Nhìn lại các công trình ngăn mặn hiện có ở ĐBSCL

LTS: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã nhận được bản thảo về 'Đánh giá các hệ thống ngăn mặn vùng ven biển châu thổ Cửu Long và dự án thủy lợi sông Cái Lớn - Cái Bé' của nhóm nghiên cứu gồm Lê Anh Tuấn - Nguyễn Hữu Thiện - Dương Văn Ni - Nguyễn Hồng Tín - Đặng Kiều Nhân.

Đây là một công trình khoa học dài hơn 15.000 chữ với 37 trang, xét thấy phần đánh giá tác động các công trình ngăn mặn phù hợp với tờ báo, nên tòa soạn xin được lược đăng. Tựa đề chính và các tựa phụ do tòa soạn đặt.

Ngọt hóa bán đảo Cà Mau

Dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp, ngọt hóa Bán đảo Cà Mau được khởi công từ những năm đầu của thập niên 1990 với vốn vay của Ngân hàng Thế giới, có trị giá đầu tư xấp xỉ 1.400 tỉ đồng (theo thời giá lúc đó). Trong suốt giai đoạn 1990 - 2000 và tiếp đến nay, hàng trăm công trình cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, giữ ngọt đã được đầu tư.

Theo dự tính của ngành thủy lợi, hệ thống đưa nước ngọt từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau sẽ cung cấp nước tưới, phục vụ chủ yếu trồng lúa, cho 70.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu, 50.000 ha đất của Cà Mau và 66.000 ha đất của Kiên Giang. Do nhiều cống ngăn mặn đã cản trở giao thông thủy nên phát sinh ra những công trình khác như hệ thống Âu thuyền Tắc Thủ, được xây dựng tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - sông Trẹm, thuộc xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) và xã Khánh An (huyện U Minh, Cà Mau).

Âu thuyền Tắt Thủ được khởi công xây dựng từ năm 2001-2002, với tổng vốn gần 80 tỉ đồng vào thời điểm đó. Công trình này do Công ty Tư vấn xây dựng Thủy lợi II chịu trách nhiệm thiết kế và giám sát thi công xây dựng.

Tuy nhiên, công trình sau hơn 5 năm khởi công đã bắt đầu bộc lộ những bất cập trong mục tiêu và thực tế.

Từ năm 1997-1998, đã có hàng trăm nông dân đòi phá các hệ thống cống - đập này để lấy nước nuôi tôm, điển hình là sự kiện tháng 7/1998 nông dân Bạc Liêu kéo nhau phá đập Láng Trâm (xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai).

Và làn sóng phá cống ngăn mặn lan sang tỉnh Cà Mau (như ở các địa điểm Vườn Cò, Rạch Mới, Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân). Chính mâu thuẫn mặn - ngọt này, đến năm 2000 Chính phủ quyết định cho các tỉnh vùng ĐBSCL chuyển đổi 450.000 ha đất trồng lúa sang đất nuôi tôm, khiến mục tiêu chính dự án Ngọt hóa Bán đảo Cà Mau gần như bị thất bại.

Âu thuyền Tắt Thủ trong hệ thống ngọt hóa này là một điển hình “phá hoại” lớn của dự án: sau khi hoàn thành năm 2006, công trình trở thành một khối bê tông vô dụng, làm cản trở giao thông, gây thất thoát ngân sách và tạo nhiều bức xúc cho người dân sở tại và dư luận đánh giá xấu cho ngành giao thông - thủy lợi. Gần như đến nay, không ai chịu trách nhiệm về những đầu tư kém hiệu quả và lãng phí này.

Nguồn nước ô nhiễm

Do dòng chảy sông rạch thường xuyên bị chặn lại bởi các cống, phía trong cống không còn hiện tượng nước lớn, nước ròng mỗi ngày, hoặc nước ròng cho mỗi chu kỳ rằm nửa tháng. Trước khi có cống - đập, biên độ thủy trình trong sông kênh có thể dao động đến gần 2 mét. Do cống đóng gần như suốt mùa khô, dòng sông lúc nào cũng đầy nước nhưng là loại nước tù, không chảy hoặc chảy lờ đờ rất chậm. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm tích lũy trong nước rất cao. Rác rến từ nguồn thải dân cư và các chất động như thuốc trừ sâu, thuộc diệt cỏ và phân bón tràn xuống nước tích tụ dày đặc do thiếu nguồn nước biển để rửa trôi.

Hệ quả là hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong nước đều rất thấp khiến khả năng tự làm sạch của nguồn nước bằng cơ chế oxy hóa, pha loãng và rửa trôi bằng thủy triều. Nước trong sông rạch mang màu đen đặc trưng và có mùi thối đặc trưng do các hợp chất hữu cơ phân hủy trong nước.

Hiện nay sông ngòi ở các vùng thủy lợi này gần như không còn sử dụng được cho mục đích ăn uống, thậm chí tắm giặt. Người dân chuyển sang sử dụng nước ngầm, nhiều giếng nước ngầm đã khoan đến độ sâu 80 - 120 m để lấy nước ngọt. Sự khai thác nước ngầm để lấy nước ngọt quá lớn vùng “ngọt hóa” đang làm gia tăng tốc độ sụt lún đất ĐBSCL nhanh gấp nhiều lần nước biển dâng. Hệ quả này sẽ dần dần làm hư hỏng công trình, gây nguy cơ cao cho vấn đề nhiễm mặn và nhiễm bẩn nước ngầm.

Nguồn lợi thủy sản mất dần

Rất khó để tìm ra các loài cá trắng trên các dòng sông bị chặn bởi các cống đập, thay thế trong thủy vực bằng các loài cá đen nước tĩnh như cá lóc, cá trê và các loài cá ngoại lai như cá rô phi, cá lau kiếng. Lý do là hệ sinh thái sông ngòi (riverine environment) đã bị chuyển sang hệ sinh thái hồ (lacustrine environment).

Trao đổi với người dân trong khu vực, tất cả đều khẳng định nguồn lợi thủy sản gần như bị suy giảm nghiêm trọng, môi trường sống của các loài thủy sinh bị kiệt quệ thấy rõ. Nghiên cứu khảo sát nguồn lợi thủy sản của trường Đại học Cần Thơ ở các khu vực có dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No, Quản Lộ - Phụng Hiệp qua thu thập mẫu (3 lần mỗi năm) và thêm phỏng vấn người dân địa phương cho thấy, cả nguồn cá nước ngọt và nước lợ trong vùng có dự án thủy lợi giảm sút gấp 3 lần so với nguồn cá đối chứng ở bên ngoài hệ thống.

Về mặt sinh thái nông nghiệp, nếu độ chua của nước pH > 4 và độ mặn S < 0,4% (4 ppt) thì có thể trồng lúa, nhưng với đặc điểm một vùng sông nước và nuôi trồng thủy sản đa dạng từ vùng nước mặn, nước lợ, nước ngọt thì ngoài 2 thông số nói trên, còn có các thông số hàm lượng oxy hòa tan, độ đục,… và cả yếu tố vi sinh, dịch bệnh… việc quản lý các hệ thống thủy lợi không sao thỏa mãn được hết.

Chất lượng đất thay đổi

Một ghi nhận rõ hơn nữa là chất lượng đất, hay nói cách khác là sức khỏe của đất (soil healthy) bị suy kiệt nhanh chóng ở những vùng đất canh tác có cống ngăn mặn phía bên ngoài. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng tỏ, khi lớp đất mặt ngập nhiều ngày, hàm lượng oxy khuếch tán vào nước giảm vài ngàn đến hơn 10 ngàn lần so với điều kiện tiếp xúc với không khí, lúc đó hiện tượng yếm khí toàn phần xảy ra. Đất bị ngập nước hoàn toàn sau một ngày thì hàm lượng oxy giảm nhanh tới mức không phát hiện được sự hiện diện oxy trong đất nữa. Khi đó, các tác nhân như nitrogen dioxide, các hợp chất mangan, sắt, carbon dioxit, ammoniac, hiđro sunfua, metan, acetylene, ethanol, các sản phẩm biến dưỡng của vi sinh vật,… gia tăng, gây tổn thương vùng rễ, làm nhiễm độc cho cây trồng.

Nước cầm tù dâng cao, thấm bão hòa vào các lớp đất mặt khiến các loại cây trồng khó phát triển, các loại cây ăn trái có bộ rễ sâu hơn 20-30 cm dần dần bị vàng lá, thối gốc, thối rễ mà chết. Muốn giảm thiệt hại, người nông dân phải chấp nhận bơm thoát nước liên tục, khiến chi phí đầu tư ban đầu cao vì phải dùng nhiều năng lượng như điện, xăng dầu để chạy máy bơm, chưa kể công sức và thời gian phải lo trực chạy máy, sửa chữa máy, theo dõi mực nước.

Hầu hết khu vực ven biển là đất có tầng phèn hoạt động và nước thủy cấp nhiễm mặn. Xì phèn hoặc mặn xảy ra làm giảm năng suất cây trồng/vật nuôi khi mực thủy cấp thấp và không cấp đủ nước ngọt do vận hành công trình không phù hợp.

Thay đổi về sinh cảnh thực vật

Các dòng sông bị đóng kín sau mùa mưa để giữ lại nước ngọt khiến thủy triều từ biển không vào nội đồng được. Đất đai trong vùng canh tác trở nên thiếu dinh dưỡng và cây trồng phải phụ thuộc vào phân bón. Chính điều này, về lâu dài, đã làm nhiều nông đã bị buộc phải chặt bỏ hàng ngàn ha vườn cây ăn trái, chuyển sang trồng mía, rồi mía cũng thất bại, chuyển sang trồng tràm, nhưng tràm trong điều kiện ngập nước kéo dài cũng rất chậm lớn.

Nhiều mảng cây rừng ven biển bị suy kiệt mà chết dần, sạt lở ven biển gia tăng. Còn phía trong đồng thì dòng sông biến thành các hồ chứa, nước bị cầm tù khiến nhanh chóng bị ô nhiễm, hôi thối. Lục bình và nhiều loại tảo lục phát triển, ghe tàu đi lại rất khó khăn, chậm chạp và tốn kém.

Các loại cây quen sống ở vùng nước lợ, điển hình như cây dừa nước (Nypa fruticans), sẽ nhanh chóng bị vàng lá, hư hại và chết do hệ sinh thái nước lợ biến thành nước ngọt nên loài sâu ăn lá dừa nước phát triển. Nói chung, tính đa dạng sinh học khu vực bị suy giảm đáng kể.

Sự thay đổi điều kiện giao thông thủy

Dễ dàng thấy được các cống đập đặt ngay vị trí dòng chảy thì ảnh hưởng đến giao thông thủy. Nước không lưu thông thì lục bình thuận lợi phát triển bao trùm mặt thoáng. Việc đi lại rất trở ngại. Nhiều nơi người dân đã phải dung thuốc diệt cỏ để xịt lên lục bình nhằm tạo lối đi khiến nước sông càng ô nhiễm hóa chất nặng nề, tôm cá bị tiêu diệt và sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng.

Chi phí vận chuyển lúa ra ngoài đê tăng xấp xỉ 10%, máy gặt đập bên ngoài đưa bằng xà lan vào trong đê rất khó, hoặc không vào được (như vùng Xà Phiên, Long Mỹ). Tại khu vực Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Hậu Giang lượng tàu ghe đến giao dịch giảm đi hẳn.

Một số cống gây hạn chế giao thông thủy khi đóng cống hoặc do thiết diện chiều rộng cống hạn chế. Trong khi ở khu vực nông thôn nơi chưa có hạ tầng phát tiển, giao thông thủy đóng vai trò rất quan trọng. Khi thu hoạch lúa, hoặc vận chuyển hàng hóa nặng, giao thông thủy là lựa chọn ưu tiên của người dân.

Tại một cống, có sáng kiến làm bộ tời kéo vỏ lãi vượt qua cống trên 2 thanh ray, muốn qua người dân phải trả phí. Tại một số cống ngăn mặn, người dân muốn lưu thông qua cống phải chi tiền đút lót cho người quản lý cống mở cống.

Sự thay đổi văn hóa - xã hội

Một điều mà nhiều người nhận xét, ở những nơi có cống - đập chặn dòng, tình trạng di dân ngày càng phổ biến. Việc canh tác khó khăn, chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận giảm, cộng thêm tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều người đã bỏ đồng ruộng đi mưu sinh ở các khu công nghiệp hoặc thành phố (ở địa phương quen gọi một tên chung là “đi Bình Dương”). Hiện tượng này không phải do vấn đề dân số, tốc độ tăng dân số của ĐBSCL hiện nay là âm, mà do kinh tế nông thôn đang đi xuống. Trong vấn đề di dân, phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Do sông ngòi ô nhiễm, trẻ em nông thôn ngày nay không biết bơi, chỉ những đứa trẻ trừ ở các nhánh sông lớn như Sông Tiền, Sông Hậu. Đây là một nét văn hóa đã bị mất của ĐBSCL. Hoạt động giao thông thủy sút giảm cũng là mất một nét quan trọng của văn hóa sông nước ĐBSCL. Lượng cá trắng sút giảm nghiêm trọng nên một số món ăn mất hình ảnh con cá trên thực đơn.

Sự suy giảm chất lượng nguồn nước, đi lại khó khăn,… cũng là một vấn đề khó khăn liên quan đến tiện nghi, an toàn, chất lượng sống và sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em. Hầu hết các dự án không quan tâm đến yếu tố giới, qua trao đổi với các địa phương, tham vấn và quản lý nước đều không xem xét sự tham gia của phụ nữ.

Trong hầu hết các dự án thủy lợi, đối tượng cư dân được nói đến nhiều là nông dân, đặc biệt là nông dân trồng lúa. Thực tế, trong vùng nông thôn ven biển châu thổ Cửu Long, có rất nhiều nhóm cư dân khác nhau của địa phương, có các sinh kế khác nhau như thương buôn, chế biến nông sản, bốc xếp hàng hóa, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… Ảnh hưởng công trình đến sinh kế của họ, gần như không được chú ý nên dễ gây những tác động dây chuyền.

Tính kém hiệu quả kinh tế công trình

Ngân sách sử dụng cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chiếm tỷ lệ cao ở các công trình thủy lợi. Chi phí nhiều ngàn tỉ của các công trình thủy lợi là do ngân sách trung ương hoặc địa phương thực hiện, tập trung cho các công trình xây dựng và chi phí duy tu, bảo dưỡng và vận hành, nhưng chưa bao giờ được hạch toán vào bài toán kinh tế được - mất. Cái được là tăng sản lượng, vụ lúa, nhưng chi phí các công trình này là “miễn phí-trên trời rơi xuống” không hề được đưa vào giá thành sản xuất. Ngoài ra những tổn thất về tài nguyên và môi trường to lớn khủng khiếp cũng chưa được tính vào chi phí.

Nói cách khác, nếu nhìn tổng thể trên bình diện nền kinh tế quốc gia, nếu càng tiếp tục cách như hiện nay, càng làm quốc gia càng nghèo thêm.

Mặt được của các công trình thủy lợi ngăn mặn, ngăn lũ là góp phần tăng vụ, chủ yếu là lúa, làm tăng thu nhập của người dân từ 1 lên 2 vụ, hoặc từ 2 lên 3 vụ. Tuy nhiên,với một nơi vốn sẵn giàu tài nguyên thiên nhiên như ĐBSCL chỉ cách đây vài thập niên, sự hủy hoại nguồn thủy sản và nguồn nước sông ngòi để đánh đổi sản lượng lúa chất lượng thấp để xuất khẩu hơn 50% là điều đáng tiếc.

Hiệu suất và hiệu quả sử dụng của các công trình hạn chế, ít hơn dự kiến trong thiết kế bởi vì thời gian và tần suất vận hành ít. Nhiều công trình cống chưa một lần vận hành từ ngày xây dựng đến nay. Điều này gây thất thoát và lãng phí lớn vì các công trình này chi phí đầu tư rất cao so với các giải pháp phi công trình.

Hòa Tân lược ghi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279478/nhin-lai-cac-cong-trinh-ngan-man-hien-co-o-dbscl.html