Nhìn lại 9 tác phẩm tranh giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar 2020

'Ford v Ferrari', 'The Irishman', 'Jojo Rabbit', 'Joker', 'Little Women', 'Marriage Story', '1917', 'Once Upon a Time in Hollywood' và 'Parasite' sẽ đi tìm vinh quang ở Oscar 2020.

Ford v Ferrari: Với Ford v Ferrari, khán giả được chứng kiến những phẩm chất biến Ken Miles (Christian Bale) cùng Carroll Shelby (Matt Damon) trở thành huyền thoại trên đường đua Le Mans đầy khắc nghiệt. Đối với họ, chỉ có một tình yêu lớn duy nhất trong đời: tình yêu với tốc độ, với những đường đua. Vì điều đó, cả hai sẵn lòng hy sinh tất cả, sẵn lòng bỏ qua vinh quang phù phiếm, tầm thường của giải thưởng, tiền bạc. Review đầy đủ.

The Irishman: Giống như Once Upon a Time in America, bộ phim lấy đề tài gangster mới nhất của đạo diễn Martin Scorsese đi vào lòng khán giả nhờ câu chuyện đầy đau xót về những số phận bị đè chặt bởi tội ác, về những tình bạn tưởng lâu bền, nhưng cuối cùng vẫn bị hủy hoại bởi lòng tham và sự mù quáng. Review đầy đủ.

Jojo Rabbit: Để bi kịch của chiến tranh không lặp lại, chỉ có một cách duy nhất là nhân loại hãy yêu thương, trân trọng, và mở lòng cho nhau theo cái cách cậu bé Jojo “Thỏ đế” (Roman Griffin Davis) đã mở lòng với mọi người xung quanh cậu, kể cả với người mà cậu được dạy là “kẻ thù” như Elsa (Thomasin McKenzie). Có lẽ đó là thông điệp mà đạo diễn Taika Waititi muốn đem tới cho khán giả thông qua tác phẩm hài hước nhưng mang đậm tinh thần phản chiến Jojo Rabbit. Review đầy đủ.

Joker: Chân thực, tăm tối và xoáy sâu vào tâm lý con người, Joker là tác phẩm tâm lý chất lượng và đáng nhớ bậc nhất của năm 2019. Dù mỗi khán giả sẽ đưa ra kiến giải riêng về bộ phim, với những lý lẽ khen chê tùy theo quan điểm cá nhân, bất cứ ai sẽ cũng phải thừa nhận màn trình diễn xuất thần của Joaquin Phoenix trong vai Joker hay còn được gọi là “hoàng tử hề tội ác” của thành phố Gotham. Review đầy đủ.

Little Women: Với phiên bản điện ảnh chuyển thể thứ bảy của tiểu thuyết Little Women, có lẽ mỗi khán giả sẽ giữ lại cho mình một câu chuyện. Đó có thể là bài học về cách yêu và mở lòng với tình yêu của những cô gái mới lớn như Jo (Saoirse Ronan), như Amy (Florence Pugh). Đó có thể là bài học về cách vượt qua gánh nặng cơm áo gạo tiền để biến tình yêu, sự nhiệt huyết với nghiệp viết trở thành thành công. Nhưng trên hết, đây là một tác phẩm của những người phụ nữ, về những người phụ nữ, nhằm nói lên sự trân quý và tin yêu hết mực của những người làm phim dành cho phụ nữ. Review đầy đủ.

Marriage Story: Liệu ai là “thủ phạm” khiến mối tình từng rất đỗi tuyệt đẹp của đôi vợ chồng nhà Barber tan vỡ? Quả khó để trả lời. Nhưng trên hết, đây là câu chuyện về những người nghệ sĩ nhiều khi đã quá yêu nhau, đã quá yêu công việc tới mức quên mất rằng họ chỉ có thể duy trì sự quan tâm, sự hy sinh dành cho nhau nếu như “sống thực sự”, để tâm thực sự tới mong muốn, suy nghĩ của bản thân. Marriage Story của Noah Baumbach quả là một tác phẩm đáng xem đối với những người trẻ muốn tránh khỏi trải nghiệm buồn về một gia đình tan vỡ mà Nicole (Scarlett Johansson), Charlie (Adam Driver), và Henry Barber (Azhy Robertson) đã phải trải qua, chỉ vì lỡ không quan tâm tới nhau và chính bản thân. Review đầy đủ.

1917: Bộ phim không hề tô son điểm phấn cho chiến tranh, không hề cố gắng khắc họa những người hùng của chiến trận hay tô đậm hào quang của cái chết trên chiến trường. Trái lại, đạo diễn Sam Mendes cùng ê-kíp chỉ tập trung mô tả những góc cạnh xấu xí nhất, tàn bạo nhất của chiến tranh, và khắc họa những số phận bình thường nhất khi bị đặt vào hiểm cảnh. Nhưng kết phim 1917 cho người xem niềm tin rằng bên trong nhân vật mà họ nín thở theo dõi từ đầu phim vẫn còn le lói chút nhân tính, tình người, và điều đó biến đây trở thành tác phẩm mang đề tài chiến tranh nhưng thấm đẫm tinh thần phản chiến và chứa đựng trong mình rất nhiều niềm tin. Review đầy đủ.

Once Upon a Time in Hollywood: Chưa phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng Once Upon a Time in Hollywood là lá thư chân thành và đặc sắc mà Quentin Tarantino gửi tới khán giả nhằm chia sẻ tình yêu của ông đối với điện ảnh nói chung và với Hollywood ở buổi giao thời giữa làn sóng cũ và làn sóng mới nói riêng. Với dự án áp chót sự nghiệp, ông muốn dựng nên một tác phẩm riêng cho bản thân, bất chấp việc thành phẩm chứa đựng quá nhiều chi tiết ẩn dụ và nhịp phim tương đối thiếu hấp dẫn với đa số khán giả. Nhưng với rất nhiều người đã chia sẻ tình yêu điện ảnh cùng Quentin Tarantino trong suốt mấy thập kỷ qua, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được câu chuyện cổ-tích-mà-không-phải-là-cổ-tích trong phim. Review đầy đủ.

Parasite: Các nhân vật trong Parasite được xây dựng chi tiết và ấn tượng, mang tính đặc trưng xã hội cao. Từng kiểu người trong phim đều có thể bắt gặp ngoài đời thực ở bất cứ đâu, với cá tính đậm nét và thể hiện rất rõ môi trường mà họ sinh hoạt hàng ngày. Nhìn chung, đạo diễn Bong Joon-ho đã đem đến cho khán giả một tác phẩm thuộc hàng hay nhất trong sự nghiệp của ông. Hài hước, trào phúng, nhưng không kém phần kịch tính, bất ngờ và gây ám ảnh, “Cành cọ vàng” của điện ảnh Hàn Quốc là một trải nghiệm điện ảnh tuyệt vời mà bất cứ khán giả nào cũng không nên bỏ qua. Review đầy đủ.

Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 trên Zing.vn Sự kiện điện ảnh lớn nhất trong năm do Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) tổ chức sẽ diễn ra vào sáng 10/2 (theo giờ Việt Nam) và được tường thuật trực tiếp trên Zing.vn

Ngọc Nhi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhin-lai-9-tac-pham-tranh-giai-phim-truyen-xuat-sac-tai-oscar-2020-post1044832.html