ban Thường vụ khóa trước nhưng không trúng BCH khóa mới vì một số nguyên nhân tồn tại từ trước đó.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn-Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Mặc dù diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mưa lũ, thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung, một số Đại hội rút ngắn thời gian để tập trung cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai nhưng tất cả các Đại hội đã được tổ chức theo đúng tiến độ đề ra, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, trang trọng mà tiết kiệm. Đại hội thực sự là nơi tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên. Đăc biệt các đại biểu tham dự đại hội đã phát huy tốt hơn quyền, trách nhiệm của mình trước Đảng trước nhân dân.

Tuy nhiên, theo nhà báo Phạm Đức Thái- Ủy viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, qua thực tế đại hội đảng bộ một số tỉnh cũng có những điểm cần xem xét. Trước khi diễn ra đại hội, ở một số tỉnh có thông tin về việc tặng quà, may trang phục cho đại biểu với chi phí lớn, gây dư luận không tốt. Trong quá trình diễn ra đại hội, có nơi tổ chức nội dung đoàn đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân chúc mừng đại hội còn rườm rà, chiếm nhiều thời gian của phiên khai mạc đại hội. Hoặc trong công tác tổ chức đại hội, có nơi vẫn chưa thực sự tiết kiệm trong trang trí, khánh tiết...

Trước những phản ánh của dư luận, nhiều tỉnh, thành đã quyết định không tặng quà đại biểu hoặc chỉ tặng quà là tài liệu, ấn phẩm cung cấp thông tin về địa phương. Có tỉnh cắt giảm thành phần tham dự, hủy các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng đại hội, cắt giảm các hạng mục trang trí, tuyên truyền, rút ngắn thời gian tổ chức đại hội… Đây là những việc làm cần thiết, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Những thành công nhiều mặt từ Đại hội các đảng bộ trực thuộc trung ương sẽ là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảm bảo đúng phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển./.

Đình Hiếu- Kim Anh/VOV; Trình bày: Thi Uyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nhin-lai-67-dai-hoi-dang-bo-truc-thuoc-trung-uong-dau-an-chuyen-giao-the-he-814298.vov